Cùng thời điểm iPhone 5S quốc tế về Việt Nam, các sản phẩm bản khóa mạng (còn gọi là bản lock) cũng nhanh chóng được xách tay về nước. Tuy nhiên, chưa khi nào, lượng sản phẩm lại xuất hiện ồ ạt như hiện tại.
Dạo qua các diễn đàn, trang rao vặt và website của một số cửa hàng (chủ yếu là cửa hàng nhỏ), thông tin rao bán iPhone 5S bản khóa mạng xuất hiện dày đặc. Những chiếc 5S bản khóa mạng tại thị trường Việt Nam chủ yếu của nhà mạng AT&T, T-Mobile (Mỹ) hay Softbank (Nhật Bản) có giá dao động từ 12 đến 15 triệu đồng. Muốn sử dụng tại Việt Nam, người dùng phải mua mã để mở khóa từ nhà mạng hoặc dùng SIM ghép.
Anh Tuấn, nhân viên kỹ thuật tại cửa hàng XDA Mobile cho biết: “SIM ghép trước đây một khay SIM hoàn toàn độc lập, có thiết kế giống với khay SIM trên iPhone nhưng có thêm 1 bản mạch dùng để chạy những SIM không tương thích. Hiện tại, do công nghệ đã phát triển hơn, người ta đã làm ra loại SIM ghép dùng luôn khay SIM gốc của iPhone. SIM ghép có thể dùng cho máy lock (khóa mạng) của tất cả các mạng, chỉ cần đúng đời máy (iPhone 5S, 5 hoặc 4S) và phiên bản hệ điều hành”.
Theo anh Tuấn, công nghệ làm SIM ghép hiện nay đã tiên tiến hơn ngày xưa rất nhiều. Nếu như trước đó, người dùng SIM ghép mỗi khi lắp lại SIM đều phải thực hiện một loạt các công đoạn rườm rà thì hiện nay, bạn chỉ việc nhét SIM vào và sử dụng, không gặp bất cứ rủi ro nào. Tuy nhiên, nhược điểm khi sử dụng loại SIM ghép này là sóng của máy không ổn định và hay gặp lỗi vặt.
Anh Tuấn lấy ví dụ như một chiếc iPhone 5 dùng SIM ghép khi cập nhật lên iOS 7.2 sẽ bị lỗi không nhắn tin được. Người dùng phải lưu số điện thoại 2 lần hoặc thêm cả +84 (mã điện thoại quốc tế của Việt Nam) mới có thể nhắn tin được. Ngoài ra, phiên bản iPhone dùng SIM ghép cũng tốn pin hơn bản quốc tế do có thêm bản mạch đặc biệt.
Tại thị trường Việt Nam thời điểm hiện tại, SIM ghép của Heicard là loại thịnh hành nhất, bên cạnh đó, còn có SIM ghép của Gevey. Giá bán của các bản SIM ghép này ở mức không quá cao: 350 nghìn – 500 nghìn đồng cho iPhone 5S.
SIM ghép Heicard cho iPhone 5S.
Trong khi đó, theo anh Tuấn, việc mua code để mở khóa máy cũng khá phổ biến ở Việt Nam. Thông thường, các máy khóa mạng từ Mỹ sẽ dễ mua code hơn so với máy Nhật. Đới với máy xách tay từ Nhật Bản, giá mở mạng của một sản phẩm có thể lên tới 4 triệu đồng. Trong khi đó, một số thành viên diễn đàn – những người đã từng mua code mở khóa cho iPhone 5S – chia sẻ, code mở khóa iPhone 5S nhà mạng AT&T (Mỹ) có giá khoảng 2,5 triệu.
Anh Tuấn chia sẻ, tại Việt Nam cũng có một số cửa hàng nhập máy khóa mạng, sau đó mua code mở khóa sau đó bán như bản quốc tế. Nhìn chung, với những máy có giá bán ra thấp thì code mở mạng lại cao. “Xét một cách toàn diện, chi phí mua máy khóa mạng + mua code cũng tương đương với máy quốc tế” – anh Tuấn cho hay.
Như vậy, cả 2 phương pháp để dùng được iPhone 5S bản khóa mạng đều có những nhược điểm nhất định. Với SIM ghép, bạn phải đối diện với tình trạng sóng kém ổn định, máy ngốn pin hơn và hay lỗi vặt trong khi nếu mua code để mở mạng, nhiều khả năng số tiền bỏ ra cao không kém tiền mua bản quốc tế.
Do đó, lời khuyên dành cho người dùng là bạn nên cân nhắc kỹ trước khi “đánh cược” với một chiếc iPhone có trị giá cả nghìn USD. Người dùng có thể chọn những chiếc iPhone bản quốc tế từ các cửa hàng có uy tín, hoặc hàng chính hãng để được hưởng chế độ bảo hành một đổi một trong 12 tháng nếu máy gặp sự cố.