Phương pháp mới này sẽ cho phép bạn tạo ra năng lượng bằng cách sử dụng "không khí loãng". Công nghệ này còn được gọi là "tán xạ từ môi trường xung quanh", tận dụng tín hiệu truyền hình TV và Wi-Fi như một nguồn năng lượng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington đã thiết kế các thiết bị có kích thước nhỏ không chạy pin, sử dụng ăng-ten và những cảm biến thông minh. Nhờ vậy, chúng có thể phát hiện và khai thác một tín hiệu truyền hình. Từ đó, một nhóm các thiết bị này có thể dễ dàng liên lạc với nhau bằng cách phản hồi các tín hiệu hiện có để trao đổi thông tin.
Shyam Gollakota, một trợ lý giáo sư ngành khoa học máy tính và kỹ thuật tại Đại học Washington cho biết: "Chúng ta có thể tận dụng các tín hiệu không dây xung quanh mình để biến chúng thành nguồn năng lượng và phương tiện truyền thông. Công nghệ này hy vọng sẽ tạo ra các ứng dụng trong một số lĩnh vực như công nghệ trang phục (ví dụ như đồng hồ thông minh), ngôi nhà thông minh và tự duy trì mạng lưới cảm biến". Công nghệ này cũng có thể dẫn đến một mạng lưới bao gồm các thiết bị và cảm biến, cho phép gửi dữ liệu bằng cách phản xạ lại tín hiệu hiện có để trao đổi thông tin mà không cần pin.
Joshua Smith, một giáo sư của Đại học Washington, người cũng tham gia công trình này cho biết: "Các thiết bị của chúng tôi tạo thành một mạng lưới trong không khí loãng. Bạn có thể bức xạ những tín hiệu đó để tạo ra một văn bản mã Morse, để giao tiếp giữa các thiết bị không chạy bằng pin".
Công nghệ này có thể được áp dụng vào điện thoại di động để cho phép người dùng gửi tin nhắn khẩn cấp khi pin đã cạn kiệt. Ngoài ra, nó còn tạo ra nhiều ứng dụng thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ, một chiếc ghế có thể sử dụng công nghệ tán xạ môi trường xung quanh để cho chủ nhà biết chìa khóa đã được cất ở đâu.
Các cảm biến thông minh còn có thể được xây dựng và lắp đặt vĩnh viễn vào bất kỳ cấu trúc nào. Sau đó, chúng ta có thể thiết lập để chúng giao tiếp với nhau. Ví dụ, cảm biến được đặt trong một cây cầu có thể theo dõi tình trạng của bê tông và thép, sau đó gửi một cảnh báo nếu một trong các cảm biến phát hiện ra một vết nứt dù chỉ bằng chân tóc.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm kỹ thuật tán xạ môi trường xung quanh với các thiết bị nguyên mẫu có kích thước chỉ bằng tấm thẻ tín dụng được đặt cách xa nhau vài chục centimet. Trên mỗi thiết bị, họ cho lắp đặt ăng-ten vào các bo mạch và khi nhận được tín hiệu thông tin liên lạc từ thiết bị khác, đèn LED sẽ nhấp nháy.
Các nhóm thiết bị này đã được thử nghiệm tại nhiều địa điểm ở thành phố Seattle, bao gồm cả bên trong một tòa nhà chung cư, trên một góc phố và trên các vị trí cao nhất của một bãi đỗ xe. Những địa điểm này cách xa một tháp truyền hình từ 0.8 đến 10.4 km.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã thử nghiệm thành công cách chuyển tiền giữa hai thẻ tín dụng, bằng cách tận dụng các tín hiệu không dây hiện có xung quanh. Họ phát hiện ra rằng, ngay cả những các thiết bị cách xa tháp truyền hình nhất cũng có thể dễ dang giao tiếp với nhau. Các thiết bị nhận sẽ thu tín hiệu từ các thiết bị truyền với tốc độ 1kilobit/giây, với khoảng cách khoảng 76 cm khi ở ngoài trời và 46 cm khi ở trong nhà.
Các kỹ sư đang hi vọng rằng, công nghệ này sẽ sớm được phát triển và ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.
Video mô tả kỹ thuật "tán xạ môi trường xung quanh":