Giá rẻ, đa dạng mẫu mã
Thực tế cho thấy, từ đầu năm tới nay thị trường smartphone Việt Nam đón nhận hàng loạt mẫu mã điện thoại mới, trong số đó phần lớn là điện thoại Android. Ngoài các thương hiệu tên tuổi như HTC, Samsung hay Motorola, các thương hiệu Trung Quốc cũng lần lượt nhập quốc với những cái tên như ZTE, Huawei hoặc các mác máy OEM như Viettel, Q-Mobile.
Với giá bán ra trung bình hơn 3 triệu đồng, Android phone tới từ các thương hiệu Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh rõ ràng ở phân khúc tầm trung. Nhờ thiết kế đa dạng và cấu hình tương đối mạnh so với giá tiền, các model này khi mới ra mắt đều được đón nhận sự quan tâm khá lớn từ phía người dùng.
Thị trường xuất hiện nhiều Android phone Trung Quốc, dán mác Việt như chiếc Q-Mobile S10 ngày nào. Mặc dù khá đầy đủ tính năng, nhưng chất lượng của S10 khiến cho cả những người ủng hộ smartphone mác Việt cuồng nhiệt nhất cũng phải lắc đầu ngán ngẩm: Máy dễ hỏng vặt và rất hay gặp lỗi xuất xưởng.
Đơn cử như series Android ZIK của Viettel, với giá bán ra chỉ khoảng 3,6 triệu đồng, người mua đã được sở hữu hàng loạt tính năng như HĐH Android 2.1, kết nối WiFi/3G cũng như dưới dạng thiết kế màn hình cảm ứng.
Không khó để nhận ra rằng, các điện thoại Android “Tàu” nói chung và ZIK Viettel nói riêng đều thuộc một đơn vị gia công và lắp ráp. Do đó, cấu hình, thiết kế hay các tính năng đều tương đương nhau cũng như nằm cùng một phân khúc giá. Được nhập khẩu và phân phối chính hãng, đương nhiên những chiếc điện thoại này đều được bảo hành chính hãng 12 tháng, đủ để tạo niềm tin với người dùng.
So với giá bán ra của các điện thoại HTC, Samsung xấp xỉ 4 triệu, rõ ràng các điện thoại Android Trung Quốc có giá mềm hơn, thậm chí có cấu hình vượt trội hơn, và đây là những lý do kích thích người tiêu dùng ngay thời gian đầu sử dụng.
Thậm chí, những chiếc Android phone “Tàu” này còn nhận được khá nhiều gói khuyến mại như trợ giá, tặng gói cước 3G hay thêm các phụ kiện như thẻ nhớ, bao đựng. Hấp dẫn là vậy, nhưng sau một thời gian, thị trường này chẳng mấy chốc đã hạ nhiệt.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trong một nghiên cứu mới đây, báo cáo cho thấy người dùng Android là những khách hàng ưa thích khám phá và sự mới lạ và người dùng Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Chính vì vậy, khi sở hữu một chiếc điện thoại Android , cái người dùng quan tâm chính là việc tùy biến chiếc điện thoại của mình bằng các thủ thuật trên nền Android.
Nhắc đến Android, người dùng sẽ nhắc đến ngay các cụm từ như “root”, “ROM cook” hay “flash ROM” để nói về việc can thiệp vào phần cứng hay phần mềm máy. Thế nhưng, nếu như các máy HTC, Samsung nhận được khá nhiều hỗ trợ với các bản ROM chính hãng hoặc ROM cook do người dùng tự hiệu chỉnh thì với các máy Android “Tàu” việc này lại khá xa vời.
Thật dễ hiểu tại sao khi các điện thoại Android hiện nay đều có lộ trình lên phiên bản 2.3, 2.4 thì các dòng máy Android “Tàu” vẫn chỉ lẹt đẹt ở phiên bản Android 2.1 cũ mèm. Thậm chí, một số máy bán ra vẫn chạy ROM nguyên bản tiếng Trung, không hỗ trợ Google Account và Android Market do những mâu thuẫn giữa Google và chính phủ nước này.
Điều này thật sự gây khó khăn đối với người dùng bởi lẽ, một chiếc smartphone nếu không được hỗ trợ chính hãng đầy đủ thì chẳng khác gì một chiếc điện thoại phổ thông, chạy phần mềm nhúng.
Mặt khác, dù ai cũng biết các hãng di động lớn cũng đều đặt nhà máy gia công tại Trung Quốc nhưng với quy trình chất lượng tiêu chuẩn nên khi đặt cùng các Android “Tàu”, vẫn có sự chênh lệch khá lớn về chất lượng và hiệu năng sử dụng.
Việc tìm các website chính hãng về sản phẩm, hỗ trợ các thông tin về kỹ thuật, phần mềm cho các dòng điện thoại này gần như không có. Họa hoằn lắm mới có một vài website trong nước đưa các đường dẫn driver còn lại các bản update thì còn khá “xanh chín”, bất kể Android là một nền tảng nhiều ẩn họa về bảo mật.
Chưa kể đến việc những smartphone "Tàu" kiểu này còn nhận những dấu hỏi rất lớn về mặt chất lượng. Đơn cử như chiếc Q-Mobile S10 mà cách đây mấy tháng chúng tôi có đưa 1 bài đánh giá, lập tức trên mục Comment xuất hiện những lời than phiền về chất lượng của máy và những hỏng hóc vặt.
Các nhà sản xuất Trung Quốc luôn cố tìm cách đánh vào tâm lý tham rẻ của người Á Châu, và quả thực nếu so về giá cả, có lẽ khó có quốc gia nào lại có thể cho ra đời những sản phẩm "rẻ mạt" như Trung Quốc. Với ưu thế về giá của mình, những sản phẩm đóng mác Trung Quốc vẫn tràn ngập các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, bất chấp chất lượng sản phẩm bị "thả nổi".
Vì vậy, khi bạn chọn mua cho mình 1 chiếc smartphone, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định sử dụng "đồ Tàu". Có thể chỉ với giá tiền 1 vài triệu đồng, bạn sẽ được sở hữu 1 chiếc smartphone có cấu hình khá cao, hình thức đẹp nếu chọn sản phẩm "Đại Lục". Tuy nhiên chọn mua "đồ Tàu" đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận rủi ro, và xác suất gặp rủi ro trong trường hợp này phải nói là vô cùng lớn.
Nếu bạn có ngân sách hạn hẹp mà vẫn muốn mua 1 chiếc smartphone thì đồ Tàu không phải là sự lựa chọn duy nhất. Bạn vẫn có thể tìm được 1 chiếc điện thoại tầm trung ở các hãng sản xuất uy tín như LG, Samsung.... Tất nhiên, cấu hình của máy sẽ không thể "đẹp mắt" được như hàng Trung Quốc, nhưng bù lại, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt từ phía nhà sản xuất cũng như có thể yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm.
Tựu chung lại, có lẽ chẳng lời nào chí lý hơn lời "các cụ": "Của rẻ là của ôi, của đầy nồi là của vứt đi".