Thời kỳ hoàng kim của smartphone cao cấp đang đến hồi kết, tờ Bloomberg nhấn mạnh trong bài phân tích của mình. Những model với khả năng lướt web và đi kèm nhiều ứng dụng đã chứng kiến nửa thập kỷ thành công. Doanh số bán smartphone đạt tới gần 300 tỷ USD trong năm ngoái. Tuy nhiên, người dùng ở Ấn Độ, Trung Quốc đa số lựa chọn các model giá rẻ, trong khi thiết bị cao cấp ngày càng giảm nhu cầu.
Các mẫu smartphone cao cấp ngày càng chịu áp lực từ dòng thấp.
Theo IDC, từ năm 2012, giá trung bình một chiếc smartphone đã giảm từ 450 xuống còn 375 USD. Đó là mối đe dọa đối với việc tăng doanh thu và lợi nhuận của những "ông lớn" như Apple, Samsung, trong khi các nhà sản xuất tập trung vào nhóm giá rẻ như Huawei, Lenovo... lại hưởng lợi. "Thời kỳ tăng trưởng của dòng thiết bị cao cấp đã kết thúc", Michael Morgan, nhà phân tích của ABI nhận định.
Các nhà sản xuất lớn như Apple, Samsung, HTC sống dựa trên doanh số bán sản phẩm cao cấp đều đang dần cảm thấy khó khăn. "Thị trường này đang bớt tập trung vào tốc độ phát triển, mà quan tâm nhiều hơn đến giá thành", Kevin Restivo - một nhà phân tích từ IDC tại Toronto nhận định. "Hiện nay, người dùng chỉ quan tâm đến chiếc smartphone của họ có đủ tốt hay không".
Doanh số và lợi nhuận của chiếc One từ HTC gây thất vọng trong quý II. Trong khi đó, BlackBerry trong tháng 7 đã giảm giá chiếc Z10 sau 6 tháng đưa ra thị trường. Tên tuổi dẫn dắt thị trường Apple đã mang tới sự lo ngại khi thị phần giảm 39% từ tháng 9 năm ngoái. Apple có thể sẽ ra mắt chiếc iPhone mới vào tháng 9 tới, model được dự đoán có nhiều màu sắc, hỗ trợ bảo mật vân tay. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, điều đó vẫn khó cứu vãn sự tăng trưởng doanh số lâu dài.
Nhiều model đến từ các tên tuổi Trung Quốc đang hưởng lợi từ việc hạ giá.
Tại các thị trường mới nổi, nhu cầu smartphone đang diễn ra mạnh mẽ. IDC dự đoán, 66% trong tổng số 384 triệu smartphone bán ra ở Trung Quốc trong năm tới sẽ có giá dưới 200 USD, trong khi tại Mỹ là 14% trên tổng số 153 triệu chiếc. Điều đó đã làm tăng thị phần của các tên tuổi như Huawei, còn HTC, Nokia, BlackBerry muốn cạnh tranh thì phải giảm giá. Định vị giá thấp cũng đang là chiến lược mà Lenovo thực hiện.
Sự sụt giá của smartphone khiến nhiều nhà phân tích liên tưởng đến bài học về sự lụi tàn nhanh chóng của ngành công nghiệp PC. Trong những năm 1990, máy tính trị giá 600 USD của eMachines trở nên phổ biến, và tỷ suất lợi nhuận trung bình thu hẹp lại từ 15% xuống còn 10% đã không đủ trang trải chi phí nghiên cứu. Lợi nhuận sụt giảm, các nhà sản xuất PC tiến hành sáp nhập và chuyển giao quyền kinh doanh hàng hóa. Compaq bị HP mua lại năm 2002, rồi IBM bán lại mảng PC của mình cho Lenovo năm 2005. Gateway đã mua eMachines năm 2004, nhưng sau đó cũng bị Acer mua lại năm 2007.
Trong số hai tên tuổi lớn của ngành smartphone, Samsung có vị thế thuận lợi hơn so với Compaq, IBM trên thị trường PC trước đây. Hãng điện tử Hàn Quốc tự sản xuất chip, màn hình, linh kiện, do vậy họ có thể đưa ra những sản phẩm có giá thành thấp.
Trong khi đó, chiến lược của Apple là hệ sinh thái với 800.000 ứng dụng. Apple vẫn giữ chân một lượng khách hàng lớn mua các dòng iPhone cũ mà không cần giảm giá. Theo thống kê, một nửa iPhone bán bởi Verizon tại Mỹ gần đây là phiên bản 4 và 4S ở mức giá rẻ. "Quả táo" cũng đang triển khai nhiều chương trình nhằm giữ khách hàng.
Tuy nhiên, David Yoffie - giáo sư tại trường kinh doanh Harvard - cho rằng: "Sự tăng trưởng đang hiện rõ từ các thị trường mới nổi. Apple không còn là người giữ thị phần chính nữa. Làng smartphone cần một sự đột phá trong chiến lược. Không ai nên dậm chân tại chỗ".