Nỗi đau người mẹ ung thư “oằn mình” kiếm tiền nuôi con trai mắc bệnh tâm thần

Trần Trang - Nông Trang |

Ngày con trai phát bệnh tâm thần, cuộc sống bà Tuyến bỗng đi vào bế tắc. Không chỉ đau lòng vì đứa con trai duy nhất, người mẹ già lần nữa “rơi vào vực thẳm” khi phát hiện bản thân bị ung thư.

"Sơn ơi! Dậy đi con! Có các cô đến thăm con này!", bà Tuyến khẽ khàng gọi tên người đàn ông nằm im dưới đất, thân cuốn chặt chăn chẳng chịu buông. Nét mặt người mẹ bỗng thoáng buồn khi không nhận được lấy một lời hồi đáp.

Là mẹ của anh Sơn, nhưng bà Tuyến cũng chẳng dám đụng vào người đàn ông này: "Tôi sợ làm phiền đến nó, nó lại lên cơn thì tội mọi người lắm…".

Đớn đau khi chứng kiến con phát bệnh

Mỗi khi nhắc tới nguồn cơn khiến con trai phát bệnh tâm thần, bà Nguyễn Thị Tuyến (SN 1952, trú tại thôn Trung, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vẫn bàng hoàng, không thể nào hiểu rõ.

Từ một cậu sinh viên năm 2 (Đại học Công nghiệp Hà Nội) khỏe mạnh, có ngoại hình ưa nhìn, anh Nguyễn Thanh Sơn (SN 1985) bất ngờ có những thay đổi tâm lý vào năm 2002. Điều này khiến bà Tuyến nhất thời không thể chấp nhận được sự thật trớ trêu.

Một mình nuôi con, bà Tuyến đã chịu nhiều vất vả và đắng cay. Rồi khi anh Sơn bỗng phát bệnh tâm thần, bà khóc cạn nước mắt. Mọi hy vọng về người con sẽ trở thành trụ cột, chỗ nương cậy khi về tuổi xế chiều cũng theo đó vụt tắt.

Nỗi đau người mẹ ung thư “oằn mình” kiếm tiền nuôi con trai mắc bệnh tâm thần- Ảnh 1.
Nỗi đau người mẹ ung thư “oằn mình” kiếm tiền nuôi con trai mắc bệnh tâm thần- Ảnh 2.

Người mẹ già 70 tuổi vất vả mưu sinh, kiếm tiền chăm con mắc bệnh tâm thần.

Không chỉ có ngoại hình sáng, anh Sơn từng được bạn bè, mọi người xung quanh nhận xét là hiền lành, ngoan ngoãn. Thương con trai, suốt nhiều năm tháng, bà Tuyến dốc sức dành tiền tiết kiệm, vay mượn để đưa con trai thăm khám, chữa trị tại nhiều bệnh viện ở Thái Bình và Hà Nội. Thế nhưng, mọi nỗ lực đều không đem lại hiệu quả khiến người mẹ ấy dần bất lực, chấp nhận hiện thực, gắng gượng gấp bội để nuôi dưỡng đứa con trai kém may mắn.

Tưởng chừng sóng gió đã dừng ở đây, sau 15 năm kể từ khi con trai mắc bệnh, bà Tuyến lại phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư dạ dày ở tuổi 65. Không thể oán trách số phận nghiệt ngã, người mẹ già chỉ có thể tự gắng mình, làm tròn trách nhiệm của một người mẹ.

Trừ những hôm ốm đau, bà Tuyến thường dậy từ 3 rưỡi sáng để dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cơm nước sẵn cho con, rồi mới bắt đầu đạp xe ra chợ. "Người ta ra chợ từ lúc 6h, mình đây có dậy sớm như thế cũng 7h mới đi được", bà cười tâm sự.

Những khi còn khỏe, bà Tuyến cố gắng đạp xe lên TP. Thái Bình để lấy hành, tỏi khô, dừa… về bán. Dẫu quãng đường cả đi lẫn về lên đến 25 km, bà vẫn luôn nỗ lực vì bữa cơm cho con. Ngày bán khá thì được 50.000 - 60.000 đồng, nhưng ngày ế ẩm, bà chỉ thu vỏn vẹn được 5.000 đồng.

Với nguồn thu nhập bấp bênh và ít ỏi, bà Tuyến phải bóp chặt chi tiêu của bản thân để tiết kiệm. Biết số tiền kiếm ra chẳng được bao nhiêu so với chi phí thuốc thang, sinh hoạt thường ngày, nên bà vô cùng trân trọng những sự giúp đỡ của hàng xóm, anh em, các mạnh thường quân và cả những người bạn ngày trước của anh Sơn.

Nỗi đau người mẹ ung thư “oằn mình” kiếm tiền nuôi con trai mắc bệnh tâm thần- Ảnh 3.

Bà Tuyến chưa bao giờ để con trai phải sống tằn tiện, khổ cực cùng. Anh Sơn thích ăn gì, bà Tuyến luôn sẵn sàng chiều lòng và mua cho. Nhìn con, bà lại xót xa: "Đợt trước nó còn béo lắm. Giờ gầy rồi, vì ăn ít… Cố gắng nuôi nấng nó, nó bị bệnh thì cũng phải dốc sức chữa trị. Mình cứ cố gắng nuôi nó cho tử tế".

"Mẹ mà đi trước thì con phải làm sao?"

Bản thân lam lũ, chật vật với cuộc sống gần một đời người, nhưng bà Tuyến chưa từng chùn bước, lo sợ. Thế nhưng, nỗi sợ hãi "mẹ ra đi rồi thì con phải làm sao?" trong bà vẫn lớn dần theo từng ngày.

"Con mà đi trước mẹ thì không sao, vì mình còn có thể chăm sóc cho nó. Nhưng mẹ mà đi trước con, thì nó khổ. Ai cũng bảo tôi thế, bản thân tôi cũng nghĩ thế", bà Tuyến đau lòng tâm sự.

Người ngoài nhìn vào có thể cho rằng anh Sơn đang là gánh nặng của bà Tuyến, nhưng người mẹ già 70 tuổi chưa bao giờ nghĩ như vậy. Trái ngược, bà đau lòng và thường tự trách mình không thể chăm sóc con tốt hơn, để dẫn đến sự việc con trai bị bệnh, bản thân là một người mẹ lại không rõ nguyên nhân. Cũng bởi lẽ này, dù cuộc đời có long đong, bà vẫn tận tình nuôi dưỡng, thương yêu con hết mực.

Nhưng thật trái ngang, tình yêu của một người mẹ chẳng thể cảm hóa được những lần mất trí của anh Sơn.

Nỗi đau người mẹ ung thư “oằn mình” kiếm tiền nuôi con trai mắc bệnh tâm thần- Ảnh 4.

Người mẹ già luôn mang trong mình một nỗi sợ hãi.

Đầu năm 2022, bà Tuyến đã bị gãy hai tay, phải bó bột suốt nhiều tháng. Phút giây chứng kiến anh Sơn phát bệnh, bà đã quá hoảng sợ và ngã mạnh xuống đất. Để giờ đây, mỗi lần "trái gió trở trời", cơn đau nhói từng cơn khiến bà Tuyến không khỏi ám ảnh. Sự ám ảnh đó không chỉ đến từng cơn đau hiện hữu trên cánh tay, đó còn là ký ức đau buồn đến từ chính người con mình đã "dứt ruột" đẻ ra. Ở trạng thái bình thường, anh Sơn đã không còn là chính mình. Nhưng khi "lên cơn", người đàn ông còn hơn thế…

Sau mỗi lần chịu cảnh đập phá, bà Tuyến dần chú ý hơn. Những lần nằm tạm lánh ở hiên nhà thờ bên cạnh, mẹ già vừa sợ, vừa thấp thỏm không yên vì lo con tự làm đau chính mình. Đã bao năm, bà Tuyến chưa biết được một giấc ngủ ngon trọn vẹn là gì.

Hồi tưởng lại khoảnh khắc anh Sơn phát điên, ném đồ, đánh mẹ; Bà Vũ Thị Tính (SN 1949, hàng xóm) vẫn kinh hãi và xót xa: "Tôi cũng đã từng bị nó đánh vào hông. Khi đó, bà Tuyến bị bệnh, tôi mang cơm sang để chăm sóc thay thì nó phát điên lên, không ý thức được gì. Đến giờ vẫn còn sợ, muốn cho nó cái gì cũng chỉ biết kêu mẹ nó sang lấy thôi, chứ tôi không dám sang".

Nỗi đau người mẹ ung thư “oằn mình” kiếm tiền nuôi con trai mắc bệnh tâm thần- Ảnh 5.
Nỗi đau người mẹ ung thư “oằn mình” kiếm tiền nuôi con trai mắc bệnh tâm thần- Ảnh 6.

Chiều tà xuống, anh Sơn vẫn nằm đó, tay luôn kéo chăn che kín mặt chẳng chịu để ai nhìn thấy. Bước từng bước nặng nhọc đến lối phụ, bà Tuyến mở rộng hai cánh cửa gỗ mọt cũ, trông có thể sập đổ bất kỳ lúc nào. Căn phòng khách bỗng thêm phần sáng sau khi bà kéo mành trúc lên, dẫu vậy, cái lạnh thoát ra từ ngôi nhà lụp xụp chẳng thể vơi bớt.

Sự vất vả, nuôi nấng anh Sơn khi còn nhỏ cũng chẳng sánh với thời điểm hiện tại, khi con đã trung tuổi, lại mắc bệnh tâm thần; nhưng mẹ đã tuổi già sức yếu.

Vì nuôi con, bà Tuyến rơi vào hố sâu nợ nần về tiền bạc, tình nghĩa qua từng năm tháng. Đó cũng chính là lý do khiến người mẹ vẫn luôn "bán mặt" ngoài chợ, kiếm từng đồng bạc từ việc bán mớ hành, mớ tỏi…

Ngay lúc này, chính bà Tuyến cũng chẳng thể rõ hai mẹ con sẽ như thế nào trong tương lai. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng: Còn sống ngày nào, bà vẫn luôn nỗ lực chăm sóc cho con ngày ấy. Và dẫu anh Sơn có trở thành người như thế nào, người đàn ông kém may mắn này vẫn là liều thuốc tinh thần duy nhất giúp mẹ già tiếp tục vững tin và tăng thêm động lực trong cuộc sống đầy khó khăn, thử thách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại