Quang cảnh bên ngoài sân bay Makhachkala. Ảnh: Tass
Kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát, đã có một loạt các vụ việc phản đối người Do Thái ở những khu vực đa số người Hồi giáo sinh sống thuộc miền Nam nước Nga.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào tối 29/10, khi hàng trăm người biểu tình phản đối Do Thái tấn công sân bay quốc tế Makhachkala, thủ phủ của Cộng hòa Dagestan.
Cuộc tụ tập trái phép được thúc đẩy bởi những tin đồn trên mạng về một chuyến bay, được cho là đến từ Tel Aviv (Israel) và chở “những người tị nạn Do Thái” chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Trung Đông.
Đám đông xô xát với lực lượng an ninh sân bay, tràn vào các nhà ga, chiếm đường băng và chặn các chuyến bay mới hạ cánh để tìm kiếm hành khách Israel.
Người biểu tình tràn vào sân bay Makhachkala. Ảnh: Reuters
Phản ứng của chính quyền
Tình trạng bất ổn tại sân bay đã khiến cảnh sát địa phương phải phản ứng mạnh mẽ. Lực lượng chống bạo động đã tiến vào sân bay, bắt giữ nhiều người biểu tình.
Theo cơ quan y tế địa phương, khoảng 20 người, trong đó có ít nhất sáu cảnh sát, đã bị thương trong các cuộc đụng độ. 10 người hiện đang phải nằm viện, với hai người trong tình trạng nguy kịch.
Văn phòng địa phương của Bộ Nội vụ Nga cho biết một cuộc điều tra hình sự về việc tổ chức bạo loạn đã được triển khai.
Những người bị kết tội sẽ phải chịu những hình phạt nặng nề, thậm chí phải ngồi tù lên tới 15 năm. Ngoài ra, những cá nhân đưa ra lời nhận xét công khai mang tính thù hận về chủng tộc và tôn giáo cũng có thể phải đối mặt với các cuộc điều tra hình sự.
Lực lượng chống bạo động tại sân bay. Ảnh: RT
Những người biểu tình bị bắt giữ. Ảnh: RT
Một ngày trước cuộc bạo loạn ở sân bay Makhachkala, một nhóm người biểu tình đã lục soát khách sạn ở thành phố Khasavyurt (Cộng hoà Dagestan) để tìm “những người tị nạn Do Thái” bị đồn là đang sống ở đó. Đám đông không tìm thấy gì và vụ việc được giải quyết một cách hòa bình.
Một trung tâm văn hóa Do Thái đang được xây dựng ở thành phố Nalchik, thủ phủ Cộng hòa Kabardino-Balkaria của Nga, cũng đã bị những kẻ tấn công không rõ danh tính nhắm tới. Họ phóng hoả đốt tòa nhà và gắn lên tường những bức vẽ phản đối Do Thái.
Nguyên nhân bạo loạn
Những tin đồn gây ra tình trạng bất ổn ở Dagestan dường như bắt nguồn từ kênh Telegram “Utro Dagestan” (Dagestan buổi sáng). Mặc dù tự nhận là một cơ quan truyền thông địa phương, kênh này đã bị cả quan chức Nga và cộng đồng hacker Killnet cáo buộc là một dự án từ Ukraine, được xây dựng để khuấy động tình trạng bất ổn ở Nga.
Kênh này bắt đầu phát triển nhanh chóng ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, nhận được nguồn tài trợ dồi dào và trở thành nguồn tài nguyên chính trong mạng lưới các kênh trực tuyến phản đối Nga.
Cựu nghị sĩ Duma Quốc gia Nga - Ilya Ponomarev, người đã định cư ở Kiev vào năm 2016 và được cấp quốc tịch Ukraine, đã công khai thừa nhận chỉ vài tháng trước rằng kênh “Utro Dagestan” là một trong những nguồn lực “của họ”. Ông tự mô tả mình là “nhà đầu tư” cho kênh này.
Tuy nhiên, nhóm của Ponomarev đã phủ nhận tin đồn, cho rằng cựu nghị sĩ không liên lạc với “Utro Dagestan” trong hơn một năm.