Công an nhân dân thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong văn hóa ứng xử

Đại tá Nguyễn Huy Toàn |

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện các lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt là văn hóa ứng xử. Suy cho cùng, mọi sự kiện xảy ra trên đời này, ứng xử đúng thì thành công, ứng xử sai thì thất bại. Ứng xử lại thường xảy ra hàng ngày, hàng giờ với tất cả mọi người, với tất cả mọi sự việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 30 năm đi tìm con đường cứu nước (1911-1941), Người đã đi 29 nước của hầu hết các châu lục (châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ). 

Người đã hòa mình cùng những người lao động của các nước thuộc địa, cũng như công nhân của các nước tư bản phát triển, đã làm nhiều nghề khác nhau cùng với nhiều cái tên khác nhau để sinh sống và hoạt động.

Khi xuống làm phụ bếp trên chiếc tàu buôn của Pháp, anh thanh niên Việt Nam 21 tuổi, chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng đã mang theo bản sắc của nền văn hóa Việt Nam, được hình thành qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đó là chủ nghĩa yêu nước và khí phách, lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, với suy nghĩ phải: "đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. 

Sau khi xem xét họ làm ăn thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta"(1).

Vào thời điểm đó, Người đã có hai ngoại ngữ là Pháp văn và Hán văn.

Hành trình của Người vô cùng rộng lớn, Người đã đến các nước thuộc địa ở cả châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ; các nước lớn như: Pháp, Anh, Nga, Mỹ và Trung Quốc. 

Thời đó có 9 nước thực dân thì chỉ còn Hà Lan và Nhật là Người chưa đến. Có nước Người trở lại nhiều lần như Singapore, Trung Quốc, Pháp, Đức…

Công an nhân dân thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong văn hóa ứng xử - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng dân tộc, nhà tư tưởng lớn, nhà văn hóa lớn của cả dân tộc và thời đại.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa lớn

Sau 12 năm vừa phải kiếm sống vừa hoạt động vô cùng sôi nổi và phong phú, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. 

Năm 1922, ngày 1 tháng 4, Báo Le Paria do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên và khẳng định rằng: "Báo Le Paria là vũ khí chiến đấu - Sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người"(2).

Trong những năm hoạt động ở Paris, Nguyễn Ái Quốc đã được các trí thức, các văn nghệ sĩ yêu mến và trở thành bạn của Người. Các văn hào Pháp: Jean Jacqueo Rousseau, Hangri Barbuassa; các danh họa nổi tiếng: Picatso, Vangoc; nhà điện ảnh Hà Lan Jorit Ivens; nhà thơ Hy Lạp Ludemit; nhà hài kịch pháp Saclơ, và một số người Trung Quốc như Lý Phú Xuân, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình,v.v…

Mang trong mình dòng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc là lòng yêu nước, thương dân. Nguyễn Ái Quốc đã biết tiếp thu ánh sáng văn hóa của các dân tộc với nhiều màu da khác nhau, nhiều phong tục, tập quán khác nhau, nhiều thị hiếu và thẩm mỹ khác nhau để làm giàu tri thức và văn hóa của mình.

Tháng 6 năm 1923, Người đến Liên Xô (cũ), với tư cách là đại biểu thuộc địa, để dự Đại hội lần thứ 5 Quốc tế Cộng sản. Gặp Người trong thời gian này, nhà thơ Liên Xô Ô-xip Man-đen-xtam đã thốt lên: "Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai"(1).

Lời tiên đoán thiên tài đó 67 năm sau đã trở thành hiện thực.

Năm 1990, tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết: "Ghi nhận năm 1990 sẽ được đánh dấu bằng lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn…

Xét thấy sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết nhau"(2).

Trong cuộc hội thảo quốc tế "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn" tại Hà Nội, tháng 3/1990, có hơn 1000 các chính khách, các nhà khoa học dự, trong đó có 70 đại biểu của 34 nước trên thế giới đến dự(3).

