Cũng như việc định vị iPhone để tránh hao hụt tài sản do trộm cắp và để quên, cá ngừ ở khu vực Thái Bình Dương sắp sửa được gắn thẻ định vị để tránh… bị đánh bắt trái phép.
Và bạn biết không, mấu chốt của những thẻ định vị này được dựa trên nền tảng blockchain - công nghệ đằng sau các loại tiền ảo (như Bitcoin) đang làm mưa làm gió thị trường trong năm vừa qua.
Cá ngừ vây xanh (Bluefin tuna), một trong những loài cá rất được ưa chuộng ở các nhà hàng và quán ăn ở khu vực xung quanh Thái Bình Dương. (Nguồn: internapcdn.net)
Mới gần đây, Quỹ động vật hoang dã Thế giới (WWF) ở Úc, Fiji và New Zealand đã hợp tác với công ty công nghệ ConsenSys của Mỹ, TraSeable và công ty đánh bắt và xử lý cá ngừ Sea Quest Fiji Ltd.
Tất cả là để khởi động dự án sử dụng công nghệ blockchain để định vị và theo dõi cá ngừ từ lúc đánh bắt đến khi tiêu thụ.
Mục đích của việc sử dụng công nghệ này là để ngăn chặn đánh bắt, câu cá trái phép và xâm phạm quyền con người trong ngành công nghiệp buôn bán và đánh bắt cá ngừ. Đã có rất nhiều báo cáo về những trường hợp buôn người và ngược đãi trên nhiều tàu đánh cá ngừ.
Việc ứng dụng công nghệ blockchain có thể khiến cho ngành công nghiệp buôn bán và đánh bắt cá ngừ tốt hơn. (Nguồn: WWF)
Hệ thống blockchain, một khi được khởi động, sẽ giúp quá trình buôn bán và đánh bắt cá minh bạch hơn, và giúp phòng chống việc trốn tránh giấy phép và bảo hộ an toàn lao động. Chưa kể, về lâu dài, môi trường biển cũng sẽ được bảo tồn tốt hơn, nếu những vấn đề trên được giải quyết.
Công nghệ blockchain đang phát triển với tốc độ còn chóng mặt hơn cả Bitcoin
Thẻ định vị được mắc vào cá ngừ sẽ có nhiệm vụ upload thông tin lên hệ thống blockchain (Nguồn: WWF)
Công nghệ kỹ thuật ngày nay được định hướng để cải tiến giao dịch trong rất nhiều cách – bao gồm việc tăng cường sự minh bạch cho các sản phẩm.
Blockchain có thể được hiểu nôm na là một danh bạ điện tử có thể dùng để phân phối, kiểm định thông tin. Nó có thể dùng để ghi nhận các giao dịch ở mọi giá trị.
Ngắn gọn mà nói, nó là một danh sách mà tất cả mọi người đều có thể xem và cập nhật. Vì tất cả mọi người đều có thể kiểm định và xem xét, không thể có chuyện có cá nhân nào cố tình chỉnh sửa hay xóa lịch sử giao dịch được cả.
Đối với những khách hàng của hệ thống của blockchain, điều này có nghĩa rằng bạn có thể dò mã của món hàng mà bạn muốn mua, và biết nó từ nơi nào tới, trước khi nó nằm trên sạp hàng và trong tay bạn. (Hình chỉ mang tính chất minh họa)
Tất nhiên, một khi hệ thống được sử dụng rộng rãi, cũng có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng biết được con cá bạn ăn ở nguồn nào, và có bất hợp pháp hay không.
Và nếu là bất hợp pháp, bạn biết mình phải làm gì rồi đó: hãy báo ngay cho cơ quan chức năng, hoặc từ chối mọi giao dịch có liên quan.
Blockchain được sử dụng như thế nào để theo dõi cá ngừ?
Công nghệ mới trong tương lai sẽ cho phép theo dõi cá ngừ từ lúc đánh bắt đến khi lên đĩa. (Nguồn: WWF)
Dự án này của WWF sẽ kết hợp thẻ ghi nhận định dạng bằng sóng âm (RFID), thẻ QR và các thiết bị dò quét, để thu thập thông tin về sinh hoạt của cá ngừ xuyên suốt dòng đời của chúng.
Công nghệ thăm dò dây chuyền cung cấp thực ra không mới, nhưng cái hay ở đây chính là việc sử dụng công nghệ blockchain.
Khi một con cá được vớt lên, nó sẽ được mắc thẻ RFID ngay trên tàu. Sau đó, thiết bị trên tàu, trên cảng và ở nhà máy xử lý cá sẽ lập tức upload thông tin lên blockchain.
Khi mà cá được xử lý xong, thẻ RFID sẽ được chuyển qua thẻ QR, được dán trên bao bì
Hiện tại, việc chuyển từ loại mã này qua loại mã kia không quá khó khăn, nếu là đối với việc đánh bắt và nhập khẩu nguyên con - tức là cả thân mình, trừ đầu, vây và ruột cá.
Tuy nhiên, nếu con cá này bị cắt ra thành khúc hay thành miếng vuông thì việc định vị sẽ khó khăn hơn hẳn. Nhưng dù sao thẻ QR trên bao bì vẫn có thể sử dụng để dò lại nguồn đánh bắt.
Thực ra sử dụng RFID suốt cả quá trình thì cũng được thôi, nhưng giá cả của việc sử dụng RFID sẽ cao hơn. Việc này sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ hơn sau này trong việc tham gia dự án. Thế nên, sử dụng QR vẫn là lựa chọn đúng đắn.
Ngoài ra, trong tương lai sẽ có các thiết bị thu phát tầm gần (NFC) để định vị cá đến tận tay người tiêu dùng.
Blockchain đem lại sự minh bạch cho nền kinh tế
Tuy rằng việc sử dụng công nghệ blockchain ở khu vực Thái Bình Dương này là lần đầu tiên, công nghệ này thực chất đã được áp dụng ở rất nhiều lĩnh vực khác ở những khu vực còn lại của thế giới.
Một công ty tên là Provenence hiện đã và đang dùng blockchain để định vị hàng hóa từ các trại cá Indonesia đến khách hàng ở Anh.
Provenence còn lập ra hệ thống định vị blockchain cho những thể loại mặt hàng khác, như sợi bông, quần áo, cà phê và các sản phẩm nuôi trồng từ các trang trại.
Tiềm năng của blockchain không phải chỉ nằm ở dịch vụ mua và bán không thôi. Gần đây, Kodak đã cho ra đời một đồng tiền ảo cho phép các nhiếp ảnh gia dò và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Có thể nói, Blockchain sẽ thay đổi bộ mặt kinh doanh của rất nhiều lĩnh vực. Công nghệ này sẽ cho người dùng nhiều thông tin hơn để họ chọn lựa mua hàng, và cho phép họ từ chối việc ủng hộ những nhãn hàng mà họ cho là thi hành giao dịch và sản xuất thiếu đúng đắn hay trái phép.
Nguồn: ABC