Công nghệ “hô mưa gọi gió” của Trung Quốc đáng lo ngại như thế nào?

Đăng Nguyễn |

Tháng trước, 16 quả rocket tạo mưa nhân tạo được phóng lên trời từ phía sau một chiếc xe tải nhỏ, cách Bắc Kinh khoảng 482km về phía nam. Cơ quan khí tượng huyện Juye phóng rocket để ứng phó với hạn hán và kết quả được cho là thành công.

Trong vòng 24 giờ, huyện Juye ghi nhận lượng mưa hơn 50mm, giúp giảm hạn hán, giảm nguy cơ cháy rừng và cải thiện chất lượng không khí, theo Bloomberg.

Đây tưởng chừng như là câu chuyện viễn tưởng. Nhưng từ hàng thập kỷ qua, Trung Quốc đã ráo riết nghiên cứu công nghệ thay đổi thời tiết. Mục tiêu ban đầu rất khiêm tốn: Tạo mưa nhiều hơn ở những nơi khô cằn, hạn chế mưa đá tàn phá đồng ruộng và duy trì những ngày nắng phục vụ các sự kiện tầm cỡ quốc gia.

Nhưng những mục tiêu khiêm tốn đó đang thay đổi. Hồi đầu tháng này, Trung Quốc thông báo kế hoạch, mở rộng phạm vi “hô mưa gọi gió” lên tới 60% diện tích đất nước vào năm 2025, tương đương 5,5 triệu km2.

Công nghệ “hô mưa gọi gió” của Trung Quốc đáng lo ngại như thế nào? - Ảnh 1.

Trung Quốc ngày càng mở rộng tham vọng can thiệp vào thời tiết.

Các thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, nhưng có những mối lo ngại rằng công nghệ này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Con người đã mơ về khả năng “hô mưa gọi gió” từ hàng ngàn năm. Nhưng chỉ đến năm 1946, các nhà khoa học Mỹ mới nhận ra đá khô có thể tạo ra mưa khi tương tác với các đám mây trong một số điều kiện nhất định.

Đến năm 1953, mưa nhân tạo tác động tới khoảng 10% diện tích đất ở Mỹ. 12 năm sau, chính phủ Mỹ đã chi hàng triệu USD để nghiên cứu điều chỉnh thời tiết mỗi năm. 15 công ty đã tham gia gieo mưa ở 23 bang.

Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã vũ khí hóa công nghệ gây mưa, làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyển quân của đối phương, cản trở năng lực phòng không và các yếu tố khác.

Kết quả là năm 1978, công ước về cấm biến đổi môi trường phục vụ mục đích quân sự và thù địch ra đời, ngăn các quốc gia biến thời tiết thành “công cụ chiến tranh”.

Công nghệ “hô mưa gọi gió” của Trung Quốc đáng lo ngại như thế nào? - Ảnh 2.

Một trong những thiết bị sử dụng để gây mưa ở Trung Quốc.

Trung Quốc tham gia công ước vào năm 2005, nhưng nỗ lực “hô mưa gọi gió” thì chưa hề giảm. Trung Quốc là nước chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu và công nghệ “hô mưa gọi gió” được cho là giải pháp đối phó hữu hiệu.

Các thành công trong hàng chục năm trở lại đây đặt ra tham vọng to hớn hơn. Năm 2017, giới chức Trung Quốc tán thành với khoản ngân sách 175 triệu USD để làm thay đổi thời tiết ở 10% diện tích đất nước, tạo ra mưa nhiều hơn.

Một năm sau, Trung Quốc đặt mục tiêu gây mưa trên diện rộng ở cao nguyên Tây Tạng, với diện tích tương đương Alaska, bang lớn nhất nước Mỹ. Đến nay, dự án “hô mưa gọi gió” của Trung Quốc ngày càng được mở rộng, cả về quy mô và công nghệ.

Theo Bloomberg, chỉ cần những thay đổi thời tiết nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng đến các quốc gia láng giềng. Nhiều nước châu Á bày tỏ lo ngại dự án tham vọng của Trung Quốc có tác động tiêu cực đến gió mùa và mùa mưa, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Giống như những mâu thuẫn về nguồn nước, biến đổi thời tiết trong tương lai có thể là tâm điểm tranh cãi mới giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Trong kịch bản tồi tệ nhất, công nghệ này có thể được sử dụng làm vũ khí.

Ngày nay, công ước về cấm biến đổi môi trường chỉ cấm các hành động “thù địch”, không phải “hòa bình” như Trung Quốc đang theo đuổi.

Có một giải pháp khác là đưa vấn đề thay đổi thời tiết trở thành một phần trong các thảo luận về biến đổi khí hậu, vừa kết hợp nỗ lực chống biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo rằng một quốc gia sẽ không sử dụng công nghệ thay đổi thời tiết để làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở quốc gia khác.

Thuyết phục Trung Quốc và những nước khác chia sẻ công nghệ “hô mưa gọi gió” là điều không hề dễ dàng. Nhưng trừ khi thế giới giải quyết được vấn đề nhức nhối này, nhân loại có thể phải đối mặt với những thách thức ở phía trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại