Thượng nghị sỹ bang Texas, Ted Cruz (ảnh: getty)
Trong một cập nhật trên Twitter, Thượng nghị sỹ bang Texas, Ted Cruz viết, việc quay trở lại thỏa thuận khí hậu là dấu hiệu cho thấy ông Biden quan tâm nhiều "đến lập trường của các công dân Paris hơn là việc làm của người dân Pittsburgh".
Ông Cruz đang nhắc lại một phát biểu của cựu Tổng thống Donald Trump khi công bố quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris vào năm 2017. "Tôi được bầu làm tổng thống để đại diện người dân Pittsburgh, chứ không phải là Paris", ông Trump nói vào thời điểm đó. Động thái này được cho là nằm trong một chiến lược rộng hơn của chính quyền Trump là nới lỏng các hạn chế đối với các nhà sản xuất dầu mỏ, khí đốt và than nội địa. Hiện Mỹ là quốc gia có lượng khí thải nhà kính lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Bình luận của ông Cruz gặp phải nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng. Người dùng Internet chỉ ra hai vấn đề.
Thứ nhất, Hiệp định Paris không phải là về bảo vệ người dân Paris. Đó là một thỏa thuận quốc tế được nhiều nước kí kết tại một hội nghị diễn ra tại thủ đô nước Pháp.
Nghị sỹ Alexandria Ocasio-Cortez đáp trả ông Cruz trong một tweet khác: "Hỏi nhanh: ông có tin rằng Công ước Geneva là về lập trường của những người dân Geneva?". Còn nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg "mỉa mai" : "Thật tuyệt vì cuối cùng Mỹ cũng tái quay lại Hiệp định Pittsburg".
Thứ hai, trong tháng này, bản thân ông Cruz từng tỏ ra không quan tâm đến lợi ích của người dân Pittsburg khi tham gia vào những nỗ lực từ chối công nhận kết quả bầu cử tại bang Pennsylvania.
Ra đời năm 2015, Hiệp định Paris hướng tới mục tiêu giữ cho mức độ gia tăng nhiệt độ Trái đất ở dưới 2 độ C. Quyết định của ông Biden đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định là sự khởi đầu cho một loạt "đảo ngược" chính sách đưa Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo trên chính trường quốc tế. Ngay sau khi tân Tổng thống ký chỉ thị liên quan tới Hiệp định Paris vào ngày 20/1, một nhóm các Thượng nghị sỹ Cộng hòa đã kêu gọi ông đưa ra kế hoạch cụ thể để các nhà lập pháp "xem xét và cân nhắc".
Động thái trên phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong giới chính trị Mỹ đối với chính sách khí hậu và nó có thể ảnh hưởng tới kế hoạch khí hậu trị giá tới 2 nghìn tỷ USD của ông Biden.