Theo thông tin được Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Vinasun công bố ngày 14/7, Vinasun đã chính thức được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thí điểm dùng ứng dụng công nghệ để hỗ trợ và quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng đối với loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Việc thí điểm chở khách theo hợp đồng của Vinasun được thực hiện ở 8 địa phương gồm TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, và Đồng Tháp. Mặc dù không phải gắn biển hiệu và số điện thoại trên xe như taxi nhưng các xe hoạt động dạng hợp đồng phải dán tem nhãn hiện V.CAR để nhận diện.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun, cho biết hiện nay xe V.CAR của Vinasun đang hoạt động ở một số tỉnh gồm có hai dòng xe Camry và Fortuner với số lượng 200 chiếc. Dù là dòng xe chất lượng cao nhưng giá cước được tính bằng với giá cước của taxi truyền thống.
Người dùng muốn gọi xe V.CAR thì phải tải phần mềm Vinasun App về smart phone và cài đặt. Khi gọi xe hành khách chỉ cần nhập điểm đi, điểm đến thì sẽ biết được số tiền phải trả, đồng thời mọi dữ liệu về chuyến đi sẽ được lưu lại.
Trong trường hợp hành khách không đặt qua phần mềm thì vẫn có thể gọi xe và yêu cầu xe V.CAR qua tổng đài gọi taxi hiện nay.
Ông Tạ Long Hỷ cho biết thêm, sau khi được Bộ GTVT cho phép thí điểm V.CAR, Vinasun dự kiến sẽ huy động thêm xe từ các hợp tác xã vận tải để tăng số xe V.CAR lên khoảng 500 - 700 xe. Còn số lượng xe taxi đang hoạt động hiện nay vẫn được giữ nguyên và phần mềm Vinasun App đều áp dụng để gọi cả taxi truyền thống và xe V.CAR.
Như vậy, với việc được thử nghiệm loại xe hợp đồng, Vinasun sẽ có cả hai loại xe là taxi truyền thống có biển hiệu và xe không gắn biển hiệu. Hiện nay, Bộ GTVT mới chỉ cấp phép cho Vinasun và Grab được hoạt động kinh doanh chở khách theo dạng hợp đồng đối với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Xét về yếu tố kinh doanh, việc Vinasun chuyển hướng sang dịch vụ xe không phù hiệu là phù hợp với tình hình thị trường đang khó khăn khi phải cạnh tranh quyết liệt với Grab và Uber.
Bằng chứng là tại đại hội cổ đông thường niên 2016, công ty chỉ đặt đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu kinh doanh là 4.325 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2015.
Khi đó trả lời cổ đông, lãnh đạo Vinasun cho biết hiện nay công ty chỉ có duy nhất một mô hình là kinh doanh xe, trong khi các đối thủ có nhiều phương thức kinh doanh khác nhau.
Do đó, Vinasun sẽ thực hiện tái cơ cấu toàn công ty, thay đổi để không bị trói lại. Vinasun chấp nhận cuộc chơi với Uber và Grab và sẽ nghiên cứu những phương thức kinh doanh khác nhau tùy thuộc vào mỗi địa bàn kinh doanh.
Tất nhiên mục tiêu chính của Vinasun khi ra mắt V.CAR là nhằm giành thị phần khách hàng đi xe bằng apps với Uber và Grab. Kế hoạch này có thể thành công nếu Vinasun tiếp tục tăng đầu tư thêm xe và kế hoạch hợp tác với các hợp tác xã vận tải thành hiện thực thì thị phần của V.CAR sẽ là không nhỏ.
Mức giá tương đương taxi truyền thống của V.CAR sẽ không là lực cản quá lớn vì những nghiên cứu về tiêu dùng gần đây cho thấy người Việt Nam không hề keo kiệt và sẵn sàng trả thêm chi phí để nhận được sự phục vụ ở chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, chính V.CAR sẽ là đối thủ cạnh tranh với các xe taxi truyền thống của Vinasun và các hãng khác. Tâm lý của đa số khách hàng đều muốn được đi trên những chiếc xe sang trọng hiện đại và không có lý do gì để họ chọn taxi khi giá cước là tương đương.
Liệu các tài xế Vinasun có đảm bảo được mức doanh thu quân là 2.090.000 đồng/xe/ca như kế hoạch năm 2016 khi một lượng khách hàng không nhỏ sẽ chuyển sang đi V.CAR trong thời gian tới?
Có thể thấy, việc ra mắt V.CAR có thể là bước đi hợp lý của lãnh đạo Vinasun nhằm đảm bảo mức doanh thu và sự phát triển trong tương lai cho toàn công ty nhưng cũng là chỉ dấu cho thấy ngày tàn của ngành taxi truyền thống sắp đến gần.