Đã bao giờ bạn bắt gặp một Fanpage gần như không hề đăng cập nhật nào giá trị nhưng lại có một lượng “likes” khá lớn chưa? Phát hiện gần đây của một kênh truyền hình nước ngoài rất có thể là lời giải đáp cho câu hỏi này.
Theo đó, những con số “likes” đó rất có thể chỉ là con số ảo khi mới đây một nhóm những người lao động thu nhập thấp ở Dhaka, Banglades đã bị phát hiện. Tại đây, họ được ông chủ trả 15 USD cho khoảng một nghìn “like” ảo trên một trang Fanpage. Họ có thể phải làm việc đến 3 ca một ngày với thu nhập hàng năm chỉ rơi vào khoảng 150 USD.
Hình ảnh một “văn phòng” chuyên cung cấp các gói dịch vụ “likes ảo” với những lời quảng cáo đầy mời gọi. Hiện một dịch vụ tuyên bố họ đã cung cấp được 1,4 triệu likes với 83.000 thành viên đăng kí.
Sắp tới, kênh truyền hình Channel 4 sẽ công bố một đoạn phim tài liệu về vấn đề “likes” ảo này và chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dùng vào ông lớn Facebook trong lúc mạng xã hội này tiến hành rất nhiều nỗ lực để tăng doanh thu quảng cáo.
Ngày nay, độ phổ biến của một trang Fanpage là cực kì quan trọng trong kinh doanh khi theo khảo sát mới nhất có đến 31% khách hàng sẽ kiểm tra số lượng “likes” trên Facebook trước khi đi đến quyết định mua một sản phẩm của thương hiệu nào đó. Điều này đồng nghĩa với thực trạng “likes” ảo có thể đóng một vai trò quan trọng trong thu hút doanh thu.
Triển vọng của Facebook như một kênh marketing hiệu quả đang làm nhiều doanh nghiệp mờ mắt và bất chấp những hình thức phạm luật để “câu” likes.
Nhìn từ cương vị của người lao động, đây quả là một công việc có tính bóc lột cao. Phải ngồi nhìn màn hình máy tính nhiều giờ trong một điều kiện làm việc tồi tệ, thậm chí phải làm xuyên đêm chỉ để kiếm một vài USD cho 1.000 lượt like trên một Facabook.
Thực tế, tình trạng người dùng Internet "ảo" đã là một vấn nạn của quảng cáo số từ những ngày đầu tiên thương mại điện tử xuất hiện vào giữa những năm 90 của thế kỉ trước, đặc biệt là khi hình thức quảng cáo treo banner được tung ra vào năm 1996.
Sự xuất hiện của loại hình quảng cáo “pay-per-click” (doanh nghiệp trả tiền cho nhà cung cấp quảng cáo theo số lượng click vào banner) cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Tháng Hai năm nay, thậm chí Microsoft và Symantec đã phát hiện và đánh bại được một mạng lưới máy ảo gồm đến 1,8 triệu máy tính có thể tạo ra lượng click ảo lên đến 3 triệu mỗi ngày.
Giải pháp nào sẽ được Facebook đưa ra để giải quyết vấn đề này?
Thế nhưng, tình trạng “like ảo” trên Facebook nghiêm trọng hơn tất cả những gì được liệt kê bên trên. Nó không chỉ làm cho người tiêu dùng có một cái nhìn sai lệch về thương hiệu mà còn vi phạm nghiêm trọng luật lao động với giá thuê nhân công rẻ mạt. Đây sẽ là thách thức lớn lao đối với Facebook trong việc giải quyết tình trạng này để có thể lấy lại niềm tin của người dùng và các doanh nghiệp đang chọn Facebook là một công cụ truyền thông.