Tuyển thủ bơi lội người Australia Jessica Smith vốn không có thiện cảm với tay giả kể từ sau một tai nạn khi còn nhỏ. Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc của công nghệ robot mô phỏng sinh học đã khiến cô thực sự bị thuyết phục.
Smith sinh ra đã không có bàn tay trái. Bố mẹ cô được khuyên lắp tay giả cho con để hỗ trợ cho quá trình phát triển, song lúc nhỏ, thiết bị đã khiến cô vô tình làm rơi ấm nước đang sôi và bị bỏng 15% cơ thể. Tai nạn này đã để lại cú sốc tâm lý cho Smith.
Công ty Covvi có trụ sở tại Leeds, Anh đề nghị cô thử bàn tay Nexus. Bàn tay mô phỏng sinh học này có thể chuyển xung lực điện từ bắp tay thành cử động với sự hỗ trợ của động cơ trong tay giả, qua đó cho phép người dùng cầm cốc, mở cửa hay nhặt quả trứng. Sau thời gian trải nghiệm, Smith khẳng định bàn tay giả đã giúp cô thực hiện những động tác mới.
Công nghệ không chỉ thay đổi cuộc sống của bản thân mà của cả 3 đứa con của Smith. Các bé đều tỏ ra thích thú với bàn tay mới của mẹ. Hình dáng của bàn tay cũng khiến tuyển thủ bơi lội từng tham gia Paralympic tại Athens năm 2004 tự hào về sự khác biệt và may mắn khi được tiếp cận công nghệ mới.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Covvi, anh Simon Pollard mong muốn có thể tích hợp kết nối bluetooth vào thiết bị để cho phép các chuyên gia của công ty cập nhật qua một ứng dụng. Giám đốc Pollard khẳng định việc công ty có thể điều chỉnh sản phẩm từ xa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng là một tính năng vô cùng mạnh mẽ và tiên phong trên thị trường.
Trong khi sản phẩm của các công ty đối thủ có thể được kiểm soát qua ứng dụng, tính năng nói chuyện với thiết bị đã giúp Nexus trở nên nổi bật. Để làm được điều này, công ty đối tác NetApp sẽ phụ trách thu thập dữ liệu ẩn danh của tất cả người dùng.
Covvi hiện đã ký thỏa thuận hợp tác với 27 nhà phân phối trên toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp tại Australia, Trung Quốc và Mỹ. Giám đốc Pollard đặt mục tiêu tăng sản lượng hàng tháng lên 100.