Công nghệ đặc biệt giúp AP-NASA phát hiện luồng khí ô nhiễm khổng lồ: Mắt thường không nhận ra

Trang Ly |

Luồng khí không thể nhìn bằng mắt thường này là gì?

Tại Lưu vực Permi (một bể trầm tích lớn ở tây nam nước Mỹ, cụ thể nằm ở phía tây bang Texas và đông nam New Mexico), các nhà khoa học nhận thấy sự ô nhiễm khổng lồ nhưng điều đặc biệt là mắt thường không thể thấy được. Vậy làm sao để 'vạch mặt' nó?

PHÁT HIỆN 533 ĐỊA ĐIỂM SIÊU PHÁT THẢI KHÍ Ô NHIỄM

Sử dụng một quang phổ kế hồng ngoại chiếu trên Lưu vực Permi, các nhà khoa học đã kinh ngạc khi phát hiện những chùm khí mêtan (CH4) phát thải lên bầu khí quyển - mà họ sẽ không thể nhìn thấy bằng mắt thường nếu không sử dụng quang phổ thu nhận các bước sóng duy nhất trong ánh sáng báo hiệu sự có mặt của mêtan.

Thực chất, các nhà khoa học và nhà báo đang săn lùng khí mêtan phun ra từ trầm tích lớn ở tây nam nước Mỹ. Khí mêtan rò rỉ không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng một cuộc điều tra gần đây của hãng thông tấn Mỹ Associated Press (AP) - với sự trợ giúp của NASA và các nhà nghiên cứu khác - đã giúp phơi bày 'thủ phạm' khổng lồ, vô hình bấy lâu nay.

Điều ngạc nhiên hơn nữa, trong Lưu vực Permi - một khu vực sản xuất dầu và khí đốt chính trải khắp Texas và New Mexico - họ đã phát hiện ra hàng trăm địa điểm "siêu phát thải" phun ra khí mêtan.

Mêtan là thành phần chính của "khí tự nhiên" và thậm chí còn mạnh hơn carbon dioxide (CO2) khi giữ nhiệt trong khí quyển, làm tăng tốc độ nóng lên toàn cầu của Trái Đất.

Sử dụng một số công nghệ hiện đại AVIRIS, Carbon Mapper - nhóm các nhà nghiên cứu học thuật và phi lợi nhuận làm việc cùng với Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA - đã phát hiện ra 533 địa điểm siêu ô nhiễm đó.

Thiết bị AVIRIS của NASA được Carbon Mapper sử dụng không phải là máy ảnh. Nó là một máy quang phổ hồng ngoại trong không khí đo bước sóng trong ánh sáng để phát hiện và định lượng mêtan trong khí quyển.

Công nghệ đặc biệt giúp AP-NASA phát hiện luồng khí ô nhiễm khổng lồ: Mắt thường không nhận ra - Ảnh 1.

Hình ảnh trước và sau khi được thực hiện bằng quang phổ kế hồng ngoại cho thấy khí mêtan phát thải tại Lưu vực Permi. Ảnh: AP / David Goldman

Dữ liệu đó là điểm khởi đầu cho một số báo cáo, trong đó truy tìm các công ty chịu trách nhiệm cho việc phát thải ô nhiễm ra môi trường.

Vụ việc đó cho thấy một nhóm tương đối nhỏ các công ty đang xả ra một đống ô nhiễm mà không bị trừng phạt. Chỉ riêng 10 công ty đã sở hữu ít nhất 164 địa điểm siêu phát thải.

Ví dụ, một công ty con của West Texas Gas sở hữu một trạm nén khí đốt tự nhiên có tên Mako, đã bị phát hiện rò rỉ 870 kg khí mêtan mỗi giờ, tạo ra ô nhiễm khí hậu tương đương với việc đốt cháy 7 xe bồn chở đầy xăng mỗi ngày.

Nếu không có nghiên cứu và báo cáo đó, những phát thải khí mêtan đó có lẽ sẽ tiếp tục lọt qua các cơ quan quản lý.

Các nhà khoa học và nhà báo điều tra đã phát hiện lượng khí mêtan rò rỉ tại Mako nhiều hơn 12 lần so với những gì mà công ty điều hành địa điểm này đã báo cáo về hoạt động của mình trên toàn khu vực vào năm 2020.

Theo phân tích của Associated Press, ngành công nghiệp dầu khí ở Lưu vực Permi luôn báo cáo dưới mức hoặc không báo cáo hoàn toàn về lượng khí mêtan phát thải ra.

Associated Press phát hiện ra rằng hơn 140 địa điểm siêu phát thải đã thải ra quá nhiều khí mêtan đến mức những người vận hành của họ lẽ ra phải được yêu cầu báo cáo tình trạng ô nhiễm đó cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) - nhưng đại đa số các công ty đã không làm như vậy.

Điều đó cuối cùng có nghĩa là chương trình Báo cáo Khí nhà kính của EPA đang tính toán thấp mức độ ô nhiễm khí thải vào khí quyển, điều này có thể cản trở nỗ lực tìm hiểu mức độ nóng lên toàn cầu mà chúng ta đang đối mặt, cũng như những gì chúng ta cần làm để thích ứng và ngăn chặn biến đổi khí hậu thảm khốc hơn.

Vì vậy, một cuộc đua đang diễn ra giữa việc triển khai công nghệ mới có thể nắm bắt được những gì đang thực sự diễn ra tại tất cả các địa điểm dầu khí bị rò rỉ này tại Mỹ nói riêng và trên Trái Đất nói chung.

Trong tương lai, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ có được cái nhìn tốt hơn từ không gian.

Năm 2023, Carbon Mappers hy vọng sẽ phóng hai vệ tinh theo dõi khí mêtan. Đến năm 2025, kế hoạch là phóng một chùm vệ tinh lớn hơn có khả năng phát hiện 80% khí mêtan và CO2 toàn cầu.

Đó là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm xử lý lượng khí thải mêtan từ hoạt động của con người - nguyên nhân gây ra khoảng một phần ba sự nóng lên toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt ngày nay.

Một nỗ lực viễn thám tương tự, được gọi là MethaneSAT, đang được khởi động vào cuối năm 2022. Có nhiều nỗ lực cấp cơ sở hơn từ các tình nguyện viên trên mặt đất như sử dụng quang phổ kế gắn trên xe để tìm địa điểm phát thải khí mêtan vô hình tại Mỹ.

Tuần này, EPA cũng thông báo rằng họ có kế hoạch bay trực thăng khảo sát Lưu vực Permi với camera hồng ngoại để tìm những nơi phát thải khí mêtan chính.

Công nghệ đặc biệt giúp AP-NASA phát hiện luồng khí ô nhiễm khổng lồ: Mắt thường không nhận ra - Ảnh 2.

Công cụ của NASA đã phát hiện lượng khí mêtan phát thải khổng lồ lên bầu khí quyển từ hoạt động khai thác dầu khí trên khắp Permi - một vùng đất rộng 402km, mà 1 tỷ năm trước là đáy của một vùng biển nông. Ảnh: AP / David Goldman

"Hệ thống bay này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định cơ sở nào chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng khí thải này và do đó cần cắt giảm ở đâu là cấp thiết nhất," Earthea Nance, quản lý EPA khu vực cho biết trong một thông cáo báo chí.

Cơ quan này vẫn đang soạn thảo các quy tắc mới để hạn chế phát thải khí mêtan - một quy trình trước đây đã bị Chính quyền Trump trì hoãn.

Nhưng vào năm 2021, Mỹ đã trở thành một trong hơn 100 quốc gia ký kết Cam kết về khí mêtan toàn cầu nhằm cắt giảm 30% lượng khí thải mêtan trong thập kỷ này.

Những mục tiêu đó khiến việc xem xét vấn đề rò rỉ khí mêtan trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

MỐI ĐE DỌA TIỀM ẨN: RÒ RỈ KHÍ MÊTAN LÀM TĂNG TỐC ĐỘ NÓNG LÊN TOÀN CẦU

Bằng mắt thường, Trạm Mako bên ngoài ngã tư Lenorah, Tây Texas đầy bụi bặm trông không có gì nổi bật, tương tự như hàng chục ngàn hoạt động dầu khí rải rác khắp Lưu vực Permi giàu dầu mỏ.

Thứ không thể nhìn thấy qua hàng rào liên kết dây chuyền là luồng khí vô hình, chủ yếu là mêtan, cuồn cuộn từ các bể chứa màu trắng lấp lánh lên bầu trời xanh không một gợn mây.

Ngoài Trạm Mako, AP còn quan sát thấy một lượng lớn khí mêtan thoát ra từ các bồn chứa tại một trạm nén WTG ở mỏ dầu Sale Ranch cách đó khoảng 15 km. Carbon Mapper ước tính rằng lượng khí thải từ địa điểm đó trung bình khoảng 410 kg khí mêtan một giờ.

AP cũng phát hiện Targa Resources, một công ty lưu trữ, chế biến và phân phối khí đốt tự nhiên có trụ sở tại Houston, là nhà điều hành 30 địa điểm đang thải ra tổng cộng 3.000 kg khí mêtan mỗi giờ, với các luồng khí thoát ra từ các đường ống, giếng, bể chứa và trạm nén.

Khí mêtan do các công ty này thải ra sẽ phá vỡ khí hậu trong nhiều thập kỷ, góp phần gây ra nhiều đợt nắng nóng, bão, cháy rừng và lũ lụt trên khắp thế giới.

Hiện nay lượng khí mêtan trong không khí nhiều gấp gần 3 lần so với trước thời kỳ công nghiệp. Năm 2021 chứng kiến mức tăng đơn lẻ tồi tệ nhất trong lịch sử.

Sức mạnh làm nóng Trái Đất của mêtan mạnh hơn khoảng 83 lần trong 20 năm so với khí carbon dioxide (CO2) sinh ra từ ống xả ô tô và ống khói của nhà máy điện.

Công nghệ đặc biệt giúp AP-NASA phát hiện luồng khí ô nhiễm khổng lồ: Mắt thường không nhận ra - Ảnh 3.

Một lượng lớn khí mêtan đang phát thải vào bầu khí quyển từ các hoạt động khai thác dầu tại Lưu vực Permi. Ảnh: AP / David Goldman

Kassie Siegel, Giám đốc Viện Luật Khí hậu tại Trung tâm Đa dạng Sinh học Mỹ, cho biết: "Mêtan là một chất siêu ô nhiễm. Nếu carbon dioxide là nhiên liệu hóa thạch sưởi ấm hành tinh của chúng ta, thì khí mê-tan là một đèn khò".

Các nhà khoa học cảnh báo rằng chúng ta đang ở trong một thập kỷ quyết định đối với khí hậu Trái đất, với việc giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (chủ yếu gồm CO2, CH4…) cần thiết ngay lập tức để tránh những đợt hạn hán và siêu bão thảm khốc nhất cũng như ngăn chặn các thành phố ven biển bị nước biển dâng nhấn chìm.

Không đâu xa, mùa hè năm 2022 đang trên đà trở thành một trong những mùa nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử, với nhiều nơi trên Trái Đất chứng kiến mức nhiệt phá vỡ kỷ lục và hàng tỷ người đang phải vật lộn để chống chọi với những đợt nắng nóng kéo dài hàng tuần.

Nếu cứ điên cuồng tìm kiếm để có thêm khí đốt và dầu mỏ, chính con người sẽ khiến mình không còn cơ hội để sử dụng chúng!

Bài viết sử dụng nguồn: The Verge, Associated Press

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại