Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi được thảo luận tại phiên họp của UB Tư pháp hôm nay có nhiều nội dung liên quan đến việc công khai bản kê khai để khắc phục bệnh hình thức.
Cụ thể, dự thảo quy định theo hướng, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Đáng chú ý, bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm.
Để đảm bảo việc kê khai được chính xác, trung thực, kiểm soát có hiệu quả hơn tài sản, thu nhập của người kê khai, dự thảo mở rộng căn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định hiện hành.
Theo đó, các trường hợp phải xác minh tài sản, thu nhập gồm: khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực, không minh bạch hoặc khi có dấu hiệu tăng, giảm bất thường về tài sản, thu nhập, chi tiêu mà không giải trình hợp lý; khi có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập.
Dự luật lần này cũng quy định việc xác minh bắt buộc đối với những người dự kiến bầu, bổ nhiệm, phân công giữ chức vụ và hưởng phụ cấp trách nhiệm từ 0,9 trở lên và các vị trí khác (do Chính phủ quy định).
Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi có nhiều nội dung khắc phục bệnh hình thức trong việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Trong ảnh là bảng công khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo huyện Kim Thành, Hải Dương. Ảnh: Thu Hằng |
Vợ, chồng, con quan chức cũng phải kê khai tài sản
Một điểm mới đáng chú ý nữa là dự luật lần này tuy giữ nguyên quy định hiện hành về nghĩa vụ kê khai nhưng có điều chỉnh rõ ràng hơn.
Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.
Dự luật cũng dành một chương riêng hướng tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác.
Cụ thể, khoản 1, điều 40 dự thảo quy định: “Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và người có nghĩa vụ kê khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng được thực hiện theo quy định của Đảng”.
Bên cạnh đó, dự thảo đã bổ sung quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm: Thanh tra Chính phủ; VPQH, VP Chủ tịch nước và cơ quan TƯ của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước.
TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước; thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, đơn vị phụ trách công tác tổ chức - cán bộ tại nơi không có cơ quan thanh tra; thanh tra tỉnh cũng có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập.
Về đối tượng kê khai, dự luật điều chỉnh theo tinh thần nghị quyết TƯ 3 (khóa 10) đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại…
Cùng với đó là bỏ quy định về kê khai hàng năm và thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung.
Kê khai lần đầu được thực hiện với tất cả người có nghĩa vụ kê khai ngay sau khi luật sửa đổi có hiệu lực.
Kê khai bổ sung đối với người đã kê khai lần đầu được dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; khi có biến động về tài sản hoặc thu nhập có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.