So với hai sản phẩm trên, chiếc MeMO Pad FHD 10 không còn là một sản phẩm giá rẻ, mức giá chính hãng của nó là 10 triệu đồng. Tuy nhiên với cấu hình khá mạnh, màn hình độ nét cao và hỗ trợ kết nối 3G, mức giá của sản phẩm này vẫn có thể coi là rẻ so với thông số của nó.
MeMO Pad FHD 10: màn hình nét, hiệu năng khá
Thiết kế
MeMO Pad FHD 10 có vỏ ngoài khá giống với chiếc HD7, với nắp lưng bằng nhựa trơn với bốn màu trắng, hồng và xanh đậm. Mặt trước của máy thì giống với các máy tính bảng khác của Asus, với viền màn hình khá dày và logo Asus nằm ở phía trên màn. Viền màn hình dày sẽ giúp việc cầm máy thoải mái hơn, nhưng viền ở phía trên và phía dưới màn hình (khi cầm máy theo chiều ngang) vẫn hơi rộng và thừa thãi.
Viền màn hình của máy hơi dày và thừa
Về kích thước thì máy có chiều ngang lớn hơn một chút so với iPad 4, mỏng tương đương nhưng lại nhẹ hơn khá nhiều (580 g so với khoảng 650 g của iPad 4), tuy nhiên so với thiết bị cạnh tranh trong cùng tầm giá là Samsung Galaxy Tab 3 10.1, FHD 10 vẫn dày và nặng hơn. Các góc màn hình và phần nắp lưng gần các cạnh của máy đều được bo tròn, nên việc cầm máy trên tay không đem lại cảm giác khó chịu.
Nút nguồn cùng hai cổng MicroUSB và MicroHDMI của máy
Nút nguồn của FHD 10 được đặt lệch ở cạnh trên, nhưng hơi lệch về mặt sau, nên đôi khi khó bấm. Ở cạnh phải của máy là nút chỉnh âm lượng và giắc cắm tai nghe/microphone kết hợp, còn các cổng giao tiếp và khe cắm thẻ được tập trung ở cạnh trái. Máy hỗ trợ thẻ nhớ MicroSD, khay MicroSIM, kết nối với máy tính bằng cổng MicroUSB thông dụng, và còn hỗ trợ xuất hình qua cổng MicroHDMI.
Mặt sau của máy bằng nhựa, trông khá đẹp nhưng dễ bám bẩn và dễ xước
Ở mặt sau, chất liệu nhựa của máy nhìn qua thì hơi giống kim loại. Tuy nhiên vỏ mặt sau của máy khá dễ bám vân tay và dễ xước. Các chi tiết đáng chú ý khác ở mặt sau bao gồm loa kép và máy ảnh với độ phân giải 5 megapixel. Tấm kính bao phủ mặt trước của FHD 10 cũng rất dễ bám vân tay, và khó lau sạch.
Đế nhựa của máy không dày dặn nhưng đủ dùng
Trong số phụ kiện của FHD 10, bên cạnh sạc và dây cáp USB, Asus còn tặng kèm một đế nhựa để đỡ máy. Tuy đế nhựa này trông không được dày dặn lắm, nó vẫn làm tốt chức năng giữ máy khi đặt trên mặt bàn.
Vẻ ngoài của MeMO Pad FHD 10 không gây ấn tượng, giống như một máy tính bảng thông thường của Asus. Tuy nhiên độ dày và trọng lượng của máy nằm ở mức hợp lý, viền màn hình đủ lớn và các góc bo tròn nhẹ đem lại cảm giác sử dụng máy khá thoải mái.
Màn hình
Thông số ấn tượng nhất trên chiếc MeMO Pad FHD 10 có lẽ là màn hình với độ phân giải 1920 x 1200 pixel, sử dụng công nghệ hiển thị IPS. Ở tầm giá dưới 10 triệu động, các máy tính bảng chính hãng đều không đạt được tới độ phân giải này. Với mật độ điểm ảnh 226 ppi, màn hình Memo Pad FHD thể hiện các nội dung phim, ảnh hay lướt web tốt, tuy không được sắc nét như những sản phẩm cao cấp như iPad 4 hay Google Nexus 10.
Màn hình bóng khiến màn hình FHD 10 khó nhìn ở ngoài trời
Điểm yếu của các sản phẩm máy tính bảng Asus, đó là chúng luôn sử dụng các màn hình có độ bóng cao. Điều này khiến màn hình trông có vẻ "long lanh" hơn khi sử dụng, nhưng đem lại cảm giác khó chịu khi sử dụng ở một môi trường có nhiều ánh sáng, bởi bạn sẽ thường xuyên thấy hình ảnh của mình phản chiếu trong màn hình.
Nếu không hài lòng với màu sắc, người dùng có thể điều chỉnh việc hiển thị với Asus Splendid
Một điểm yếu khác của màn hình là độ sáng tối đa khá thấp. Khi chúng tôi cho máy bật màn hình màu trắng ở độ sáng cao nhất và sử dụng thiết bị đo độ sáng thì kết quả thu được là 270 nits. Con số này là khá thấp khi so sánh với các máy tính bảng cao cấp, thường có độ sáng khoảng 400 nits trở lên. Với độ sáng tối đa không cao và màn hình bóng, FHD 10 sẽ hơi khó nhìn ngoài trời nắng.
Loa kép trên FHD 10 giúp máy thể hiện âm thanh tốt
Loa ngoài cũng là một điểm đáng chú ý trên FHD 10. Máy được trang bị loa kép, tuy có kích thước tương đối nhỏ, và lại được đặt ở mặt sau, nhưng cũng đem lại trải nghiệm âm thanh khá tốt. Mức âm lượng tối đa của loa không lớn, nên sẽ hơi khó nghe nếu không gian xung quanh ồn.
Máy ảnh
Camera trên các máy tính bảng chỉ là tính năng phụ, với chất lượng chỉ ở mức khá, nhưng đem lại thêm một lựa chọn cho người dùng để chụp ảnh. MeMO Pad FHD 10 có hai máy ảnh, với độ phân giải của máy ảnh mặt trước và mặt sau lần lượt là 1.3MP và 5MP. Hai máy ảnh này cũng hỗ trợ quay phim, với độ phân giải tương ứng 720p và 1080p.
Tuy có thông số máy ảnh gần giống với Nexus 7, giao diện chụp ảnh của FHD 10 do Asus thiết kế, do đó trực quan hơn sản phẩm của Google. Tốc độ lấy nét của máy cũng rất nhanh, hỗ trợ tự động lấy nét ở điểm chính giữa bức ảnh. Tuy nhiên do màn hình lớn, độ phân giải máy ảnh lại không cao nên hình ảnh hiển thị khi ngắm xấu và bị nhiễu nhiều, đây cũng là vấn đề chung với các máy tính bảng.
Ảnh chụp thực tế của FHD 10 cũng chỉ có chất lượng trung bình, không ấn tượng. Khi chụp trong điều kiện thời tiết nắng đẹp, ảnh chụp thường bị nhạt màu so với thực tế, độ chi tiết ở mức trung bình. Khi chụp ảnh vào buổi tối, máy lấy nét không chuẩn, nhưng độ sáng của ảnh vẫn ở mức khá.
Một số ảnh chụp từ Asus MeMO Pad FHD 10 (bấm vào ảnh để xem ở kích thước lớn hơn):
Hiệu năng và pin
MeMO Pad FHD 10 được phát hành dưới nhiều phiên bản, có cấu hình phần cứng khác nhau. Phiên bản FHD 10 được bán tại Việt Nam sử dụng hệ thống xử lý Qualcomm Snapdragon S4 Pro, với bốn nhân xử lý Krait chạy ở tốc độ tối đa 1.5 GHz, nhân đồ họa Adreno 320 và 2 GB RAM. Dung lượng bộ nhớ trong của máy là 16 GB, trong đó dung lượng thực tế còn lại để sử dụng vào khoảng 12 GB. Người dùng cũng có thể bổ sung bộ nhớ bằng thẻ nhớ MicroSD.
Về cấu hình thì FHD 10 tương đương với chiếc Nexus 7 đời 2013, do vậy tôi trông đợi các kết quả đánh giá hiệu năng của hai máy sẽ tương đương nhau. Tuy nhiên sau quá trình đánh giá, FHD 10 cho điểm số cao hơn khá nhiều so với Nexus 7 ở các phép đánh giá tổng thể như AnTuTu và Quadrant, nhưng lại thấp hơn ở phép đánh giá hiệu năng đồ họa GFXBench.
Khi sử dụng thực tế, FHD 10 đem lại trải nghiệm khá mượt khi sử dụng. Máy chuyển rất nhanh giữa các màn hình, xem tốt phim với độ phân giải Full HD, chạy được các game khá nặng như Asphalt 8 hoặc Riptide GP. Tốc độ xử lý file PDF của máy cũng tương đương Nexus 7, nhưng màn hình lớn giúp việc đọc chữ thoải mái hơn.
MeMO Pad FHD 10 xử lý tốt các file tạp chí dạng PDF
Theo thông tin do Asus cung cấp, pin của FHD 10 có dung lượng 25Wh, tương đương khoảng 6750 mAh. Trong quá trình đánh giá, khi chúng tôi sử dụng máy khoảng 2 giờ mỗi ngày, trong đó phần lớn thời gian là lướt web, bật phim khoảng 20 phút, và chơi game FIFA 14 khoảng 40 phút, thì máy chỉ dùng hết hơn 50% pin. Với cường độ sử dụng như vậy, tôi có thể sử dụng FHD 10 trong vòng 2 ngày mới phải sạc pin.
Khi sử dụng bài đánh giá pin bằng cách xem phim với độ phân giải 720p tới khi hết pin, MeMO Pad FHD 10 đạt thời gian 6 giờ 4 phút. Mức thời gian này là khá thấp nếu so với các máy tính bảng, thường đạt thời gian xem phim khoảng 8 – 10 giờ. Kết quả của máy với bài đánh giá chơi game thì khá hơn, đạt 4 giờ 30 phút.
Phần mềm
MeMO Pad FHD 10 được cài hệ điều hành Android phiên bản 4.2.2, với giao diện của Asus. Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất ở giao diện này là thanh thông báo. Thay vì thanh thông báo truyền thống của Android 4.2, cho phép kéo xuống từ hai góc của màn hình với các chức năng khác nhau, FHD 10 có một phần chung để thông báo và điều chỉnh nhanh.
Tính năng Floating widget cho phép người dùng làm nhiều việc cùng lúc
Máy tính bảng này cũng được cài sẵn nhiều phần mềm tiện ích của Asus, trong đó hai tiện ích đáng chú ý là Floating widget (thu nhỏ ứng dụng chạy trên màn hình) và Media frame. Floating widget là chức năng cho phép một số ứng dụng của Asus, bao gồm ứng dụng xem phim, trình duyệt, máy tính… hiển thị ở một ô nhỏ trên màn hình, khi đang bật ứng dụng khác. Tính năng này khá thú vị khi cho phép người dùng làm nhiều việc cùng lúc, tuy nhiên ứng dụng xem phim của máy có hiệu năng khá kém, khi bật các phim HD 720p ở định dạng MKV thì xem phim bị giật.
Media frame là ứng dụng cho phép biến máy thành một khung ảnh số. Trong phần cài đặt, người dùng có thể chọn cho máy hiển thị album ảnh hoặc phim cụ thể, và khi màn hình tắt thì máy sẽ tự động bật các nội dung đã cài. Chức năng này khá thú vị, nhất là khi kết hợp với khung nhựa bán kèm máy. Phần cài đặt cũng cho phép người dùng tùy chỉnh thời gian hiển thị, chỉ bật khi đang cắm sạc hay hiệu ứng chuyển ảnh.
Kết luận
Về các thông số, MeMO Pad FHD 10 có nhiều điểm tương đồng với Nexus 7, cả về độ phân giải, cấu hình và cùng được sản xuất bởi Asus. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai sản phẩm này là kích thước màn hình, một có màn hình 7 inch và một có màn hình 10 inch.
Tuy nhiên, FHD 10 không phải là một chiếc Nexus 7 với màn hình lớn. Về mặt thiết kế, các chất liệu của FHD 10 không sánh được với Nexus 7, trong đó điểm đáng phàn nàn nhất là máy bị bám vân tay nhiều. Màn hình của máy lớn hơn, nhưng bóng và độ sáng thấp hơn Nexus 7. Máy cũng không có một số tính năng như NFC hay sạc không dây.
Bên cạnh đó, FHD 10 cũng có những ưu điểm riêng. Máy có khe cắm thẻ nhớ để bổ sung dung lượng, cổng MicroHDMI để xuất hình ra màn hình lớn. Phiên bản mặc định của FHD 10 cũng hỗ trợ kết nối 3G, trong khi bản thấp nhất của Nexus 7 chỉ có kết nối WiFi.
Ở tầm giá 10 triệu đồng, các máy tính bảng Android đáng chú ý không nhiều, nổi bật nhất là Samsung Galaxy Tab 3 10.1 có thông số kém hơn, còn Nexus 10 có thông số ấn tượng thì lại chỉ có hàng xách tay. Với mức giá 10 triệu, người dùng cũng không thể mua mới iPad 4 phiên bản 4G/3G, mà chỉ tìm được các loại iPad 3 đã cũ. Với màn hình lớn, chất lượng khá, hiệu năng cao, MeMO Pad FHD 10 là một lựa chọn máy tính bảng tốt với giá dưới 10 triệu.
T.A