10 điều người Việt chưa hiểu về Flappy Bird

Flappy Bird là một "hiện tượng" và những ngày này người ta liên tục bình luận về Flappy Bird cũng như về tác giả Nguyễn Hà Đông với rất nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Dưới đây là 10 điều mà nhiều người Việt còn chưa hiểu rõ về Flappy Bird, dựa theo bài viết của tác giả Anh-Minh Do đăng tải trên trang Tech in Asia:

1. Không phải sự sao chép khiến Flappy Bird thành công

Có nhiều bài viết bằng tiếng Anh - đặc biệt là cả tiếng Việt - về việc Nguyễn Hà Đông đã sao chép game Flappy Bird từ Piou Piou và Nintendo. Tuy nhiên, theo tác giả Anh Minh Do, ngay cả khi Hà Đông sao chép từ các trò chơi khác, thì đã sao? Facebook có phải là mạng xã hội đầu tiên? Gangnam Style có phải là bài hát đầu tiên có phong cách nhảy múa, khiêu vũ vui nhộn như vậy? iPhone có là điện thoại thông minh xuất hiện đầu tiên trên thế giới?

Và nếu cho rằng Hà Đông thành công vì đã sao chép các đường ống màu xanh lá cây từ game Super Mario của Nintendo, thì còn vô lý hơn. Có phải vì những ống màu xanh đó mà mọi người chơi Flappy Bird? Không phải. Điều mọi người bình luận khi đánh giá về Flappy Bird sự khó khăn của trò chơi, chứ không liên quan gì đến các đường ống. Nintendo cũng đã công khai tuyên bố không khiếu kiện gì Flappy Bird. Tất cả là sự khó khăn một cách điên rồ của trò chơi. Và đó chính là điều khiến trò chơi trở nên thú vị.

2. Flappy Bird không hề dễ bị làm nhái

Đến nay, có cả tá game nhái (hoặc ăn theo) Flappy Bird trên iOS và Android và chúng bắt đầu leo dần lên các bảng xếp hạng. Nhưng nếu là một game thủ, bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt trong chất lượng game. Trước hết, đồ họa của các dòng game nhái đơn giản là không tốt như Flappy Bird.

Thứ hai, các đánh giá về game đã mang lại một bức tranh rõ ràng. Sau hàng trăm ngàn ý kiến​​, Flappy Bird vẫn đạt mức bốn sao. Đó không phải là một thành tích dễ dàng. Tất cả các game nhái thậm chí không thể phá vỡ mức xếp hàng ba sao dù có hàng ngàn ý kiến​​.

Thứ ba và quan trọng nhất, các trò chơi nhái không hề thực tế, các chuyến bay không khó khăn và "hành hạ người chơi" như trong Flappy Bird. Chẳng hạn, game Fly Birdie, một bản sao rõ rệt nhất, có nhạc sến và con chim màu nâu xấu xí, rất dễ chơi. Ironpants, một trong các game nhái đầu tiên, cũng tương đối dễ chơi so với Flappy Bird.

3. Flappy Bird thành công không chỉ vì may mắn

Thoạt nhìn, Flappy Bird giống như một trò chơi ngu ngốc nhưng thú vị mà bất kỳ ai cũng có thể xây dựng và mất rất ít thời gian để viết mã. Điều đó không đúng. Thực tế là Nguyễn Hà Đông đã quyết định rằng Flappy Bird sẽ có lực hấp dẫn mạnh hơn các trò chơi tương tự khác. Với một game như Temple Run, tiền đề của các nhà thiết kế trò chơi là họ muốn các game thủ thưởng thức nhiều thời gian nhất có thể khi chơi. Mục đích là để chạy và nhảy tốt hơn và nhận số điểm lớn hơn với một hành trình dài. Chắc chắn, Flappy Bird cũng muốn điều tương tự, vì thế Hà Đông đã nghiêm khắc nói: "Không, chúng ta hãy sản xuất game thật sự khó". Nhưng Flappy Bird cũng rất đơn giản. Thắng hay thua. Tất cả chỉ có thế.

Vì thế, nói Flappy Bird thành công chỉ là may mắn là không đúng. Đừng hạ thấp tính đơn giản của game. Đơn giản là chính là đỉnh cao của phức tạp.

4. Sự hạn chế về đồ họa có thể tạo nên sự hấp dẫn của game

Flappy Bird là một ví dụ cho việc game có thể thành công mà không cần đến đồ họa đẹp. Khi so sánh những game "cổ" như Tetris, Pong và những trò FPS hiện nay, ta có thể hiểu thêm về điều này. Ở thời điểm ra mắt, những game như Tetris không thể có đồ họa đẹp, chi tiết do những ràng buộc về phần cứng. Với những giới hạn đó, các nhà thiết kế trò chơi buộc phải khám phá và đầu tư vào gameplay. Điều này mang lại sự sáng tạo hơn trong các trò chơi. Đây chính xác là những gì Flappy Bird đã làm. Đừng đánh giá thấp điều này.

5. Nguyễn Hà Đông có "công thức" để Flappy Bird thành công

So sánh Flappy Bird với Facebook, Apple và các công ty công nghệ cao khác là điều vô lý; nhưng đó là những gì các phương tiện truyền thông của Việt Nam đã và đang làm. Về cơ bản, Flappy Bird là một trò chơi có nội dung. Điều đó có nghĩa là sẽ thích hợp hơn khi so sánh Flappy Bird với Gangnam Style của Psy, các video lan truyền, hay Angry Birds và Clash of Clans. Nhưng cũng có một chút may mắn ở đây! Rõ ràng, từ những lời tweet của Nguyễn Hà Đông, anh không mong đợi sự nổi tiếng và tiền bạc. Anh có những nguyên tắc về trò chơi, và anh thực hiện các nguyên tắc đó trong tất cả các trò chơi của mình. Điều này cũng đúng với Rovio, công ty đã thất bại hơn 50 lần trước khi có một trò chơi được công nhận khắp toàn cầu. Không phải tất cả đều có thể làm được điều này.

Điều đó có nghĩa là đôi khi bạn đạt thành công, và ban đầu bạn thu về rất nhiều tiền cùng người sử dụng, nhưng sau đó lại nhanh chóng lụi tàn. Có thể sau thành công đầu tiên, bạn sẽ không thể có thành công thứ hai. Điều này rất quen thuộc trong ngành công nghiệp âm nhạc, đến nỗi có những nhạc sỹ chỉ một lần duy nhất lọt vào bảng xếp hàng.

Flappy Bird là một thành công, nhưng vấn đề là liệu Nguyễn Hà Đông có thể sản xuất ra nhiều game nổi tiếng toàn cầu nữa không? Ngay cả Psy, người đã đạt mức kỷ lục trên YouTube, vẫn chưa thể lặp lại thành công đó. Nhưng điều đó không có nghĩa Psy chỉ hoàn toàn là may mắn, anh có nguyên tắc để Gangnam Style trở nên thành công.

6. Flappy Bird khó kiếm được nhà đầu tư

Vì bản chất của game, rất khó thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư thường rất cảnh giác với các công ty game, đặc biệt là các game thủ độc lập, vì không có gì đảm bảo rằng một trò chơi sẽ trở nên thành công và có thể kiếm tiền. Đối với các nhà đầu tư, sẽ bền vững hơn khi tài trợ cho các công ty thương mại điện tử, hậu cần, và các công ty sản xuất, vì chúng có mô hình kinh doanh bền vững kéo dài trong nhiều năm.

Tóm lại, các nhà đầu tư thường tài trợ cho một nền tảng hoặc dịch vụ dành cho người sử dụng chứ không phải là một trò chơi có thể nổi tiếng trong một khoảng thời gian ngắn và sau đó biến mất.

7. Flappy Bird thành công không có nghĩa Việt Nam là quê hương của các lập trình viên giỏi

Mặc dù người Việt Nam có quyền tự hào về Flappy Bird, nhưng trò chơi này không phải thành công vì nhà phát triển của nó là người Việt. Xét ở nhiều khía cạnh, Flappy Bird là một sự bất thường trên toàn thế giới. Nói cách khác, một số người nhìn nhận Flappy Bird như một dấu hiệu để chúng ta có thể tin tưởng Việt Nam là một nơi có các lập trình viên và nhà thiết kế trò chơi tuyệt vời, nhưng điều đó không chắc chắn sẽ kéo dài.

Chỉ khi có những thành công khác của người Việt Nam trên sân chơi thế giới mới có thể tự tin rằng người Việt Nam thực sự có khả năng đưa ra những trò chơi tuyệt vời. Còn nếu không, những nhận định vội vàng kia chỉ là ngộ nhận.

8. Nguyễn Hà Đông có thể đã tạo ra một loại game mới

Rõ ràng, thành công của Flappy Bird là không thể bỏ qua và cộng đồng thiết kế game thế giới sẽ nghiên cứu nó một cách cẩn thận. Sự thành công đã chỉ ra một số điểm mới về trò chơi mà các công ty phát triển lớn và có ảnh hưởng không để ý. Các yếu tố đơn giản, sự trừng phạt khi chơi sai, đồ họa retro, thiếu các cấp độ (level) trong game đều được kiểm tra chặt chẽ và không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ bắt đầu nhận thấy loạt trò chơi loại này trong tương lai gần. Nó có thể là một thể loại game mới.

9. "Ném đá" chỉ là biểu hiện dốt nát và GATO

Trong số những người dùng Facebook ở Việt Nam, có hai "phe" tranh cãi về game này. Một phe là những người tự hào rằng Flappy Bird là của người Việt Nam và đang ăn mừng thành công của nó, thậm chí so sánh nó với Psy hoặc Justin Bieber. Phe kia là những người căm ghét (ghen tị) với những gì Flappy Bird đã đạt được và cho rằng Nguyễn Hà Đông không xứng đáng thành công.

Nhìn chung, phe thứ hai đang làm cái mà chúng ta gọi là "ném đá". Tuy nhiên, "ném đá" là hành động quá dễ dàng, nó không đòi hỏi suy nghĩ. Thay vì than vãn, hãy nhìn kỹ vào lý do tại sao Hà Đông thành công và phải xem xét các yếu tố khiến Flappy Bird trở thành một "bom tấn" như vậy.

10. Truyền thông Việt Nam hoàn toàn bỏ qua Twitter

Toàn bộ sự việc này cho thấy một điều thú vị, Twitter là kênh chính để Hà Đông trò chuyện với thế giới. Anh không trò chuyện trên blog, hay Facebook, hoặc thậm chí trên trang web của mình. Điều này thật mỉa mai, vì Việt Nam được cho là một quốc gia phát triển Facebook mạnh nhất thế giới, từ 12 triệu người dùng trong tháng 3/2013 đến hơn 20 triệu người dùng vào cuối năm 2013. Nhưng Twitter lại chưa hề mạnh mẽ ở Việt Nam.

Nhưng, những người Việt Nam nổi tiếng ngày nay đã sử dụng Twitter. Điều này hoàn toàn không được truyền thông Việt Nam để ý đến. Có thể, điều này sắp sửa thay đổi?

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại