Trẻ con luôn hiếu động và tinh nghịch, đôi khi điều này sẽ khiến chúng gây rắc rối cho bản thân và ngay cả cho bố mẹ. Nhưng với những đứa trẻ, chúng luôn thật thà, dù vậy đôi khi chính bởi sự ngây ngô của con trẻ mà phụ huynh cũng không đặt niềm tin nơi con cái khiến chúng bị ảnh hưởng tâm lý ít nhiều. Cách xử trí của bà mẹ có con học lớp 1 dưới đây được mọi người khen ngợi hết lời vì sự khôn khéo và nhất là tránh để trẻ tổn thương.
Theo đó, 1 bà mẹ tại Trung Quốc có con học lớp 1 tên là Tiểu Minh. Trong một buổi học, không rõ vì lý do gì, cậu bạn đã làm gãy cây bút của bạn cùng lớp. Đương nhiên, với phản ứng thông thường, mẹ của đứa trẻ bị Tiểu Minh phá hư đồ dùng đã đến trường và đòi lại công bằng ngay cho con trai.
Phụ huynh Tiểu Minh đến trường theo yêu cầu của cô giáo với tâm trạng não nề nhưng suy đi nghĩ lại, chị dặn lòng sẽ phải tìm hiểu nguyên do trước. Tuy vậy, mới bước chân vào phòng họp, chị bị vị phụ huynh kia mắng nhiếc không thương tiếc và đòi bồi thường. Theo lời người này, cây bút là đồ hiệu đắt tiền, được người thân tặng cho cậu bé với giá xấp xỉ 1.500 tệ tức là khoảng trên 5 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Nhưng thay vì mất bình tĩnh hay nhận lỗi ngay, mẹ Tiểu Minh lại tỏ ra ôn tồn nói: "Hãy đợi một lát, trước tiên tôi cần hiểu chuyện gì đã xảy ra". Sau đó chị gọi con trai mình đến nói chuyện. Vẫn giữ thái độ nhã nhặn từ đầu buổi, chị giúp Tiểu Minh bớt sợ hãi để cậu bé kể lại câu chuyện đã xảy ra. Theo lời cậu bé, em đã bị bạn học bắt nạt thường xuyên với nhiều lý do rồi còn bị bạn đặt cả biệt danh cho mình.
Hôm nay, bạn học có cây bút mới đắt tiền liền đến khoe ngay với Tiểu Minh nhưng anh bạn tỏ ra không quan tâm. Vì muốn thu hút sự chú ý mà cậu bạn kia đã hất sách của Tiểu Minh xuống sàn, điều này làm bạn tức giận và giữa cả 2 xảy ra xích mích, tuy nhiên không may là trong lúc cự cãi, cây bút quý giá đã rơi xuống và gãy mất.
Ảnh minh họa
Mẹ Tiểu Minh nghe vậy liền thấy rằng lỗi không phải do con trai mình chủ động gây ra mà chỉ vô tình nên dàn xếp để sự việc được cho qua. Nhưng vị phụ huynh kia vẫn lớn tiếng và không chịu bỏ qua.
Thấy vậy, mẹ Tiểu Minh liền nói:"Tôi không biết tại sao chị lại muốn một đứa trẻ tiểu học cầm bút quá đắt tiền đi học, nhưng đây là quyền tự do của chị. Bây giờ cây bút bị hỏng, tôi tin rằng chị đã biết vì sao nó gãy, người bắt đầu trước là con của chị. Tôi nghĩ vì cả hai đều có lỗi cho nên chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm bồi thường một nửa, mong chị thông cảm".
Sau khi nghe chị này nói, cả giáo viên chủ nhiệm và người mẹ cảm thấy không còn gì tranh cãi và đưa ra thống nhất chung để giải quyết vấn đề. Sau khi về nhà, cậu bé không những không bị mẹ trách mắng mà còn được nhẹ nhàng khuyên bảo: "Con hãy nói với giáo viên nếu ai đó gây sự với mình!"
Không ít cha mẹ khi con gặp vấn đề hay bị phản ánh liền ngay lập tức chỉ trích, phàn nàn và cho rằng trách nhiệm hay lỗi là ở con mình. Điều này đôi khi sẽ trở thành gánh nặng tâm lý của trẻ khiến trẻ sợ hãi, ngại giao tiếp và ngại chia sẻ với bố mẹ hơn vì chúng nghĩ rằng dù có nói gì thì bố mẹ cũng không tin.
Lắng nghe con nhiều hơn sẽ giúp cha mẹ giải quyết vấn đề một cách khách quan nhất, vừa tránh để con bị oan ức lại giúp con sửa sai khi làm chưa đúng.