Thông tin về iPhone 5 được nhiều cửa hàng tung lên các trang rao vặt và quảng cáo trực tuyến.
Trên nhiều trang rao vặt trực tuyến trong nước, bên cạnh các thông tin ảo về iPhone 5 được đưa ra để tăng quảng cáo, không thiếu những lời chào mua hấp dẫn về chiếc iPhone 5 mà Apple còn chưa ra mắt: "iPhone 5G 32G Apple, xách tay Singapore - tặng thẻ 4G và 1 pin chính hãng".
Những thông tin này đều từ những cửa hàng tự cho là "Nhà phân phối độc quyền iPhone", "Nhà phân phối độc quyền hàng Apple"... kèm những lời miêu tả về sản phẩm như "hàng chính hãng bảo hành 12 tháng", "sử dụng microSIM", "cảm ứng đa điểm rất nhạy"....
iPhone 5G nhái với giá chưa đến 2 triệu đồng.
Thực chất, những mẫu được gọi là iPhone 5 này đều là điện thoại Trung Quốc, giá chỉ một vài triệu đồng. Mục đích của người bán là dùng thương hiệu iPhone và Apple nổi tiếng để đánh lừa người mua.
Những người quan tâm tới công nghệ và theo dõi tin tức công nghệ thường xuyên, việc chắp vá tên gọi như iPhone 5G, iPhone 4GS hay iPhone 32G đều cho thấy đây không phải là điện thoại của hãng Apple nổi tiếng.
Bên cạnh đó, kiểu dáng và tính năng trên loại iPhone 5 nhái giá rẻ cũng không thể bằng hoặc giống như iPhone hàng thật khi hỗ trợ 2 SIM, màn hình cảm ứng kém, độ phân giải thấp, không có hệ điều hành còn vỏ máy thì làm từ nhựa với chất lượng thấp, lỏng lẻo.
Ngoài những mẫu iPhone nhái rẻ tiền như trên, gần đây, thị trường trong nước còn xuất hiện điện thoại từ Trung Quốc với mẫu mã giống hệt với iPhone 5 tin đồn sắp được Apple trình làng.
Sản phẩm này được thiết kế hệt như như những bức hình bị lộ liên tục trên mạng thời gian qua. Những chi tiết như màn hình 4 inch, giắc kết nối nhỏ, giao diện y xì như hệ điều hành iOS của Apple từ biểu tượng cho tới phần mở khóa bên ngoài... có thể khiến nhiều người ngỡ đây chính là sản phẩm mà Apple chuẩn bị công bố.
Mẫu iPhone 5 nhái tinh xảo như trên chạy hệ điều hành Android nên ngay cả tính năng, phần mềm... cũng có thể sao chép gần giống với iPhone thật.
"Xuất xứ của các sản phẩm này đều từ Trung Quốc và đang được chào bán cho các đầu mối ở Việt Nam. Nếu không thích kiểu dáng giống với iPhone 5 tin đồn, người mua có thể chọn thiết kế kiểu dáng khác và thậm chí giống với các bản mẫu iPhone thử nghiệm mà Apple chưa từng công bố", anh Trường Minh, giám đốc truyền thông một hãng điện thoại tại Hà Nội, cho biết.
Nếu nhìn ảnh, người xem sẽ khó biết được hai chiếc iPhone 5 trong ảnh chỉ là mô hình có giá vài trăm nghìn đồng.
Gần đây, GooPhone, một nhà sản xuất Trung Quốc, đã gây chú ý cho giới công nghệ khitung tin kiện Apple, nếu như hãng này trình làng iPhone 5 với thiết kế giống như các tin đồn. Bởi thực tế sản phẩm có tên i5 chạy Android mà GooPhone vừa phát hành tại Trung Quốc đã lấy lại thiết kế từ chính những tin đồn, hình ảnh và linh kiện iPhone 5 rò rỉ thời gian qua, rồi xin cấp bản quyền về kiểu dáng.
Để tránh bị lừa hay mất tiền oan, khi mua iPhone, người dùng vào mục cài đặt (Settings) trên điện thoại để kiểm tra thông tin về số serial, mã máy (S/N).
Ngoài ra, nên tìm xem có và dùng thử các phần mềm dịch vụ đặc trưng của iPhone như iTunes hay App Store, hoặc cắm thử vào phần mềm quản lý iTunes trên máy tính để xem có nhận thiết bị hay không. Nếu không có hoặc không dùng được, nhiều khả năng đó sẽ là một chiếc iPhone nhái hoặc có chất lượng không đảm bảo.