Thông tin mới nhất vụ đấu giá mỏ cát tại Quảng Nam, Công an đã vào cuộc rà soát năng lực tài chính doanh nghiệp của đại gia trẻ sinh năm 2000 khi hô giá mỏ cát này lên 370 tỷ đồng.
Theo như Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam xác nhận, Cơ quan này đã vào cuộc điều tra và xác minh kết quả đấu giá quyền khai thác mỏ cát ĐB2B ở Điện Bàn, được CTCP MT Quảng Đà của Ông Nguyễn Sỹ Minh Tiến sinh năm 2000 đứng tên.
Điểm lại sự vụ, sáng ngày 19/10, theo thông tin của chính quyền địa phương, CTCP MT Quảng Đà tại Đà Nẵng đã trúng đấu giá điểm mỏ cát ĐB2B tại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn với giá hơn 370 tỷ, cao gấp 300 lần giá khởi điểm (giá khởi điểm của tổ chức đưa ra đấu giá là 1,2 tỷ đồng).
Việc điểm mỏ cát ĐB2B được đấu trúng với giá cao gấp 300 lần so với giá khởi điểm khiến nhiều người chú ý.
Theo thông tin mời đấu giá quyền khai thác cát tại điểm mỏ ĐB2B thì đây là mỏ cát xây dựng, có diện tích 6,04ha, trữ lượng theo kế hoạch phê duyệt là 159.000m3, giá khởi điểm R =5%, bước giá 0,8%. Trong khi đó, hiện nay trên thị trường tại Quảng Nam giá cát dao động chỉ vài trăm ngàn đồng/m3. Điều này làm cho nhiều người rất bất ngờ và tỏ ra choáng với kết quả trúng đấu giá điểm mỏ cát này, với kết quả này thì mỗi mét khối khối được khai thác bán ra thị trường sẽ đội lên tới vài triệu đồng.
Sau 200 vòng đấu kéo dài hơn một ngày, cho đến rạng sáng ngày 19/10 CTCP MT Quảng Đà đã trở thành đơn vị trúng đấu giá mỏ cát ĐB2B. Được biết, vị đại gia này là 2/6 doanh nghiệp liên tục bỏ giá cao trong vụ đấu giá mỏ cát ĐB2B tại tỉnh Quảng Nam.
CTCP MT Quảng Đà ra đời năm 2022, tại quận Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Sỹ Minh Tiến, được biết sinh năm 2000, quê ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn.
Vốn điều lệ của công ty là 100 tỷ đồng, trong đó ông Tiến nắm giữ 68% cổ phần, bà Võ Thị Hồng Nhung nắm 30%, và ông Lê Nguyễn Đồng Quân giữ 2% còn lại.
Doanh nghiệp đăng ký 41 mã ngành nghề kinh doanh, ngành chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Tháng 2/2023, Công ty đã thay đổi đăng ký kinh doanh và bổ sung thêm các ngành nghề không hoạt động tại trụ sở, bao gồm khai thác đá, cát, sỏi.
Đáng chú ý, 3 người nói trên còn đứng sau CTCP Nông Sơn Farm – cũng là 1 trong 6 doanh nghiệp đưa ra mức giá cao tại buổi đấu giá mỏ cát vừa rồi. Nông Sơn Farm được thành lập ngày 22/8/2022, có địa chỉ tại thôn Phước Hội, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, với ngành nghề chính là chăn nuôi lợn. Vốn điều lệ của Nông Sơn Farm là 150 tỷ đồng, trong đó bà Võ Thị Hồng Nhung giữ 59%, ông Nguyễn Sỹ Minh Tiến giữ 40,9%, và ông Lê Nguyễn Đồng Quân giữ 0,1%.
Ngay sau khi buổi đấu giá diễn ra, Công an tỉnh Quảng Nam nhận thấy có nhiều dấu hiệu không đảm bảo, nên yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến buổi đấu giá mỏ cát ĐB2B để điều tra. Cơ quan điều tra (CQĐT) cũng nêu rằng, nếu phát hiện có sai phạm trong vụ đấu giá, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đại tá Nguyễn Hà Lai chia sẻ: “Công an tỉnh sẽ rà soát xem năng lực tài chính của công ty trúng đấu giá mỏ cát ĐB2B với số tiền 370 tỷ đồng có đảm bảo không, và liệu việc trả giá như thế có hợp lý hay không. Việc này có thể ảnh hưởng đến quá trình tổ chức đấu giá và chi phí tổ chức. Ngoài ra, các công ty tham gia đấu giá đã bỏ tiền làm hồ sơ dự thầu nhưng vì lý do nào đó không trúng giá, cũng chịu thiệt hại và cần được xem xét”.