Dưới đây là một số nguy cơ tương ứng với công việc và thói quen của bạn:
Ngồi làm việc cả ngày
Ngồi trong một thời gian dài rất có hại với sức khỏe của bạn. Những cơn đau mỏi dai dẳng chỉ là những vấn đề "nhẹ ký" nhất mà bạn có thể gặp phải: Ngồi nhiều có thể khiến bạn chết sớm hơn rất nhiều. Bạn có nguy cơ gặp rối loạn cơ xương, béo phì, tiểu đường, ung thư, bệnh tim và vô số căn bệnh khác, thậm chí là ngay cả trong trường hợp bạn thường xuyên luyện tập thể thao.
Ngồi không đúng tư thế còn nguy hiểm hơn
Nếu công việc của bạn yêu cầu bạn ngồi liên tục cả ngày, bạn cần phải chỉnh tư thế ngồi thành ngồi thẳng ngay lập tức. Nếu tiếp tục giữ các tư thế vặn vẹo, "thoải mái" của mình, bạn có nguy cơ mắc các bệnh khó chữa, dai dẳng như viêm khớp hoặc viêm túi thanh mạc.
"Bàn làm việc tập chạy": Lợi bất cập hại
Ngay cả những chiếc bàn làm việc được cho là có khả năng bảo vệ sức khỏe (chống béo phì và bệnh tim) này cũng sẽ gây hại: Khả năng bạn bị ngã và gặp chấn thương khi làm việc là rất lớn. Chưa kể, những chiếc bàn làm việc này cũng sẽ khiến bạn gặp nhiều lỗi khi đánh máy.
Những cuộc họp động viên tinh thần
Để giúp nhân viên của mình trở nên phấn chấn trước mỗi nhiệm vụ mới, các nhà quản lý thường tổ chức các cuộc họp động viên tinh thần hoặc các hoạt động, trò chơi team-building.
Tuy vậy, các nghiên cứu mới đã cho thấy rằng "ép buộc" mọi người phải tỏ ra tích cực về những điều vẫn còn chưa rõ ràng sẽ càng làm cho nỗi sợ của họ trở nên rõ ràng, và cuối cùng thậm chí sẽ làm họ chán nản hơn trước.
Chất lượng không khí bên trong văn phòng quá khủng khiếp
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ EPA mới đây đã công bố về một hội chứng mới có tên gọi: "Tòa nhà Bệnh tật". Không khí bên trong các tòa nhà thậm chí còn bẩn hơn 100 lần so với ở ngoài trời, và bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều loại khí, hóa chất độc hại.
Bên trong điều hòa nhiệt độ có chất gây ô nhiễm môi trường; các tòa nhà cũng có các phân tử của khí độc, các loại vi khuẩn nguy hiểm và côn trùng. Vấn đề này là cực kỳ trầm trọng tại các tòa nhà không được chăm sóc kỹ lưỡng.
"Đối mặt" quá nhiều với máy in và máy photocopy
Máy photocopy có thể thải ra khí ozone gây chết người nếu bạn không thay màng lọc thường xuyên. Chỉ một lượng ozone rất nhỏ cũng có thể gây đau ngực và khó chịu. Các loại máy in la-ze cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bạn: Phân tử mực in có thể xâm nhập vào phổi, máu gây ra viêm phổi và nhiều loại bệnh nguy hại khác.
Sử dụng laptop quá lâu
Tất cả mọi người đều có thể bị bỏng nếu sử dụng laptop trên đùi thay vì trên bàn, song giới mày râu thậm chí còn nên cẩn trọng hơn nữa: các nhà nghiên cứu tại Đại học New York vừa phát hiện ra rằng nhiệt độ quá cao của laptop có thể gây ảnh hưởng xấu tới số lượng tinh trùng của bạn.
Làm việc trên 10 giờ mỗi ngày
Các nhà nghiên cứu tại châu Âu phát hiện ra rằng, những người làm việc trên 10 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 60%, bao gồm cả những cơn đau tim nguy hiểm.
Nhìn liên tục vào màn hình máy vi tính
Màn hình máy vi tính không phát ra bức xạ, song việc nhìn quá lâu vào màn hình máy vi tính có thể gây hại cho mắt của bạn. Phần lớn các tác hại đều chỉ xảy ra nhất thời, song những cơn chóng mặt và buồn nôn do màn hình gây ra chắc chắn sẽ khiến nhiều người chán nản.
Phải tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng
Quá nhiều ánh sáng bên trong văn phòng có thể gây những triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, stress và cả bệnh cao huyết áp, và thậm chí là cả ung thư. Lý do? Cơ thể con người phản ứng với môi trường quá nhiều ánh sáng giống như với bóng đêm, do đó các văn phòng được chiếu quá nhiều ánh đèn sẽ khiến đồng hồ sinh học của bạn bị rối loạn.
Chết vì… quá nhàm chán
Đây không phải là một câu nói đùa! Một nghiên cứu từ Đại học London cho thấy, những người thường xuyên kêu chán có xu hướng chết trẻ hơn. Những người cho rằng cuộc sống của mình quá nhàm chán rất dễ chết vì bệnh tim hoặc đột quị. Những người này cũng có nguy cơ gặp tai nạn tại nơi làm việc cao hơn.
Bàn phím quá bẩn
Bàn phím có thể trở thành một "nông trại" vi khuẩn nếu không được vệ sinh thường xuyên. Các nhà vi sinh vật học cho biết số lượng vi khuẩn sinh sống trên bàn phím có thể nhiều gấp 5 lần trong toilet. Các loại vi khuẩn này bao gồm cả e-Coli (nguyên nhân chủ yếu gây ra ngộ độc thực phẩm) và khuẩn tụ cầu (gây nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm).
Chỗ nào cũng có quá nhiều vi khuẩn
Bàn phím của bạn không phải là "nông trại" vi khuẩn duy nhất: Tay nắm cửa, cửa, nút điều khiển của thang máy và máy in đều là những nơi sinh sống ưa thích của vi khuẩn, chưa kể tới cả những lần bắt tay với đồng nghiệp và đối tác.
Gõ phím quá nhiều
Gõ phím quá nhiều là nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay (CTS), đây là một dạng đau do căng cơ rất nghiêm trọng có thể gây ra tổn hại lâu dài về mặt thần kinh và làm tê liệt cơ.
Kỳ hạn quá gắt gao
Những kỳ hạn quá căng thẳng có thể gây stress khiến khả năng học hỏi và trí nhớ của bạn bị giảm sút, theo nghiên cứu của Science Daily. Những cơn stress có thể khéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Dùng tay giữ chuột ở cùng một vị trí trong thời gian dài
Nếu bạn giữ chuột ở cùng một vị trí trong thời gian dài, tay của bạn sẽ bị chấn thương do căng cơ liên tục (RSI). Hội chứng RSI xảy ra trên 2 cánh tay khi các cơ của bạn bị căng trong thời gian quá dài, và có thể xảy ra khi bạn thường xuyên thực hiện các chuyển độc lặp đi lặp lại, giữ nguyên một vị trí không thoải mái hoặc thường xuyên bị ép vào các bề mặt cứng.
Dùng smartphone quá nhiều
Những người dùng smartphone quá nhiều sẽ bị mỏi cơ. "Ngón cái BlackBerry" (BlackBerry Thumb) là một trong những loại RSI (căng cứng cơ) phổ biến nhất thế giới. Triệu chứng này có thể trầm trọng tới mức bạn bị đau cả cánh tay và thậm chí là cả bàn tay bị suy nhược.
Ăn quá nhiều đồ ăn nhanh
Dân văn phòng có thể phải ăn những bữa ăn không có lợi cho sức khỏe, và việc lạm dụng đồ ăn nhanh sẽ đem lại rất nhiều tác hại. Với cùng một thể tích, đồ ăn nhanh có lượng calo gấp 2 lần đồ ăn thường, chúng có quá nhiều chất béo ô-xít gây ra bệnh tim.
Việt Dũng
Theo Business Insider