Cước 3G tăng "sốc", nhiều người doạ tẩy chay

Hai nhà mạng Viettel và MobiFone đã đồng loạt ra thông báo sẽ tăng cước 3G từ ngày 16/10 tới đây, trong khi đó mạng Vinaphone cũng đã sẵn sàng để đưa ra giá cước mới cao hơn cho dịch vụ 3G của mình trước ngày 16/10. Việc tăng giá lần này được các nhà mạng giải thích là để để bù lỗ và tiếp cận gần hơn với giá cước 3G của các nước lân cận. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá với mức tăng lên đến 40% lần này có thực sự hợp lý?

Nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G từ ngày 16/10

Hai nhà mạng Viettel và MobiFone vừa đăng tải lên trang web chính thức của mình thông tin về việc bắt đầu tăng cước sử dụng dịch vụ 3G từ ngày 16/10 tới đây. Hai nhà mạng này cũng đã gửi tin nhắn thông báo về việc tăng giá cước 3G tới người dùng.

 

Tin nhắn thông báo tăng giá cước 3G của hai nhà mạng Viettel và Mobifone

Theo đó hai gói cước Internet di động không giới hạn dung lượng Mimax (của Viettel) và gói MIU (của MobiFone), sẽ tăng 40%, từ 50.000 đồng/tháng lên 70.000 đồng/tháng. Hai gói cước Mimax và MIU dành cho học sinh, sinh viên cũng tăng từ 35.000 đồng (gói MIU) và 30.000 đồng (gói Mimax) lên 50.000 đồng/tháng.

Mặc dù tăng giá cước nhưng tốc độ, dung lượng gói cước vẫn giữ nguyên như cũ. Cụ thể, với cả hai gói cước Mimax và MIU thì khách hàng được hưởng mức dung lượng 600MB ở tốc độ truy cập 3G: tốc độ tải xuống 8 Mbps, và tốc độ tải lên 2 Mbps. Vượt quá mức dung lượng trên, tốc độ truy cập sẽ xuống mức trung bình thấp.

 

Bảng giá cước 3G của Viettel áp dụng từ 16/10

 

 

MobiFone cũng công bố mức cước 3G mới

Trong khi đó VinaPhone chưa có thông báo nào về việc tăng cước, tuy nhiên nhà mạng này cho biết sẽ sớm có thông tin về việc điều chỉnh cước 3G trước ngày 16/10.

Đây là lần thứ hai trong năm nay các nhà mạng tăng cước 3G. Vào tháng 4 vừa qua, các nhà mạng cũng đã tăng cước 3G từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng. Bên cạnh tăng cước, người dùng cũng đã được sử dụng dung lượng tốc độ cao (7,2/1,5Mbps tương ứng với tốc độ Download/Upload) từ mức giới hạn chỉ 500MB lên mức 600MB đầu tiên.

Nhiều người dùng sẽ cắt 3G?

Từ tháng Tư, ngay khi các nhà mạng âm thầm tăng giá 25%, nhiều người dùng dịch vụ 3G đã bày tỏ thái độ rất bức xúc. Nhưng với mức tăng đến 40%, cộng đồng mạng đã "than trời" và thậm chí nhiều người còn dự định ngừng sử dụng 3G.

Bạn Vn2210 bức xúc trên diễn đàn Tech24: "Giá thành thấp hơn thế giới thì muốn tăng lên cho bằng, còn cái gì giá cao hơn thì lại không muốn giảm xuống."

"Tăng 200 hay 300% đi, tăng xong mình cắt ko đăng kí sử dụng nữa" –Bạn zivan tức giận bình luận trên Voz.

Đồng quan điểm kể trên, bạn Cuato viết: "Đăng ký 3G dùng để gọi Viber,giờ thì chịu chết. Nhân dịp này cắt luôn 3G cho đỡ lăn tăn".

"Tăng tiếp thì cắt luôn, dùng Wi-Fi cho rẻ. Đỡ dùng nhiều điện thoại, đỡ cắm đầu vào Facebook suốt ngày" –bạn Greeno chia sẻ.

 

Nhiều độc giả VnReview cũng phản ứng mạnh mẽ trước thông tin tăng giá cước 3G

Nhìn chung tại hầu hết trên các diễn đàn công nghệ trong nước, việc tăng giá cước 3G được người sử dụng cho rằng đây là hành vi độc quyền của các nhà mạng. Bởi họ đăng ký sử dụng khi đồng ý sử dụng gói cước 3G không giới hạn với mức giá 50.000 đồng/tháng. Nay các nhà mạng lại áp dụng mức tăng 40%, lên 70.000 đồng/tháng là độc quyền và không tôn trọng khách hàng. Cư dân mạng cho rằng khi điều chỉnh tăng cước các nhà mạng phải tham khảo ý kiến từ phía người tiêu dùng.

Nhiều người dùng cũng cho rằng nếu như đem giá dịch vụ 3G ở Việt Nam đi so sánh với các nước trên thế giới là khập khiễng bởi mức sống, thu nhập bình quân, tỉ giá đồng tiền khác biệt nhau.Trong khi phần lớn những khách hàng sử dụng 3G của các nhà mạng là tầng lớp sinh viên, việc tăng giá cước có thể sẽ kéo theo sự sụt giảm đáng kể về số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ 3G hiện nay.

 

Nhiều người dùng 3G tại Việt Nam là học sinh, sinh viên

Có lẽ việc tăng giá cước 3G sẽ không khiến dự luận "dậy sóng" như hiện nay nếu các nhà mạng cam kết cung cấp dịch vụ này với chất lượng tốt hơn. Thực tế tại nhiều khu vực ở miền Bắc, miền Trung, nhiều thuê bao di động truy cập internet bằng ĐTDĐ của các nhà mạng đã phản ánh không thể được hoặc rất khó khăn.

Trả lời phỏng vấn của VTC News, anh Lê Đức Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: "3G ở Việt Nam không hề ổn định, chập chờn lúc có lúc không. Người ta đòi tăng giá thì đem so với châu Âu. Tôi thiết nghĩ, chất lượng như của nước người ta đi rồi mới đem ra so sánh được. Cảm giác như mình bị các nhà mạng qua cầu rút ván, ép người dùng phải theo sự sắp đặt của họ. Giảm giá để thu hút khách rồi tăng giá vô tội vạ".

Anh T.Đ.Hảo (quận 1, TPHCM) phàn nàn với Người lao động là trong 2-3 tháng gần đây, truy cập internet 3G trên iPhone, iPad sử dụng sim của Mobifone và Vinaphone đều có tốc độ rất chậm. "Thậm chí, nhiều lúc phải ngồi đợi cả 5-10 phút mới load được một trang web, có khi không thể nào vào được mạng dù cột sóng 3G căng đầy và địa điểm truy cập internet tại một quán cà phê ở trung tâm TPHCM chứ đâu phải ở đâu xa" - anh Hảo thắc mắc.

Tạm kết

Có thể thấy công nghệ 3G đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới đây, khi các thiết bị di động như smartphone, tablet ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, nếu chỉ lo phát triển số lượng thuê bao mà không để ý đến chất lượng dịch vụ thì ai còn muốn dùng 3G?

Một cuộc khảo sát vào cuối năm 2012 do Công ty Nielsen và Báo Bưu điện thực hiện thường niên cho thấy số lượng người dùng mạng 3G tại Việt Nam trong năm 2012 đã tăng gấp 5 lần so với năm 2011, nhưng tỷ lệ người dùng hài lòng với chất lượng dịch vụ lại giảm đáng kể: từ 71 điểm năm 2011 xuống 64 điểm năm 2012. Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy, khách hàng hài lòng với độ rộng của vùng phủ sóng (84 điểm), song vẫn chưa thực sự hài lòng về tốc độ đường truyền của các nhà mạng (55 điểm).

Thiết nghĩ, các nhà mạng muốn giá tăng cước sao cho "hợp tình, hợp lý" thì cần đồng hành với việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Chỉ có như vậy mới có thể khiến khách hàng hài lòng tiếp tục sử dụng dịch vụ, chấm dứt tình trạng nhà mạng "kêu khóc" là đầu tư lỗ và tiếp tục "giáng đòn" tăng giá xuống đầu người sử dụng.

Lương Đàm

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại