Bị phát hiện từ những bao hàng chở đến rồi chở đi
Thiếu tá Phạm Thị Mỹ Liên – Đội trưởng Đội ĐTTP Kinh tế Công an quận Kiến An (Hải Phòng) - cho biết: Vào tháng 10.2017, trinh sát báo cáo tại khu ngõ Đại Tu (tổ dân phố Tiến Bộ, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An) có một căn phòng trọ luôn đóng kín cửa nhưng thỉnh thoảng lại có người chở những bao hàng đến rồi lại chở đi. Việc này được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Lô hàng đang được thu giữ tại kho tang vật Công an quận Kiến An - ảnh HH
Sau đó, trinh sát chụp được hình ảnh những lọ thuốc có nhãn hiệu Vinaca là sản phẩm của cơ sở sản xuất trên. Tìm hiểu sâu hơn, trinh sát cũng phát hiện tại Hải Phòng có 8 điểm rao bán những sản phẩm của Cty Vinaca.
Tuy nhiên, khi đến những nơi này, người bán yêu cầu phải nói rõ được ai giới thiệu, khi nói đúng người của nhóm, khách mới mua được hàng.
Khi đã tạo được niềm tin, người bán mang sản phẩm ra giới thiệu là thuốc chữa được ung thư và dạ dày..., cùng nhiều loại sản phẩm khác của Cty Vinaca như thuốc chống say xe, khử mùi hôi, dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng da, thuốc nhỏ mũi...
Sản xuất thuốc từ 2 phòng trọ hơn 10m2
Sau khi đã trinh sát và xin ý kiến lãnh đạo, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế của quận đã quyết định kiểm tra đột xuất hai cơ sở sản xuất tại địa điểm nói trên vào ngày 15.1.
Bà Đào Thị Chúc (26 tuổi) – chủ cơ sở sản xuất đã thuê hai phòng trọ trong ngõ Đại Tu phường Ngọc Sơn (cách nhau 500m), một phòng chuyên dùng làm nơi đóng gói tro vào viên nang thuốc hình con nhộng, phòng còn lại dùng để dán nhãn mác và đóng hộp rồi đưa đi tiêu thụ.
Khi lực lượng Công an quận Kiến An phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, ngành Y tế đột xuất kiểm tra hai cơ sở này, đã phát hiện tại đây 10 CN đang thực hiện việc cho tro vào các viên con nhộng và đóng gói, dán nhãn mác.
Thượng tá Vũ Văn Thắng – Phó Trưởng Công an Quận Kiến An - cho biết: Tại hiện trường, chúng tôi không thể ngờ cơ sở này lại nhếch nhác đến thế. Phòng rộng chỉ hơn 10m2, có gần chục người làm, mọi đồ vật và người làm đều nhem nhuốc do than bụi phủ lên.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Đào Thị Chúc cho biết, bà chỉ chỉ đạo công nhân đóng gói các viên nang thuốc và đóng gói các sản phẩm khác, còn nguồn nguyên liệu và tiêu thụ như thế nào là do chồng bà – ông Nguyễn Xuân Thu (GĐ Cty Vinaca) điều hành, bà không biết. Khi triệu tập ông Nguyễn Xuân Thu thì ông này không có mặt tại địa phương.
“Tại tất cả các địa điểm là trụ sở Cty, cơ sở sản xuất, nhà riêng, đối tượng Thu đều không có mặt, nên cơ quan công an chưa lấy được lời khai để điều tra làm rõ” – trung tá Phạm Thị Mỹ Liên cho biết.
Lực lượng công an quận Kiến An xác định, lô hàng tại hai cơ sở sản xuất do bà Đào Thị Chúc quản lý tại địa bàn quận là hàng hóa không xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không có giấy phép sản xuất và kinh doanh, nên đã chuyển hồ sơ sang cho Quản lý thị trường xử phạt hành chính.
Đóng cửa hàng loạt điểm bán hàng
Trung tá Phạm Thị Mỹ Liên cho biết: "Ngay sau khi công an kiểm tra đột xuất hai cơ sở sản xuất của Vinaca, các điểm bán hàng của Cty này tại Hải Phòng và Quảng Ninh đã đóng cửa, không bán các sản phẩm của Cty này nữa.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã thu được lượng lớn các sản phẩm của Vinaca. Hiện chúng tôi đang tiếp tục mở rộng xác minh các sản phẩm của Cty này ở những địa phương khác có rao bán để xác minh điều tra tiếp".
Ngay sau khi hai cơ sở sản xuất của Vinaca bị kiểm tra rồi đóng cửa vào tháng 1.2018, thì cơ sở sản xuất của Cty Hồng An Phong (thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng) – đơn vị được cấp chứng nhận 6 sản phẩm hóa mỹ phẩm (mà Cty Vinaca đang sản xuất), chỉ thực hiện việc đốt tre nứa lấy tro cung cấp cho Cty Vinaca - cũng đóng cửa.
Sau đó một thời gian, Cty này lại hoạt động trở lại và đã bị Sở Y tế Hải Phòng lập biên bản kiểm tra hôm 9.4.
Theo Công an quận Kiến An, Công an quận sẽ gửi mẫu xét nghiệm để xác định thành phần các sản phẩm của Vinaca, đồng thời mở rộng điều tra xác minh vụ việc để xử lý theo quy định.
Nguồn tin cũng cho biết, ngoài sản xuất thực phẩm chức năng có tên “Vinaca ung thư co3.2” cùng các loại hóa mỹ phẩm khác, Cty Vinaca còn giới thiệu là đơn vị nuôi lợn sạch, phát động các phong trào khởi nghiệp...
Trao đổi với PV Lao Động, bà B.T. Ch (SN 1962, trú tại phường Ngọc Sơn, quận Kiến An) cho biết: "Tôi về hưu, do lương hưu thấp nên khi được cô Chúc nói về làm CN đóng gói, tôi đã vào làm tại cơ sở. Công việc của tôi là đóng gói bột vào viên nang thuốc. Tôi không biết bột này được chế biến từ đâu, cũng không hỏi.
Mỗi ngày làm tôi được trả 120 ngàn đồng. Những người khác cũng tương tự như vậy. Có 10 CN làm thuê cho cơ sở sản xuất này chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi và trẻ vị thành niên ở xung quanh địa bàn quận Kiến An”.