Đã có những tín hiệu khả quan từ phía Nokia trong báo cáo tài chính quý II vừa qua. Theo đó, hãng điện thoại Phần Lan đã bán được tổng cộng 7,4 triệu máy Lumia, cao hơn 3 triệu máy so với quý IV/2012 - vốn là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dùng tăng lên mạnh nhất. Nhờ thành tích đó, Nokia “chỉ còn lỗ 150 triệu USD”, qua đó cũng giúp đưa Windows Phone trở thành nền tảng lớn thứ 3 thế giới, sau Android và iOS.
Nokia đang là vua?
Nói Nokia đang là vua cũng chẳng sai bởi họ chính là hãng sản xuất lớn nhất trên thị trường điện thoại Windows Phone và nhắc đến Windows Phone, người ta nhớ ngay đến Nokia. Đó có thể xem là một thành công của hãng điện thoại Phần Lan bởi họ đã phần nào tạo được dấu ấn riêng so với các đối thủ.
HTC, Samsung, Huawei hay ZTE đều có những sản phẩm chạy Windows Phone tung ra thị trường. Đặc biệt trong số đó, HTC từng rất kỳ vọng vào bộ đôi sản phẩm là 8X và 8S, đến mức họ đã đặt tên sản phẩm là Windows Phone 8X, tuy nhiên, những sản phẩm nói trên vẫn thất bại trong việc ghi dấu ấn của mình trên thị trường.
Không tính những sản phẩm như Lumia 900, 800 hay 710, 610 có vẻ như đã được xếp vào diện bị khai tử, Nokia vẫn là hãng tung ra nhiều model nhất, dành cho nhiều đối tượng người dùng, từ cao cấp với giá bán trên 10 triệu như Lumia 920 cho đến một sản phẩm tầm thấp với giá chưa đến 4 triệu như Lumia 520.
Rõ ràng, họ xứng đáng là vua trên thị trường điện thoại Windows Phone và nếu không có biến động gì lớn, họ sẽ tiếp tục là kẻ thống trị ở phân khúc này. Hay nói chính xác hơn, họ đang là một “ông vua con”, cai quản một vương quốc nhỏ và do đó, khi nhìn ra những vùng đất rộng lớn, xa xăm hơn, họ bắt đầu tỏ ra sợ hãi.
Chọn Windows Phone vị sợ Samsung
Nhiều ý kiến cho rằng, Nokia đã sai lầm khi không chọn Android mà bắt tay với Microsoft để sử dụng nền tảng Windows Phone còn quá non trẻ và nhiều rủi ro. Một số khác lại tỏ ra đồng tình bởi họ, cũng như bản thân Nokia hiểu rằng, không thể đấu lại với Samsung trên nền tảng Android. Do đó, Nokia chọn một con đường mới nhằm tạo ra sự khác biệt thực sự, thay vì đi chung một đường với “người khổng lồ” Samsung.
Sony, HTC, LG đã chật vật ra sao khi cạnh tranh với Samsung. Theo ước tính, Samsung đã bán được khoảng 73 – 75 triệu smartphone trong quý II vừa qua (báo cáo tài chính sẽ công bố vào cuối tháng 7), trong đó chỉ riêng Galaxy S4 đã là 20 triệu chiếc. Nếu những con số ước tính trên là chính xác, doanh số của Nokia so với Samsung chỉ bằng 1/10 và do đó, họ có thể là vua trên “mảnh đất” Windows Phone nhưng nếu nhìn sang đối thủ, họ lại trở thành một kẻ tầm thường, nếu không muốn bị coi là một “người tí hon”.
Dở ông dở thằng
Doanh số có phần tăng lên của dòng Lumia khiến một số người tự tin nhận định, Nokia đang trên đà trở lại. Thực tế, “bộ sậu” của công ty này hiểu rằng, họ vẫn đang ở trong giai đoạn cực kỳ gay go và nguy cơ tụt dốc có thể hiện hữu bất cứ lúc nào.
Windows Phone - nền tảng đưa họ lên làm “vua”, ngược lại rất có thể trở thành rào cản quá trình phát triển của Nokia. Với Apple, họ có cả một hệ sinh thái, tự sản xuất phần cứng, phát triển phần mềm thì rõ ràng, họ có thể làm mọi thứ mình muốn. Trong khi đó, Samsung cũng là kẻ phải phụ thuộc (phụ thuộc vào Google) nhưng dở một lỗi, Google không giống như Microsoft. Họ đầu tư rất mạnh vào Android, liên tục đưa ra những bản cập nhật mới, các tính năng hấp dẫn, lại cho phép các nhà sản xuất tự do tùy biến giao diện để tạo ra những điểm nhấn riêng.
Trong khi đó, suốt một năm trời kể từ khi ra mắt (tháng 6 năm ngoái), người ta vẫn chưa thấy bất cứ động tĩnh nào của việc, Microsoft sẽ phát hành phiên bản Windows Phone 8.1 hoặc 9.0. Kết quả là, Nokia mặc dù tung ra liên tiếp 3 model cao cấp trong hơn nửa năm (920, 925 và 1020), những sản phẩm này đều gần như có chung một thông số kỹ thuật chán ngắt như màn hình HD, chip lõi kép 1,5 GHz bởi đơn giản, Windows Phone 8 không hỗ trợ chip lõi tứ, cũng không “tải” nổi màn hình Full HD – những thứ đã có từ lâu trên điện thoại Android.
Tất nhiên, không cần đến những thông số nói trên, điện thoại Windows Phone vẫn chạy mượt mà nhưng có chúng, chẳng phải sẽ tốt hơn, đồng thời ưu thế cạnh tranh của Nokia sẽ tăng lên rõ rệt hay sao.
Do đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, Nokia là kẻ đang đứng giữa dòng, bơi tiếp thì khá mù mịt nhưng lại không còn đường lùi. Và cục diện này chưa thể sớm thay đổi, nếu như không nhận được sự hỗ trợ tốt hơn từ Microsoft – kẻ luôn nhăm nhe “thâu tóm” họ trong suốt những năm qua.