Tham luận của các đại biểu quốc tế, thuộc các dân tộc khác nhau, màu da khác nhau, tiếng nói khác nhau, phong tục tập quán khác nhau, quan điểm chính trị và học thuật cũng khác nhau. Nhưng các đại biểu đã có sự thống nhất trong việc đánh giá về con người, tư tưởng, đạo đức và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh - Người anh hùng dân tộc - Nhà văn hóa lớn.

Nói đến văn hóa là nói đến một nội dung rất rộng lớn, ông Tổng Giám đốc UNESCO từng viết: "Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của cá nhân và cộng đồng), trong quá khứ và trong hiện tại. 

Qua hàng thế kỷ, các hoạt động sáng tạo ấy đã cấu thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó, từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình"(1).

Ngay từ năm 1942, Bác Hồ đã có một định nghĩa về văn hóa rất dễ hiểu: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người phải sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương tiện sử dụng. 

Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra, nhằm thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn".

Người còn nêu lên 5 điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc.

1) Xây dựng tâm lý: Lý cách, tinh thần độc lập tự cường.

2) Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3) Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4) Xây dựng chính trị: Dân quyền.

5) Xây dựng kinh tế"(2).

Trong 5 điểm lớn về xây dựng nền văn hóa dân tộc, Bác Hồ đã để yêu cầu xây dựng Tâm lý và Luân lý lên trên hết, rồi mới đến các nội dung xã hội, chính trị, kinh tế. 

Bởi vì tâm lý và luân lý nó ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức và nội dung, đối nhân xử thế của con người, hay còn gọi là ứng xử của con người trước mọi hiện tượng của con người, của tự nhiên và xã hội.

Công an nhân dân thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong văn hóa ứng xử - Ảnh 2.

Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp.

Vài mẩu chuyện về văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1920, trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp. Với tư cách là đại biểu Đông Dương, cũng là người bản xứ duy nhất, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III.

Sau cuộc bỏ phiếu, bà Rose, thư ký đại hội hỏi Người:

- Tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế III?

Nguyễn Ái Quốc trả lời:

- Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều đã hiểu(1).

Năm 1946, Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, trở thành thượng khách của nước Pháp. 

Trước khi lên đường đi Pháp, ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 82 ủy nhiệm ông Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay Chủ tịch Chính phủ đi vắng.

Trước lúc lên máy bay, Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm tay cụ Huỳnh Thúc Kháng và nói: "Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. 

Mong Cụ "dĩ bất biến ứng vạn biến". (Lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi".

Đây được coi như phương pháp ứng xử của nhân dân ta trong suốt 30 năm chiến tranh cách mạng. Thời chông Pháp, "dĩ bất biến" là phải bảo vệ được độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc", trong kháng chiến chống Mỹ là "quân Mỹ phải rút hết, quân ta ở lại", còn ứng vạn biến là những sự nhân nhượng cần thiết để đạt được cái "dĩ bất biến".

Bác đã ở Pháp từ 31/5/1946 đến 18/9/1946. Khi thấy phái đoàn Chính phủ Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đàm phán tại Hội nghị Phông-ten-nơ blô không kết quả. Để kéo dài thêm thời gian hòa hoãn và thiện chí của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Bản Tạm ước 14-9.

Đây là sự ứng xử khôn khéo và tài tình trong sách lược ngoại giao của Người, để cho nhân dân Việt Nam có thêm thời gian, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến.

Ngày 18/10/1946, khi chiến hạm Đuy-mông Đuyêc-vin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh vào vịnh Cam Ranh. Trên hạm tàu Suffren, Đô đốc Đăc-giăng-li-ơ và tướng Mooclie đón chào Người. 

Sau nghi lễ, trong bữa tiệc chiêu đãi, trước các nhà báo, Đô đốc Đăc-giăng-li-ơ thấy xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là lính Pháp, quân hàm, quân hiệu chỉnh tề, hắn nói: "Ngài Chủ tịch đang được đóng khung bởi hải - lục - không quân Pháp". Câu nói có ý hăm dọa ngài Chủ tịch đang bị bao vây!

Bác của chúng ta đã ứng xử rất hay, Người nói: "Cái khung chỉ làm tăng giá trị và vẻ đẹp của bức ảnh" mà thôi.

Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình và 9 vị Thiếu tướng. Có một nhà báo phương Tây hỏi Bác Hồ rằng:

- Thưa Ngài Chủ tịch, tôi chưa thấy Việt Nam có một trường quân sự cao cấp nào, vậy Ngài Chủ tịch căn cứ vào đâu để phong nhiều Tướng vậy?

Bác Hồ cười rất đôn hậu và trả lời rằng: "Việt Nam chúng tôi đang đánh giặc theo kiểu du kích, nên cũng phong quân hàm theo lối du kích. 

Nghĩa là, ai đánh thắng Đại tá thì phong Đại tá; ai đánh thắng Thiếu tướng thì phong Thiếu tướng; ai đánh thắng Đại tướng thì phong Đại tướng, và có lẽ ông cũng đồng ý với tôi là phong như vậy vẫn còn là khiêm tốn phải không?

Người phóng viên phương Tây ấy hoàn toàn bị bất ngờ, vì vào thời điểm năm 1948, nước Pháp đã phải thay hai vị Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương do bại trận. Đó là các tướng Lơ-cờ-léc (Le Clerec) Va-luy (Valluy). Đây đều là các tướng 4 sao tài ba của nước Pháp.

Công an nhân dân thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong văn hóa ứng xử - Ảnh 3.

3. Công an nhân dân thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong văn hóa ứng xử

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện các lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt là văn hóa ứng xử. 

Suy cho cùng, mọi sự kiện xảy ra trên đời này, ứng xử đúng thì thành công, ứng xử sai thì thất bại. Ứng xử lại thường xảy ra hàng ngày, hàng giờ với tất cả mọi người, với tất cả mọi sự việc.

- Đối với quân đội, Người đã 4 lần nói quân đội ta "Trung với nước, hiếu với dân".

- Đối với Công an nhân dân: Sau cách mạng tháng Tám, Chính quyền lâm thời Việt Minh có chỉ thị thành lập lực lượng vũ trang bảo vệ an ninh trật tự.

Miền Bắc có Sở Liêm phóng;

Miền Trung có Sở Trinh sát;

Miền Nam có Quốc gia tự vệ cuộc.

Đến ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới ký sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các lực lượng này gọi là Công an, và thành lập Việt Nam Công an vụ để quản lý lực lượng công an nhân dân - Giám đốc đầu tiên là ông Lê Giản.

Tuy vậy, ngày 19/8/1945, được xác định là ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam; đồng thời lấy ngày 19/8 là ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến lực lượng này, vì lúc mới thành lập, ở nước ta lúc đó chính quyền cách mạng còn non trẻ, lại có 5 đội quân đế quốc đang ào ạt đổ vào (Anh, Ấn, Pháp, Tưởng và một lực lượng không nhỏ quân Nhật), theo sau chúng là đủ các loại tay sai, phản động muốn tiêu diệt chính quyền non trẻ của chúng ta (diệt cộng cầm Hồ).

Ngày 11/3/1918, trong bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai (Giám đốc Công an khu VII), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra lời dạy cán bộ, chiến sĩ Công an. Đây được xác định là 6 chữ vàng Bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Đối với tự mình, Phải cần kiệm liêm chính;

Đối với đồng sự, Phải thân ái giúp đỡ;

Đối với Chính phủ, Phải tuyệt đối trung thành;

- Đối với nhân dân, Phải kính trọng lễ phép;

Đối với công việc, Phải tận tụy;

Đối với địch, Phải cương quyết, khôn khéo.

Thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 6 chữ vàng trên đây đều là nội dung mà mỗi cán bộ, chiến sĩ phải ứng xử thế nào cho đúng trong các hoàn cảnh cụ thể, trong không gian và thời gian, trong cương vị và nhiệm vụ công tác của mình. 

72 năm qua, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ lớn:

- Nhiệm vụ An ninh nhân dân: Đã dựa chắc vào dân, phòng ngừa, phát hiện, làm thất bại mọi âm mưu hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa - tư tưởng. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên các địa bàn và lĩnh vực hoạt động.

- Nhiệm vụ Cảnh sát nhân dân: Đã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các loại tội phạm, đồng thời giáo dục cải huấn họ trở thành người lương thiện.

Chiến công của Công an nhân dân trong 70 năm chiến tranh cách mạng rất lớn, đã đóng góp thành quả cách mạng của nhân dân ta. Trong bài này, chỉ nói về khía cạnh thực hiện lời dạy thứ 6 và thứ 4 của Bác Hồ.

1) Đối với địch phải kiên quyết, khôn khéo.

Sau Tuyên ngôn Độc lập, phía Nam đội quân đế quốc tràn vào nước ta thì ngày 23-9 thực dân Pháp gây hấn. Phía Bắc, đội quân của Tưởng Giới Thạch đi đến đâu cũng cướp phá, giết hại đồng bào ta, bọn tướng lĩnh thì đòi ta phải cung cấp lương thực, thực phẩm cho chúng. 

Thực dân Pháp rải quân ra chiếm các vị trí chiến lược ở Hà Nội, Hải Phòng và Lạng Sơn, với âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Chính quyền non trẻ của chúng ta mới thành lập; nhân dân ta mới qua nạn đói chết gần 2 triệu người; Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ ta thì đi Pháp. 

Trước tình hình ấy, bọn phản động Quốc dân đảng hoạt động ráo riết, mặc dù ta đã phải nhân nhượng để cho họ 40 ghế đại biểu Quốc hội không qua bầu cử, và một số người được các chức tước trong Chính phủ. 

Nhưng âm mưu nhất quán của chúng là muốn lật đổ chính quyền non trẻ của Việt Minh (diệt Cộng cầm Hồ) qua một cuộc đảo chính.

Lực lượng Công an lúc đó được gọi là Nha Công an trung ương đã khôn khéo và kiên quyết phá vụ án:

- Khám xét trụ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng ở số 7 Ôn Như Hầu. Ở 80 Quán Thánh và 132 phố Durigneau (nay là phố Bùi Thị Xuân), ta thu được nhiều vũ khí, tài liệu, truyền đơn chống Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Bọn thực dân Pháp đã đem xe tăng đến 80 Quán Thánh can thiệp - nhưng ta đã khôn khéo lấy Hiệp định sơ bộ 6/3 ra đàm phán. Trưa ngày 12/7, quân Pháp buộc phải rút cả xe tăng khỏi phố Quán Thánh.

Đây là thắng lợi lớn đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân, đã phá tan âm mưu của một cuộc đảo chính của Việt Nam Quốc dân Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, bảo vệ nhân dân để chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam lại cương quyết và cực kỳ khôn khéo để chống lại tổ chức "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng miền Nam" do tên Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh chỉ huy.

Chiến dịch này cực kỳ khôn khéo ở chỗ: công an ta đã tổ chức đón lõng và bắt giữ một số tên của tổ chức này, thu được khối lượng lớn vũ khí và tiền giả của địch đưa vào Việt Nam theo đường biển tỉnh Cà Mau trong các năm 1981 đến 1984.

Sau đó, Công an Việt Nam đóng giả lực lượng biệt kích đã thâm nhập trót lọt trước đây (thực tế đã bị ta bắt) để liên lạc với Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh, nhằm ngăn chặn các âm mưu phá hoại an ninh quốc gia của tổ chức này.

Cuối cùng đối phương bị mắc lừa, đã tổ chức xâm nhập theo kế hoạch của ta, với 15 chuyến bằng đường biển, 30 lượt tàu vào biển Cà Mau. Ta bắt 126 gián điệp, thu hơn 132 tấn vũ khí và gần 300 triệu tiền giả. Một số tổ chức và đầu mối của địch cắm trong nội địa ta, cũng bị bộc lộ và bị bắt.

Công an nhân dân thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong văn hóa ứng xử - Ảnh 4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 CANDVT đạt nhiều thành tích trong công tác bảo vệ.

2) Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép.

Lời dạy thứ tư của Bác Hồ với Công an nhân dân là:

"Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép". Để thực hiện điều này, lãnh đạo Công an đã thể hiện các nội dung rất cụ thể khi quan hệ với nhân dân, trong 5 lời thề danh dự và 10 điều kỷ luật của Công an nhân dân.

- Trong 5 lời thề danh dự của Công an nhân dân, lời thề thứ ba là:

"Kính trọng, lễ phép với nhân dân, sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Trong 10 điều kỷ luật của Công an nhân dân.

Điều 5: Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện. Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người; Kính trọng người già, yêu mến trẻ em, tôn trọng phụ nữ, giúp đỡ người tàn tật. Không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân.

Lời thề thứ ba trong 5 lời thề và điều 5 trong 10 điều kỷ luật của Công an nhân dân trên đây, đã cụ thể hóa phong cách ứng xử của cán bộ, chiến sĩ công an khi tiếp xúc với nhân dân để thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép".

Trong những năm chiến tranh trước đây, bộ đội chủ yếu hoạt động ở các chiến trường, Công an là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ nhân dân, trong trật tự trị an và xây dựng hậu phương chiến tranh, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng quân thù.

Khi đất nước hòa bình, thống nhất, nhất là sau 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, nước Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày nay diện tích đất đai xếp thứ 61/189 quốc gia; với dân số 93 triệu người, xếp thứ 13/243 quốc gia và vùng lãnh thổ; vùng duyên hải ta có hơn 1 triệu km2, xếp thứ 33/154 quốc gia; chiều dài duyên hải 3.444km (trên thế giới có 47 quốc gia không có biển), và 35 quốc gia có chiều dài duyên hải dưới 100km). 

Diện tích rừng 123.000km2, xếp thứ 43/192 quốc gia; đất canh tác 35.000 km2, xếp thứ 32/236 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 5 trên thế giới trong 20 quốc gia trồng lúa gạo.

Dân số, đất đai, biển đảo, rừng, và những thành tựu về kinh tế, xã hội trong 30 năm qua khẳng định rằng Việt Nam không còn là nước nhỏ.

Về đối ngoại, ta có quan hệ ngoại giao với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; là đối tác chiến lược của các nước lớn: Nga, Trung Quốc, Anh, Nhật, Ấn Độ, là đối tác toàn diện của Mỹ, là thành viên Hội đồng bảo an không thường trực của Liên hiệp quốc, là quốc gia có vị thế quan trọng trong khối ASEAN.

Đảng bộ Công an nhân dân đã chủ động đề xuất với Đảng, chính phủ nhiều chủ trương, biện pháp có tầm chiến lược trên tất cả các mặt: Kinh tế - xã hội, An ninh quốc phòng, Ngoại giao, và Văn hóa tư tưởng. Có khả năng phân tích, đánh giá tình hình để có những dự báo mang tính chiến lược, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng và Nhà nước.

Trong hội nhập quốc tế, lực lượng Công an nhân dân đã rất chủ động và sáng tạo đổi mới các nội dung công tác, có nhiều biện pháp nghiệp vụ mới để có thể hoàn thành nhiệm vụ do thực tiễn đặt ra rất mới và rất đa dạng.

Sớm phát hiện và tổ chức đấu tranh có hiệu quả đối với các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, nhằm đập tan âm mưu "phi chính trị hóa" lực lượng Công an nhân dân.

Khi xảy ra những sự kiện cấp bách ở Tây Bắc, Tây Nam, Tây Nguyên và vùng công giáo, lực lượng Công an nhân dân đã xử lý có hiệu quả, không để xảy ra bạo loạn, giữ được tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm đời sống an bình cho nhân dân, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và với lực lượng Công an.

Tuy nhiên, trong hội nhập quốc tế có nhiều loại tội phạm mới - tội phạm ma túy xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, tội lừa đảo trên mạng, tội buôn người và bắt cóc, tội tham nhũng, buôn lậu, làm hàng giả, và hàng trăm loại tội phạm khác. 

Đối tượng phạm nhân cũng rất đa dạng, đủ các loại người của nhiều nước khác nhau phạm tội ở Việt Nam…

Chỉ tính riêng trong quý I/2017, Công an đã bắt 10.000 vụ tội phạm, với 23.000 đối tượng, 421 nhóm đối tượng. Riêng tội phạm ma túy có 5.700 vụ, 8.700 đối tượng; với số hê rô in tới 148 kg và 10.000 viên ma túy tổng hợp.

Rồi còn những nhiệm vụ mới như: an ninh mạng, an ninh phi truyền thống, và sự xuống cấp của các giá trị đạo đức, văn hóa, lối sống, cho nên nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân rất nhiều và rất nặng. 

Mới đây, trong bài phát biểu của Chủ tịch Trần Đại Quang đã khẳng định: Công an nhân dân phải luôn luôn giữ thế "Chủ động - Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả" mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Trong công tác đấu tranh với các đối tượng phạm tội, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đã phải hy sinh cả tính mạng, hy sinh một phần thân thể và sức khỏe, chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống tình cảm với vợ con, với gia đình, với quê hương.

- Ngày 13/3/1993, nhiều người dân ở xã Thạnh Phú, thị xã Hà Tĩnh đuổi bắt một tên lưu manh, khi bị đuổi bắt hắn đã cướp một cháu bé cháu bà Lương. 

Cuộc vây bắt khá lâu, cháu bé khóc rất nhiều. Anh em công an đã kiên trì kêu gọi tên lưu manh trả lại cháu, nộp vũ khí để được khoan hồng. Suốt hai tiếng đồng hồ, cháu bé đã quá mệt và sợ, không khóc được nữa, tên lưu manh thì lì lợm, hắn lăm lăm quả lựu đạn trên tay và nói:

- Tao là Phương Tuế Quảng Ninh, hai lần trốn trại rồi. Tao vừa giết người ở ngoài, đã bị kết án tử hình. Ai muốn chết cứ vào đây cùng chết với tao và đứa bé.

Phương án cuối cùng là phải chiến đấu để cứu cháu bé. Tên Phương Tuế bị bắt, cháu Nguyễn Thị Mai được cứu sống, nhưng hai đồng chí Trần Đức Kháng và Nguyễn Xuân Khanh đã anh dũng hy sinh, đồng chí Sử Văn Nhật, Lê Viết Hà, Hàn Văn Võ bị thương…

- Bùi Đức Chung là công an miền xuôi lên công tác Hà Giang đã hơn 20 năm, là Trưởng Công an huyện Mèo Vạc, được về dự Hội nghị điển hình tiên tiến "Công an thực hiện 6 điều Bác Hồ Dạy". Anh nhớ lời Bác Hồ: "Làm công an thì phải làm thế nào cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, có dựa vào dân thì Công an mới hoàn thành nhiệm vụ". 

Cái khó nhất của anh Chung là ngôn ngữ bất đồng, vì vậy anh đã quyết tâm học tiếng nói của các dân tộc, mỗi lần xuống bản anh cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, chia sẻ manh quần tấm áo, chăn màn và thực phẩm cho bà con nghèo, dần dà anh đã nói thạo tiếng Mông, tiếng Giáy, tiếng Xuồng, tiếng Lô Lô và hiểu thấu phong tục tập quán của các dân tộc, hiểu được hoàn cảnh sinh sống của từng bản làng trong huyện. 

