Những điện thoại chụp ảnh "cổ" nhất thị trường

Ở thời điểm này, điện thoại chụp ảnh đã trở nên vô cùng phổ biến. Hầu như người dùng di động đều sở hữu thiết bị di động có gắn máy ảnh này. Thế nhưng, để đạt được thành công như ngày hôm nay những điện thoại camera đã phải trải qua một quá trình tiến hóa lâu dài.

Hãy cùng tìm về những mốc lịch sử đáng nhớ của công nghệ chụp ảnh trên điện thoại.

Sharp sản xuất camera phone đúng nghĩa đầu tiên

 

Có hai ý kiến trái chiều về nhà sản xuất xuất điện thoại camera đầu tiên. Một là, chiếc điện thoại đầu tiên có một máy ảnh số, là chiếc SCH-V200 của Samsung, được ra mắt tại Hàn Quốc vào tháng 6 năm 2000. Chiếc điện thoại nắp gập này có một màn hình LCD TFT 1.5inch, tích hợp camera có khả năng chụp 20 bức ảnh với độ phân giải 350.000 pixel (0.35mpx), nhưng bạn không thể lấy được bức ảnh đó ra bằng bất cứ cách nào, ngoại trừ nối nó với máy tính qua sợi cáp đi kèm.

Nhiều ý kiến khác cho rằng,Sharp mới là hãng đầu tiên tạo ra được điện thoại chụp ảnh đúng nghĩa vào năm 2000, và nó tiên tiến hơn sản phẩm của Samsung nhiều lần. Chiếc J-SH04 có thể chụp ảnh 0.11MP, 256 màu và bạn có thể gởi ảnh này đi qua mạng di động hoặc email. Máy thậm chí có cả phím riêng mở trình duyệt web.

Điện thoại camera đầu tiên tại Mỹ- Sanyo SCP-5300

Năm 2002, chiếc điện thoại đầu tiên có khả năng chụp ảnh cập bến nước Mĩ tên Sanyo SCP-5300, thiết kế nắp gập. Khi đó nó có giá 400 USD. Với camera 0.3MP, nó chụp được ảnh 640 x 480 pixels. SCP-5300 có cả đèn flash, tính năng cân bằng trắng, hẹn giờ chụp, zoom kĩ thuật số và nhiều hiệu ứng như màu âm bản, đen trắng…

Đến cuối năm 2003, có 80 triệu điện thoại có camera đã được tiêu thụ trên toàn thế giới, nhiều hơn cả doanh số đầu đĩa DVD. Giá ngày càng giảm và chất lượng ngày càng tăng.

Điện thoại đầu tiên có độ phân giải 1.3mpx

Tiếp tục phát triển xu hướng điện thoại camera, Sprint đã cho ra đời chiếc điện thoại PM8920 vào tháng 7 năm 2004. Đây là chiếc điện thoại đầu tiên có camera 1.3MP xuất hiện ở thị trường Mĩ có khả năng chụp được ảnh 1280 x 960 pixels đủ tốt để in ra giấy. Máy có phím chụp ảnh riêng cùng nhiều tính năng hấp dẫn như chụp liên tục 8 tấm, bạn còn có thể ghi âm lại tiếng chụp ảnh cho riêng mình. Giá chỉ còn 150 USD.

Theo thống kê từ Canalys, một nửa điện thoại được tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm 2004 có camera và 2/3 điện thoại bán ra trong quý 3/2004 có camera. Nokia là hãng dẫn đầu tại thời điểm đó.

Máy ảnh 2MP có trong Nokia N90

 

Năm 2005, Nokia N90 xuất hiện với camera 2MP. Không chỉ đi đầu về độ phân giải, nó cũng được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến hơn như ống kính Carl Zeiss, tự động lấy nét và đèn flash LED. N90 có thiết kế mày hình vừa gập vừa xoay, tạo cảm giác như đang sử dụng một máy quay phim thực sự.

Sự trỗi dậy của Sony

Đối thủ chính của Nokia trong giai đoạn này là Sony Ericsson. Với công nghệ chụp ảnh Sony Cybershot, độ phân giải đa số đạt 3.2MP, tự động lấy nét, công nghệ ổn định hình ảnh và đèn flash Xenon, khá nhiều cameraphone của Sony đã vượt lên trên Nokia. Hai mẫu đáng chú ý nhất là Sony Ericsson K790i và K800i.

5MP đến với Nokia N95

 

Samsung là hãng đầu tiên sản xuất cameraphone 5MP, nhưng chiếc được biết đến rộng rãi nhất lại là Nokia N95. N95 có thiết kế nắp trượt, khá đồ sộ to lớn một phần cũng do camera 5MP với ống kính Carl Zeiss. N95 được trình làng vào tháng 9/2006 nhưng phải đến tháng 3/2007 mới lên kệ. Camera chụp ảnh rất đẹp, có thể quay video 30 khung hình/giây.

 

5MP trở thành tiêu chuẩn cao cấp cho camera trên điện thoại kéo dài qua nhiều năm. Vài tháng sau N95, iPhone đầu tiên xuất hiện với camera chỉ 2MP, không flash, không tự động lấy nét và không quay được phim.

8MP đến từ Samsung

 

Năm 2008, Samsung trình làng chiếc i8510 còn được biết đến với cái tên là INNOV8, cameraphone 8MP đầu tiên. i8510 có thiết kế rất giống với Nokia N serie lúc đó đang dần thoái trào. Tiếp sau Samsung, Nokia trình làng N86 và LG giới thiệu tiếp cameraphone 8MP cảm ứng đầu tiên, LG Renoir.

Cuộc đua về megapixel chưa dừng lại. Năm 2009 Samsung tiếp tục giới thiệu M8910 camera 12MP, Nokia lại theo sau với N8 rồi đến cuối năm Sony Ericsson lên tiếng với mẫu S006 16MP.

Smartphone làm cuộc chiến về camera giảm nhiệt

Cuộc chiến phát triển camera cho điện thoại có phần hạ nhiệt khi smartphone trở nên phổ biến. iPhone đã chứng minh với thế giới rằng điện thoại không chỉ cần khả năng chụp hình tốt mà còn cần rất nhiều tính năng quan trọng khác nữa. Những chiếc smartphone lúc bấy giờ có xu hướng thiết kế khá mỏng nên việc trang bị linh kiện khủng phục vụ chụp hình là điều không thể.

Sự thất bại của 3D

Cả HTC và LG cùng nhảy vào cuộc chơi 3D vào năm 2011 khi tung ra những chiếc điện thoại với camera kép 5 megapixel cùng khả năng chụp hình hay quay video ở dạng lập thể 3D. Tuy nhiên, những chiếc điện thoại này nhanh chóng trở thành “bom xịt” vì nhu cầu 3D trên điện thoại không có thực. Ngay sau đó các hãng đã nhận ra sai lầm trong định hướng 3D và bắt đầu chuyển hướng sang phát triển tính năng phần mềm.

Sự gia tăng của các tính năng phần mềm dành cho camera

Chụp ảnh toàn cảnh Panorama xuất hiện đầu tiên trên Apple iPhone, Google có Photo Sphere, với BlackBerry là Time Shift, HTC nghĩ ra cái tên lạ lùng là Zoe. Ngày một nhiều các loại bộ lọc, các hiệu ứng được tích hợp vào camera. Các tính năng này rất thú vị nhưng đồng thời cũng gây tốn thời gian để tìm hiểu và sử dụng. Ý nghĩa ban đầu của việc chụp ảnh (đưa máy, ngắm, chụp, thưởng thức) dần bị lu mờ.

Lớn hơn và tốt hơn

HTC cố gắng thuyết phục người dùng rằng camera 4MP là đủ, Nokia đẩy mạnh cuộc chơi với chế độ chụp thiếu sáng. Smartphone cao cấp bắt đầu có camera đạt tiêu chuẩn 13MP như Sony Xperia Z, Samsung Galaxy S4, LG G2. Samsung phát triển phiên bản Galaxy S4 Zoom với camera 16MP zoom quang học, Nokia tung ra Lumia 1020 camera PureView 41MP zoom số không mất chất lượng.

Dù người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng camera hay không và nhu cầu đó lớn đến đâu, đảm bảo họ luôn có lựa chọn tốt khi phân vân giữa điện thoại và máy ảnh rời.

Tương lai của điện thoại chụp ảnh

Danh hiệu cameraphone tốt nhất hiện tại đang nằm trong tay Lumia 1020, lẽ ra danh hiệu này đã thuộc về Nokia từ sớm hơn, một cách thuyết phục hơn nếu 808 PureView không chạy Symbian.

Windows Phone đang dần lớn mạnh, Lumia 1020 đã tạo được sức hút tốt nhưng vấn đề còn lại là xem sức hút này giữ được bao lâu. Nokia cũng nên nhớ rằng ngay phía sau họ là Galaxy S4 Zoom và trước mặt họ, trong tương lai gần là Sony Honami i1.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại