Trong lĩnh vực công nghệ, sự tiên phong, đổi mới và đi đầu luôn được khuyến khích. Còn nhớ vào năm 2007, khi màn hình cảm ứng còn là một khái niệm không mấy được yêu thích đồng thời một thiết bị di động không có bàn phím cứng vẫn bị coi là thảm họa thì Apple đã đột phá với sự ra mắt của iPhone. Và như chúng ta đều biết sự ra đời này đã để lại rất nhiều ảnh hưởng sau đó.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều những đột phá và sáng tạo không may không được thị trường đón nhận. 15 thiết bị được nêu tên dưới đây là minh chứng cho ranh giới vô cùng mong manh giữa thiết kế sáng tạo và... tệ hại. Được biết, danh sách này được công bố bởi trang thông tin Stuff.
1. Serene (2005)
Được ra đời là kết quả của sự hợp tác giữa hai nhà sản xuất Bang and Olufsen và Samsung, Serene mang trên mình hơi hướng thiết kế kiểu vỏ sò cách điệu. Máy có camera 0,3 MP, bộ nhớ trong 31MB cùng viên pin rời nhưng chỉ có thể tháo lắp được với sự trợ giúp của một công cụ chuyên dụng. Nhìn chung, Serene không hẳn là một thiết kế xấu nhưng nó hoàn toàn không phù hợp với hình ảnh một chiếc điện thoại. Tất cả mọi thứ từ bàn phím đến camera của máy đều không được đánh giá cao vì gây ra nhiều bất tiện cho người dùng.
2. Serenata (2007)
Có vẻ như nhà sản xuất Serene không rút ra được mấy bài học kinh nghiệm khi sản phẩm kế nhiệm của nó mang tên Serenata lại tiếp tục không được đánh giá cao về mặt thiết kế. Cụ thể, thiết bị này chỉ có những tính năng cơ bản của một chiếc điện thoại vì nhà sản xuất định hướng chức năng chính của nó là chơi nhạc. Dẫu vậy không hiểu sao nhà sản xuất lại bố trí vùng phím tròn điều khiển nằm phía trên màn hình khiến quá trình tương tác với máy trở nên cực kì bất tiện.
3. Æ+Y (2011)
Được quảng cáo là thiết bị được sản xuất từ “góc nhìn của một nhà chế tác trang sức” nhưng chiếc điện thoại mà bạn đang thấy lại không hề được đánh giá cao về mặt kiểu dáng. Thêm vào đó, giá máy bán ra lại quá cao (12.575 USD cho phiên bản thép và 72.850 USD cho phiên bản vàng) cũng làm thất vọng rất nhiều người.
4. Toshiba G450 (2008)
Chiếc G450 đến từ hãng Toshiba có kích thước máy khá lớn nhưng phần không gian dành cho màn hình lại quá nhỏ với khả năng hiển thị vô cùng hạn chế.
5. Motorola Flipout (2010)
Có thể thấy Motorola Flipout tận dụng lối thiết kế xoay trượt trong đó một màn hình cảm ứng 2,8 inch có thể di chuyển để lộ ra bàn phím cứng đầy đủ QWERTY. Máy vận hành trên nền tảng Android 2.1 đồng thời có camera 3,1 MP. Mặc dù có thiết kế khá mới lạ nhưng thật tiếc cho Motorola khi thị trường không đón nhận nồng nhiệt kiểu dáng này.
6. F88 Wrist Phone (2006)
Đúng như tên gọi của mình, F88 Wrist Phone là một chiếc điện thoại đeo tay. Máy được sản xuất bởi một công ty Trung Quốc có tên CEC với điểm nhấn chính là camera độc đáo có thể xoay 180 độ. F88 có cân nặng 100g và để nghe điện thoại người dùng sẽ phải sử dụng một chiếc tai nghe. Có lẽ nào nhà sản xuất Trung Quốc nói trên đã đi trước thời đại của công nghệ mang mặc những mấy năm liền với thiết bị này?
7. Samsung Z130 (2006)
Được thiết kế có màn hình xoay với mục đích để lộ camera trước đồng thời cho phép người dùng được sử dụng màn hình rộng hơn theo chiều ngang khi gọi điện thoại video, thế nhưng Z130 lại bị đánh giá là sở hữu một thiết kế thiếu tính thực tiễn.
8. Elfoid (2011)
Một nhà sản xuất Nhật Bản đã tung ra thị trường thiết bị điện thoại hình... người vô cùng độc đáo và thậm chí còn phần đáng sợ này với mục đích làm những cuộc điện thoại trở nên “con người” hơn. Được biết, nhà sản xuất này còn có kế hoạch giúp Elfoid có khả năng mô phỏng lại cảm xúc người gọi đến thông qua một phần mềm nhận diện khuôn mặt chuyên dụng.
9. Kyocera/Sprint Echo (2011)
Được khẳng định là chiếc điện thoại đầu tiên được trang bị hai màn hình cảm ứng, Kyocera/Sprint Echo có lẽ đã được đón nhận nồng nhiệt hơn nhờ ý tưởng độc đáo nếu trau chuốt thêm phần nhìn.
10. Lamborghini T700 (2012)
Không có thiết kế đẹp nhưng Lamborghini T700 lại là hàng độc khi được nhà sản xuất tung ra với 5 phiên bản màu khác nhau và mỗi phiên bản chỉ có đúng 650 chiếc. Thiết bị này là kết quả của sự hợp tác giữa Prada, Ferrari và Lamborghini với các chất liệu cấu thành cao cấp như kim cương, sapphire và da cá sấu.
11. Siemens Xelibri 6 (2003)
Năm 2003, Siemens dũng cảm kết hợp hai yếu tố công nghệ và thời gian để cho ra mắt một bộ sản phẩm khá độc đáo mang tên Siemens Xelibri gồm 8 thiết bị. Siements Xelibri 6 chỉ là một minh chứng cho sự thảm bại của dòng máy này. Hai năm sau ngày ra mắt, Xelibri đã bị “cha đẻ” của mình khai tử.
12. Nokia 7380 (2005)
Là một thiết bị trong dòng Nokia’s L’Amour, chiếc điện thoại với kích cỡ thỏi son này đã "giết chết" chức năng của một chiếc điện thoại để đổi lấy kiểu dáng độc đáo. Cụ thể, Nokia 7380 chỉ sở hữu màn hình siêu nhỏ cùng độ phân giải khiêm tốn 208 x 104. Đáng chú ý hơn là việc máy không có bàn phím truyền thống đã làm trải nghiệm nhắn tin hay ấn số gọi của người dùng Nokia 7380 trở nên vô cùng khó khăn.
13. Vertu Signature Bucheron Cobra
Nếu xét trên phương diện hàng độc thì thiết bị mà bạn đang thấy là một trong số những thiết bị khó kiếm nhất trên thế giới khi chỉ có đúng 8 máy được sản xuất và bán ra với mức giá lên tới 310.000 USD.
14. Nokia 7600 (2003)
Lại thêm một thiết bị được phát triển để xóa nhòa ranh giới giữa thời trang và công nghệ, bàn phím cứng của Nokia 7600 được xếp độc đáo dọc theo 4 viền màn hình mang lại cảm giác khá lạ mắt. Rất tiếc, thiết kế này lại không hề mang đến sự thoải mái cho người dùng.
15. GoldVish Le Million (2006)
GoldVish Le Million có giá 1,7 triệu USD nhưng là đến từ những vật liệu đắt đỏ được gắn trên máy chứ không hề đến từ kiểu dáng thiết bị.