Nhờ vậy, công tác vận động quần chúng của anh rất tốt. Các bản làng trong huyện đã xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ những hủ tục, con em được đến trường. Nhân dân phá bỏ hàng chục héc ta cây thuốc phiện để trồng cây lương thực. 

Các gia đình tình nguyện đưa người nhà đến các điểm cai nghiện ở xã và bỏ tập quán du canh, du cư. Định canh, để cải tiến kỹ thuật, nâng cao đời sống. 

Anh đã góp phần cùng chính quyền, các đoàn thể của huyện Mèo Vạc, xây dựng huyện thành điểm sáng để các làng bản trong tỉnh noi theo.

- Tại trại giam do Giám thị Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc chỉ huy, là trại giam nữ, nhiều người có con nhỏ được ở cùng mẹ. 

Trong quá trình giam giữ, đến ngày sinh, tất cả các phạm nhân này đều được y tá của trại đưa ra bệnh viện huyện Từ Liêm, Hà Nội để lo cho sinh nở được mẹ tròn con vuông. 

Phạm nhân Nguyễn Thị Thơm, án chung thân về tội buôn ma túy kể: Cháu nhà em khi sinh có 2,3kg, sau 3 tháng đã tăng lên 6,5kg, đó là nhờ công chăm sóc của các bác sĩ, y tá trong trại.

Mỗi năm, đến tết Trung thu, trại lại tổ chức cho các cháu cùng mẹ phá cỗ trông trăng. Phạm nhân Trần Thị Tuyết, tội buôn bán ma túy, mới mang thai 8 tháng, nhưng cũng được trại cho ra dự, chị rất cảm động và biết ơn cán bộ trại giam…

Hành động nhân đạo của cán bộ trại giam thường có sức thuyết phục để các phạm nhân cải tạo tốt.

Những năm gần đây, tội buôn bán ma túy tăng gấp nhiều lần các năm trước, tội phạm này thường dùng vũ khí nóng để chống trả lực lượng công an một cách liều lĩnh, đã gây ra nhiều thương vong cho cán bộ, chiến sĩ công an.

Đạo đức xã hội đang xuống cấp, do vậy các loại tội phạm phát triển, nhất là trong số trẻ vị thành niên, khiến cho lực lượng công an rất vất vả. Tuy nhiên, những suy thoái đạo đức, lối sống ngoài xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với lực lượng công an.

Điển hình là vụ án Năm Cam và đồng bọn, có 5 án tử hình, 4 án chung thân, 10 án tù khác. 

Điều đáng báo động là trong số án tù có 2 người nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; 1 người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an; 1 người nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam và đang là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nhà báo, Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận; 1 người là Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, và một số cán bộ nhân viên dưới quyền bị tha hóa, biến chất bởi sự mua chuộc của Năm Cam.

Mới đây, ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng công bố:"Trong 180 quán bia vỉa hè Hà Nội thì có đến 150 quán là có công an đứng sau".

Một số công an ở cấp phường (xã), công an giao thông cũng đã thể hiện những ứng xử hách dịch, cửa quyền, thậm chí đánh mắng người dân, điều này trái với lời dạy của Bác Hồ.

Tuy nhiên, nhìn chung lực lượng công an đã thực hiện tương đối tốt những lời dạy của Bác Hồ. Muốn giữ được lòng tin và yêu mến của nhân dân thì cán bộ, chiến sĩ cần thật thà nhận sai sót của mình.

Gần đây, Truyền hình ANTV đã có những chương trình bám sát cuộc sống, phục vụ nhân dân, hướng dẫn nhân dân cả trong làm ăn kinh tế, cả trong đời sống thường ngày và những kinh nghiệm, những bài học để giữ gìn an ninh, trật tự xã hội có hiệu quả. 

Những gương tốt của lực lượng công an cũng được nhân dân biết đến, yêu quý và trân trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại