Công chức “ngao du” bằng tiền ngân sách cũng là một dạng tham nhũng

Nho Trung |

Nhiều người biến việc đi nước ngoài như một công cụ để ban phát phúc lợi, ơn huệ, xây dựng quan hệ, tạo ra sự tốn kém cho đất nước.

Đi nước ngoài để thi hành công vụ, học tập kinh nghiệm là điều cần thiết, thế nhưng dư luận lại hoài nghi về bản chất của những chuyến đi đó.

Có hay không tình trạng cán bộ lợi dụng những chuyến công du để đi du lịch bằng tiền ngân sách? Phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế, Phó ban tuyên truyền lý luận – Báo Nhân dân về vấn đề này.

Đi nước ngoài như một dạng phúc lợi

PV: Với góc nhìn là chuyên gia kinh tế, ông nhận xét thế nào về số lượng cũng như hiệu quả của những chuyến cán bộ đi nghiên cứu khảo sát và học tập ở nước ngoài thời gian qua?

TS Nguyễn Minh Phong: Việc đi nước ngoài và cán bộ Nhà nước đi nước ngoài là việc bình thường, nằm trong lộ trình, nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước cần thiết để thực hiện các giao tiếp, các kỳ họp cũng như thương lượng trong hoạt động quốc tế, chưa kể hoạt động đào tạo cán bộ cũng cần thiết phải đi nước ngoài.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, đặc biệt là những con số thống kê vừa qua cho thấy dường như có cái gì đó đột biến, bất thường, do đó tạo nên những nghi ngại về hiệu quả.

Đó là cấp vĩ mô, còn nhìn ở một số cơ quan, trong quá trình đó, chắc chắn có sự “thêm vào”, “tranh thủ” cũng như nhân danh đi nước ngoài để có những mục tiêu ngoài nhiệm vụ.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, hiệu quả đi nước ngoài khá rõ.

Ví dụ, gần đây nhất ở Hà Nội, khi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho một số cán bộ đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm về cây xanh thì rõ ràng cây xanh ở Hà Nội đẹp hơn hẳn.

Hay những trường hợp đào tạo nghiên cứu sinh, hợp tác khoa học, đặc biệt là hội nghị quốc tế và kết quả của những cuộc đàm phán các Hiệp định cũng rất tốt.

Nhưng đi nước ngoài để khảo sát tình hình, đi giao lưu theo kiểu ngắn hạn thì tôi cho rằng hiệu quả không cao lắm.

PV: Theo ông, người dân ngờ vực về những chuyến công du của cán bộ như vậy có cơ sở không?

TS Nguyễn Minh Phong: Những nhận xét của người dân mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nhưng tôi cho rằng có cơ sở. Việc đi nước ngoài được cho phép, quy định trong một số Chỉ thị, thông tư: Theo đó, muốn đi nước ngoài thì đơn vị phải lập dự toán ngân sách, được duyệt, sau đó cử người đi, khi về viết báo cáo.

Có quyết định đi công tác và giấy tờ đưa về hợp lệ về việc đi nước ngoài.

Trong quá trình làm lãnh đạo, để bố trí người đi nước ngoài có ít nhiều tâm lý coi đi nước ngoài như một phúc lợi của người lao động, đặc biệt là người sắp đến tuổi nghỉ hưu.

Nên thường những người sắp nghỉ hưu hay được bố trí đi kèm với những đoàn, nhân danh những chuyến công tác ngắn hạn 5-7 ngày, thậm chí thành lập một đoàn riêng dưới mục tiêu giao lưu, giao tiếp với đơn vị đối tác nhưng thực chất là đi du lịch, coi như một sự đãi ngộ.

Mục tiêu chuyến đi nhiều khi không nằm trong chức trách, nhiệm vụ, đúng đối tượng như trong Chỉ thị 102, và như đã nói là cài cắm, thêm bớt những đối tượng như một dạng phúc lợi, hoặc là mối quan hệ nên tạo ra việc cử người đi nhưng không đúng đối tượng, gây tổn phí về ngân sách.

Rất tốt là gần đây Chính phủ đã có Chỉ thị rất nghiêm, nhóm đi kiểu này gần như đã được loại bỏ.

Tinh giản biên chế: Phải điểm mặt được cán bộ “cắp ô đi, cắp ô về” VOV.VN-Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, người đứng đầu nhận thấy cán bộ nào năng lực yếu kém, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, nhưng khó điểm mặt, chỉ tên để tinh giản.

PV: Dư luận cho rằng, gốc của vấn đề nằm ở kẽ hở của pháp luật. Nếu quy định rõ ràng thì không có tình trạng cán bộ lách luật, lấy danh nghĩa đi công tác, học tập nhưng lại đi du lịch bằng tiền ngân sách? Ý kiến của ông như thế nào về nhận định này?

TS Nguyễn Minh Phong: Hiện nay chúng ta không quy định thật rõ đối tượng nào được đi nước ngoài và đối tượng nào thì không. Chỉ quy định đi nước ngoài phải đúng nhiệm vụ, đúng đối tượng trong cuộc.

Vì thế, hiện nay các đơn vị quản lý việc đi nước ngoài vẫn căn cứ vào 4 tiêu chí để lập dự toán ngân sách, nếu được duyệt rồi thì họ tìm cách “lấp đầy” các cách để đi.

Các đối tượng đi nhiều khi với tư cách khác, tạo ra một “cái áo” mới phù hợp với tính chất người được đi. Mục tiêu cũng được ghi như vậy, cuối cùng khi về viết báo cáo chỉ viết phiên phiến.

Tóm lại, về mặt hình thức vẫn tuân theo pháp luật, nhưng thực chất thì chỉ người trong cuộc mới biết. Rõ ràng không đạt được mục tiêu trong khi đó thiệt hại ngân sách là có thật.

“Du hí” bằng tiền ngân sách cũng là một dạng tham nhũng

PV: Một đại biểu Quốc hội nhấn mạnh rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương không sát sao, thậm chí tạo điều kiện cho cán bộ đi công tác nước ngoài như một chính sách đãi ngộ hoặc là phúc lợi xã hội.

Ở góc nhìn khác đó cũng là biểu hiện của vấn đề tham nhũng. Ý kiến của ông như thế nào?

TS Nguyễn Minh Phong: Vị đại biểu đã có nhận xét rất thẳng thắn. Người đứng đầu cử cán bộ đi nước ngoài, nhất là đối tượng không phù hợp thì trong nhận thức của họ coi đó như một dạng phúc lợi “mềm” mà người lao động được hưởng.

Và nhiều khi cấp ủy cũng coi đó như một mặc định ngầm. Khi cử người này, người khác đi thì thủ trưởng cũng coi đó như một dạng ban ơn.

Đặc biệt, trong thực tiễn cũng có trường hợp thủ trưởng đơn vị dùng tiền ngân sách để mời cán bộ của đơn vị khác (đơn vị Nhà nước) ghép đoàn, coi đó như một dạng quan hệ, biến việc đi nước ngoài như một công cụ để ban phát phúc lợi, ơn huệ, xây dựng quan hệ, tạo ra sự tốn kém về tiền, nhất là ngoại tệ của đất nước.

Nếu hiểu theo Luật phòng chống tham nhũng mới thì anh lợi dụng vị trí của mình để trục lợi cá nhân thì đây đúng là một dạng tham nhũng.

Đây là hiện tượng cần nhận diện, cần kiên quyết hơn nữa, đặc biệt quy trách nhiệm người đứng đầu để giảm thiểu tình trạng này.

PV: Tình trạng cán bộ đi du lịch nước ngoài bằng tiền ngân sách còn có góc nhìn đây là một dạng của lợi ích nhóm, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Lợi ích nhóm theo nghĩa tham nhũng lớn thì chưa phải mức độ như vậy, nhưng rõ ràng là “của người phúc ta”, coi tiền ngân sách như tiền chùa và biến nó thành công cụ để xây dựng quan hệ để thể hiện vị thế, quyền lực của mình.

Có thể quy người sử dụng ngân sách làm việc này vào 2 lỗi: thiếu trách nhiệm gây thất thoát tài sản công; tham nhũng chính sách.

Mặc dù không phải tham nhũng cho mình nhưng khi anh đã biến nó thành công cụ để mang lại uy tín cũng như mối quan hệ cho mình, cho người thân thì đó cũng là một dạng tham nhũng.

Hiểu theo nghĩa tham nhũng tức là anh lợi dụng vị trí của mình để trục lợi cá nhân.

PV: Theo ông, việc công cán nước ngoài nên như thế nào để hợp lý và hiệu quả?

TS Nguyễn Minh Phong: Xét về mặt văn bản, chúng ta cũng đã có khá đầy đủ.

Nhưng cũng nên phân biệt giữa phúc lợi giữa người được hưởng (người chuẩn bị về hưu) với chế độ công tác nước ngoài, để cấm đưa vào đây như một dạng tranh thủ; ghi rõ hành vi nào được phép và không được phép, đặc biệt là chế tài cho những hành vi này, nhất là với người đứng đầu để sao cho người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt hành chính, kể cả tài chính.

Đồng thời, những người được hưởng lợi nhưng không đúng đối tượng có thể phải trả lại tiền hoặc đóng thêm tiền như một sự chia sẻ.

Cơ quan Nhà nước nên có sự đánh giá, kiểm toán chuyên đề, đặc biệt là kiểm toán hiệu quả và kiểm toán tuân thủ của những chuyến đi nước ngoài.

Có thể thông cảm với thủ trưởng khi bố trí cán bộ nào đó sắp về hưu đi nước ngoài, coi như một dạng phúc lợi để đền đáp.

Nhưng trong pháp lý phải phân biệt rõ, cán bộ đi nước ngoài vì nhiệm vụ thì phải hoàn toàn riêng biệt, còn những người sắp về hưu được hưởng chế độ phúc lợi nào đó thì nên có sự nghiên cứu bổ sung, một dạng nào đó như du lịch trong nước, hoặc du lịch góp vốn tránh tình trạng tù mù, gửi gắm vào trong chương trình.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại