Với việc dành hàng giờ ngồi trước máy tính, các nhà khoa học cũng cảnh báo con người sẽ phải gặp nhiều tác hại khôn lường không những đối với những người trưởng thành mà còn gây nguy hại đến các trẻ nhỏ và các em đang trong độ tuổi vị thành niên.
Có nên cho trẻ sớm sử dụng laptop?
Tuy nhiên, cũng có một số thuận lợi mà chúng ta nên ghi nhận sau đây:
* Thuận lợi:
Có thể nói việc cho trẻ tiếp xúc sớm với công nghệ hoặc máy tính trong giới hạn sẽ giúp trẻ có sự chuẩn bị và hiểu biết tốt hơn trước khi trẻ bước vào học đường. Ngoài ra, dựa vào sự nhạy cảm của trẻ, việc tiếp thu các kiến thức mới sẽ mau chóng và giúp trẻ có nhiều thuận lợi trong học tập để mai này tiếp cận cái mới từ khoa học, kỹ thuật.
Trẻ khi tiếp xúc với máy tính sẽ được làm quen với các phím bấm, các thao tác tay, nhận dạng các ký tự chữ cái, các con số; động tác bấm phím và di chuột, click chuột cũng là một cách cho trẻ có sự khéo léo như trẻ đang tập vẽ hoặc tập thể dục cho đôi bàn tay của trẻ.
Giúp trẻ sử dụng máy tính như công cụ bổ trợ kiến thức bên cạnh sách giáo khoa
* Bất lợi:
Theo Kristie Jernigan, một nhà văn y tế với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc chủ yếu với người già và trẻ em – Thạc sỹ Khoa học trong quản lý chăm sóc sức khỏe và lão khoa tại Đại học Phoenix cho rằng: "Trẻ em được tiếp xúc với máy tính từ khi còn nhỏ là một điều khá tốt, thậm chí có trẻ còn biết nhiều hơn cha mẹ của chúng về máy tính. Tuy nhiên, sử dụng máy tính thường xuyên có thể có một số tác động tiêu cực đối với trẻ em, đặc biệt là những trẻ thường xuyên sử dụng máy tính trong thời gian dài".
1/ Ảnh hưởng đến phát triển tâm lý của trẻ
Thay vì trẻ dành thời gian để trò chuyện với bố mẹ, ông bà, người thân thì trẻ lại bị cuốn hút bởi những hình ảnh nhiều màu sắc trong trò chơi trên máy tính. Trẻ cần được phát triển tâm lý tự nhiên theo thực tế bằng cách tiếp xúc với những người khác để biết cảm thông, biết thể hiện cảm xúc, kỹ năng xã hội… Hiện nay, có nhiều bố mẹ thường cho con trẻ lứa tuổi mẫu giáo học tập thông qua những đĩa hát, phần mềm nhưng thực sự không có phần mềm giáo dục nào có thể "cạnh tranh" được với việc giảng dạy cho trẻ trực tiếp từ bố mẹ chúng vì như thế sẽ tạo được tình cảm gần gũi với con trẻ và chúng sẽ cảm thấy được quan tâm, bố mẹ sẽ dạy dỗ con được tốt hơn cho hiện tại và sau này.
Ngoài ra, các trang web giáo dục trên Internet vẫn là một tài sản vô giá cho kiến thức của trẻ em và cả bố mẹ. Với sự giám sát của bố mẹ, Internet sẽ giúp khai thác, mở rộng tư duy của trẻ đồng thời cũng là nguồn thông tin cung cấp cho chúng về những nơi xa xôi, về các nền văn hóa khác nhau một cách dễ dàng và nhanh nhất.
Bố mẹ giám sát và học tập cùng con cái sẽ giúp trẻ phát triển tư duy nhanh chóng
2/ Bức xạ điện từ laptop đối với trẻ em
Chúng ta cũng biết trường điện từ (EMFs – Electromagnetic Fields) là lượng khí thải thoát ra từ các thiết bị điện tử và máy tính xách tay. Tần số cực thấp (ELF – Extremely Low Frequency) và bức xạ điện từ (EMR – Electromagnetic Radiation) được phát ra từ các linh kiện điện tử khác nhau trong các thiết bị máy tính như CPU, ổ đĩa cứng, các bộ phận khác gây nguy hại đến con người nếu vượt quá ngưỡng 3mG (miligause).
Đối với việc hấp thụ các trường điện từ này, trẻ em có nguy cơ cao nhất vì theo các báo cáo khoa học trẻ em hấp thụ năng lượng lên đến 60% cho mỗi kg trọng lượng so với người lớn. Các tia bức xạ có thể xâm nhập vào đến tủy xương đến hơn 10 lần của trẻ em so với người lớn. Ảnh hưởng của việc tiếp xúc nhiều sẽ làm cho trẻ bị di chứng trong cơ thể và kéo dài theo cả cuộc đời. Trẻ có thể gặp vấn đề về khả năng sinh sản, thiệt hại hoặc rối loạn cấu trúc DNA, mẫn cảm với điện từ trường và phát sinh nhiều bệnh khác có liên quan.
Để ngăn sóng điện từ phát ra gây hại cho trẻ, chúng ta có thể sử dụng một tấm lót chống từ (Anti-EMFs Shield/ Anti-Radiation Lapdesk/ Defender Pad) lót bên dưới đáy laptop như một thiết bị tản nhiệt.
Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cũng cảnh báo rằng sóng mạng WiFi cũng gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Chúng ta có thể hạn chế điều này bằng cách sử dụng kết nối mạng qua dây.
Sử dụng thiết bị khử từ để hạn chế và ngăn sóng điện từ phát ra từ laptop
3/ Ảnh hưởng đến mắt
Một đứa trẻ hay một người trưởng thành khi ngồi trước máy tính cộng với sự say mê, tập trung cao độ thì cũng đều xảy ra hiện tượng mỏi mắt, khô giác mạc. Tuy nhiên, đối với người lớn sự hiểu biết của họ sẽ giúp họ biết được phải nghỉ ngơi, hoặc nếu màn hình quá chói, họ có thể tinh chỉnh cho phù hợp với phản ứng của nhãn cầu, ngược lại trẻ em không hề biết việc này và chúng chỉ biết nhìn chăm chú mà không rời khỏi chiếc máy tính nếu không có sự can thiệp của chúng ta.
Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, chúng ta nên cho trẻ nghỉ ngơi 20 phút cho mỗi 20 phút ngồi trước máy tính, khoảng cách từ mắt đến màn hình là từ 18 đến 28 inch (từ 45,72 cm đến 71,12cm).
Màn hình chói thẳng vào mắt trẻ
4/ Ảnh hưởng thể chất
Tập cho trẻ ngồi trước máy tính hàng giờ sẽ làm cho trẻ ít có thời gian vận động, tập thể dục. Lúc đó, trẻ sẽ cảm thấy ù lì, không muốn hoạt động thể chất, điều đó thật sự nguy hại đến sự phát triển cơ thể trẻ. Ngoài việc trẻ bị đánh cắp lượng vitamin (đặc biệt là vitamin A) khá lớn mà trẻ còn phải đối mặt với những nguy cơ về đau mỏi vai, cổ, cánh tay hoặc tư thế ngồi không đúng cũng làm cho trẻ mau vẹo cột sống. Chúng ta cũng biết khung xương của trẻ em đang trong giai đoạn phát triển và hình thành, vì thế phải chú ý và nhắc nhở trẻ liên tục trong từng thời điểm hợp lý.
Các ông bố, bà mẹ nên chơi thể thao cùng trẻ sau khi cho trẻ học tập trên máy tính khoảng từ 1 đến 2 giờ (không nên quá 2 giờ), đó chính là chìa khóa tăng trưởng của trẻ, nó giúp xây dựng cơ bắp mạnh mẽ và đó là một cách chính để trẻ khám phá những gì cơ thể của chúng có thể làm. Thêm vào đó, bố mẹ có thể dắt trẻ đi công viên, chơi những trò chơi năng động, gặp gỡ bạn bè để trẻ có thể tập làm quen và biết cách giao tiếp, ứng xử trong xã hội.
Nằm, ngồi không đúng tư thế sẽ làm vẹo cột sống của trẻ
5/ Tiếp xúc với nội dung không lành mạnh
Một trong những tác động tiêu cực nghiêm trọng của máy tính đối với trẻ em là tiếp xúc với các nội dung, vấn đề vượt quá sự hiểu biết của trẻ. Dù bố mẹ có theo dõi hay kiểm soát trẻ nhưng cũng có lúc sự liên tục ấy bị ngắt quãng bởi những công việc khác, khi đó trẻ muốn tìm hiểu thêm về máy tính hay một đề tài nào đó trẻ thắc mắc thì chúng sẽ tự vào những trang web một mình. Điều này sẽ không tránh khỏi việc một trang web có nội dung người lớn xuất hiện kèm theo những hình ảnh không mấy tốt cho nhận thức của chúng.
Theo các giáo sư của Đại học Wellesley, cho trẻ em sớm tìm hiểu về máy tính không phải là xấu nhưng việc tiếp xúc nhiều với các chủ đề vượt quá sự hiểu biết của đứa trẻ sẽ sớm làm cho chúng hư hỏng, phát triển trí tuệ kém, nhận thức về đạo đức xã hội ngày càng thấp. Đó là mối lo ngại lớn với bất cứ bố mẹ nào luôn bận rộn, ít quan tâm con cái. Chúng ta cần quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ với trẻ về những mặt tích cực của máy tính với cuộc sống, con người và những kiến thức cần trang bị cho tương lai phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ.
Trẻ vô tình truy cập vào những trang web độc hại, không phù hợp với lứa tuổi
* Lời khuyên cho bố mẹ:
- Sát cánh cùng con cái, hướng dẫn từng bước, vừa làm quen với các tính năng của máy tính vừa giải thích hình dáng, ngữ nghĩa, hình ảnh trên laptop.
- Cho trẻ học tập trên máy tính mỗi một hoặc tối đa hai giờ mỗi ngày, nghỉ ngơi mỗi 20 phút.
- Sau đó, cho trẻ tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe hoặc các lớp học để phát huy kỹ năng có sẵn của trẻ (Ví dụ: học vẽ, học đàn, học hát, hoặc chơi các trò chơi rèn luyện thể chất ở ngoài vườn, công viên,…).
- Ngoài việc cảnh báo, nhắc nhở con cái của mình, các bố mẹ cần lên thời khóa biểu để trẻ có ý thức tự giác ngay từ khi còn nhỏ giúp trẻ sinh hoạt, học tập có nề nếp và biết vâng lời bố mẹ.
Minh Triết
Theo Vnreview