Chiếc máy tính bạn đang sử dụng chắc chắn sẽ lỗi thời trong một thời gian ngắn nữa. Thật vậy, cuộc chạy đua cùng công nghệ đã trở thành cuộc đua tốn nhiều công sức và tiền bạc nhất từ trước tới giờ. Kể từ năm 1983 tới nay, công nghệ đã trải qua rất nhiều bước thăng trầm. 30 năm kể từ ngày Compaq cho ra mắt Compaq Portable cho tới thời nay, rất nhiều sự kiện đột phá đã diễn ra, dưới đây là 30 cột mốc đáng nhớ trong 30 năm phát triển của công nghệ máy tính để xem mọi thứ đã đổi thay ra sao.
1983 – Compaq Portable ra đời: Được thành lập chỉ một năm trước đó, công ty Compaq đã đặt những bước chân ấn tượng của mình trên bản đồ công nghệ với chiếc PC đầu tiên trên thế giới, báo hiệu sự bắt đầu của thời đại máy tính có tính di động cao. Compaq về sau trở thành một hãng lớn trong ngành công nghiệp máy tính. Tuy nhiên, HP đã thâu tóm cái tên này 20 năm sau khi Compaq thành lập.
1984 – Công ty PCs Limited bắt đầu: Chàng sinh viên đại học tên Michael Dell đã mở một “phi vụ” kinh doanh tại chính phòng kí túc xá để bán những chiếc máy tính tự thiết kế. Không hiểu lúc đó Dell có nhận thức được rằng những gì anh làm về sau sẽ mang lại cho anh một khoản tiền khổng lồ cùng công ty thiết bị phần cứng mang tên mình hay không?
1985 – Windows 1.0: Tiền thân lâu đời nhất của các hệ điều hành hiện đại, khó có ai ở thời điểm đó có thể dự đoán được những thành công to lớn mà Windows có thể đạt được trong tương lai.
1986 – Intel trình làng chip xử lý 386: Là vi xử lý máy tính 32-bit đầu tiên trên thế giới. Lúc ra mắt, 386 đã thể hiện khả năng vận hành một lượng không giới hạn bộ nhớ máy tính. Sau này, 386 đã trở thành nền tảng cho sự ra đời của hàng loạt phần mềm mới, trong đó đáng chú ý là các phiên bản tiếp theo của hệ điều hành Windows.
1987 – VGA xuất hiện: VGA là một chuẩn hiển thị trên máy tính được IBM giới thiệu cùng cổng kết nối PS/2. Tiêu chuẩn này có thể hiểu đơn giản là xuất đồ họa dưới dạng video thành từng dãy ra màn hình và có thể hiển thị 256 màu biến đổi liên tục.
Dây kết nối VGA quen thuộc.
1988 – EISA xuất hiện: Được tạo ra để phản hồi lại giao thức Micro Channel của IBM, EISA là một tuyến bus chính thống cho phép các nhà sản xuất máy tính có được một tiêu chuẩn sản xuất các thiết bị linh kiện thống nhất trong tương lai.
1989 – Ngôn ngữ HTML chào đời: Tim Berners – Lee chính là cha đẻ của ngôn ngữ lập trình quan trọng này. Một năm sau, đây trở thành nền tảng để ông xây dựng cốt lõi của hệ thống World Wide Web (WWW) mà bạn thấy hôm nay.
1990 – Windows 3.0: Biến chuyển từ một trình quản lý tập tin đơn giản thành một phương thức tương tác giữa người dùng và máy tính, Windows 3.0 có thể quản lý máy tính với bộ nhớ 16MB. Hệ điều hành này cũng tương thích với rất nhiều các ứng dụng lúc đó.
1991 – PCI Bus được phát triển: Công nghệ PCI Bus mà Intel mang lại không chỉ làm trải nghiệm của người dùng mà cả của các nhà sản xuất máy tính được cải thiện rất nhiều. PCI cho phép chỉnh sửa tự động các card giao thức, tăng tốc độ và tăng cường khả năng tương tác giữa máy tính với người dùng.
1992 – AMD dành quyền bán vi xử lý x86: Vào năm 1982, để thỏa mãn nhu cầu nguồn chip x86 của IBM, Intel đã cho phép AMD sản xuất chúng. Tuy nhiên, Intel đơn phương hủy bản cam kết vào năm 1986, tất nhiên AMD không đồng ý với điều này. Từ đó, các vụ lùm xùm pháp lý bắt đầu, và vào năm 1992, AMD chính thức đạt được quyền tiếp tục sản xuất dòng chip này.
1993 – Trình duyệt web Mosaic Web ra đời: Được xây dựng ở Trung tâm quốc gia cho các ứng dụng siêu máy tính, Mosaic Web có thể không phải là trình duyệt web đồ họa đầu tiên thế nhưng nó nhanh chóng trở thành trình duyệt phổ biến nhất, đóng vai trò tiên phong và là tiền thân của các trình duyệt web hiện đại sau này. Chịu trách nhiệm sản xuất phần mềm này là Marc Andreessen (về sau là người sáng lập ra Netscape).
1994 – Windows 95: Bước chuyển mình mạnh mẽ của Microsoft khi biến nền tảng DOS thành một hệ điều hành hoàn chỉnh. Tất nhiên, với sự xuất hiện của Windows 95, MS-DOS nhanh chóng chìm xuồng sau đó. Windows 95 có thể chạy được các ứng dụng 32-bit và 16-bit. Một trong những điều tuyệt vời nhất có mặt ở Windows 95 chính là thanh Start huyền thoại.
1995 – Chip 3D hoàn thiện đầu tiên xuất hiện: Những chiếc vi xử lý 3D với khả năng chơi game 3D đầu tiên ra đời như Rendition Vérité 1000 hay the 3dfx Voodoo đã đánh dấu sự bắt đầu cho một thế hệ card màn hình mới.
1996 – USB xuất hiện: Trái ngược với các cổng kết nối xuất hiện trước đó, USB cung cấp cho thiết bị khả năng tự điều chỉnh cấu hình, đơn giản hóa quá trình kết nối các thiết bị ngoại vi như chuột, bàn phím, máy in…
1997 – Ổ và đĩa DVD được bán trên thị trường: Cuối cùng, ổ đĩa DVD cũng được tích hợp thành công vào máy tính cá nhân. Loại hình này về sau cũng gần như trở thành tiêu chuẩn tốt nhất và duy nhất đối với ổ đĩa quang trên máy tính bởi Blu-ray đã không thành công trong quá trình xâm nhập thị trường này.
1998 – Bộ luật DMCA ban hành: DMCA, thường được biết đến với cái tên Luật bảo vệ bản quyền tác giả. Về cơ bản, đây là đạo luật để bảo vệ những sản phẩm công nghệ khỏi sự sao chép bất hợp pháp.
1999 – Tiêu chuẩn 802.11a/b được phê duyệt: Đây là tiêu chuẩn 802.11 cho kết nối Wi-Fi đầu tiên được công nhận và một tổ chức có tên Wi-Fi Alliance đã được thành lập để khuyến khích và xác nhận sản phẩm phát triển dựa theo tiêu chuẩn này. Wi-Fi kể từ đó đã ngày càng trở nên phổ biến và hiện nay đã trở thành một trong những kiểu kết nối được áp dụng nhiều nhất cho cả người dùng cá nhân hay các tổ chức.
2000 – EA phát hành tựa game “the Sims”: Được phát triển bởi Will Wright, The Sims cho phép người chơi nhập vai vào các nhân vật và sống một cuộc sống “ảo như thật” trong game. The Sims đã trở thành tựa game bán chạy nhất mọi thời đại, tiêu tốn số lượng thời gian khó có thể đong đếm được từ người chơi.
2001 – Windows XP: Ra đời như một sự kết hợp giữa Windows 2000 và Windows ME thành một hệ thống thống nhất, Windows XP là hệ điều hành thành công nhất trong lịch sử Microsoft tính tới thời điểm hiện tại.
2002 – Ra mắt máy tính bảng đầu tiên: Mặc dù đã có một vài dòng máy tính bảng ra mắt trước đó, thế nhưng chiếc Tablet PC là sản phẩm thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Mặc dù dòng máy này không thành công khi thâm nhập thị trường, nó đã đặt những nền móng đầu tiên và cơ bản cho những chiếc máy tính bảng chạy Windows 8 của Microsoft sau này.
2003 – AMD mang đến vi xử lý 64-bit x86 đầu tiên: Cùng với sự ra đời của loại vi xử lý này Microsoft cũng bắt đầu xây dựng các phiên bản Windows 64-bit. Hai năm sau, Intel cũng cho ra đời loại chip tương tự của riêng mình.
2004 – Intel Pentium M xuất hiện: Phát triển bởi một đội ngũ kĩ thuật viên người Israel, vi xử lý Pentium M với những cải tiến đáng kể so với dòng chip Pentium III trước đó. Dòng chip này có hiệu năng làm việc ấn tượng và được coi là tiền đề cho những thành công to lớn của dòng chip Core mà Intel đạt được.
2005 – Apple chuyển sang dùng chip Intel: Trước đó, dòng máy tính của Apple sử dụng vi xử lý PowerPC gặp phải một số vấn đề nên họ đã chuyển sang dùng linh kiện của Intel, đây cũng là bước mở đầu cho hàng loạt sản phẩm hấp dẫn của "táo cắn dở".
2006 – Intel sản xuất chip Core 2 Duo: Với Core 2 Duo, Intel đã cho hệ vi xử lý Pentium 4 “về vườn”. Sự ra đời của hệ chip mới này cũng chiếm lại ngôi vương về hiệu năng xử lý của đối thủ AMD về tay Intel. Core 2 Duo sinh ra ít nhiệt năng đồng thời sử dụng ít năng lượng hơn những dòng chip cùng thời đến từ AMD.
2007 – iPhone ra đời: iPhone ra đời đã định nghĩa lại khái niệm smartphone cùng màn hình cảm ứng. “Con át” này mang lại những thành công to lớn về mặt thương mại cho Apple. Chính sự thành công của iPhone thế hệ đầu tiên đã thúc đẩy các ông lớn như Google hay Microsoft bước chân vào cuộc chơi di động.
2008 – Doanh số bán ra của laptop vượt mặt desktop: Di động đã dần trở thành xu hướng chủ đạo trong thiết kế máy tính, cùng với đó là sự tiện lợi của mạng Wi-Fi và giá thành ngày càng giảm của các sản phẩm công nghệ, mọi người bắt đầu đổ xô mua laptop thay vì desktop ngày nào.
2009 – Windows 7: Sau sự thất bại của Windows Vista, Windows 7 là sự trở lại đầy mạnh mẽ và ấn tượng của Microsoft. Sắp xếp gọn gàng cùng khả năng phản hồi nhanh hơn người tiền nhiệm, Windows 7 đã phần nào làm người ta quên đi thành công to lớn Windows XP đạt được. Windows 7 có thể hỗ trợ cả máy tính 32-bit và 64-bit. Trên thực tế, bản 64-bit của nó còn được tiêu thụ nhiều hơn bản 32-bit.
2010 – iPad ra đời: iPad là mẫu máy tính bảng mang mác Apple với kiểu dáng thời thượng ẩn chứa một sức mạnh ấn tượng. iPad ghi điểm trong người dùng với sự tiện lợi cùng hệ sinh thái phần mềm đa dạng, phong phú.
2011 – Intel cho ra mắt Ultrabooks: Kế thừa thiết kế từ chiếc Macbook Air của Apple, Intel đã cho ra mắt những chiếc ultrabook đầu tiên của thế giới. Mặc dù doanh số bán ra của ultrabook chưa thực sự ổn định, đây sẽ là xu hướng chắc chắn còn tiếp tục phát triển trong tương lai.
2012 – Windows 8: Được coi là hệ điều hành có nhiều sự thay đổi nhất từ thời Windows 95 của Microsoft, Windows 8 ra đời cùng với kho ứng dụng Microsoft Store, nút Start được thay thế bằng màn hình Start. Hệ điều hành này đã gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng sử dụng Windows nhưng Windows 8 cũng được đánh giá là bước chuyển biến mạnh mẽ nhất của Microsoft để mang cảm giác "di động" lên những thiết bị máy tính.