“Cơn sốt” các địa phương ồ ạt xin xã hội hóa xây dựng sân bay

Phi Long |

Một loạt các sân bay Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Nà Sản, Mộc Châu (Sơn La), Lai Châu, Na Hang (Tuyên Quang)… đang được địa phương kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong thời gian vừa qua, nhiều tỉnh tiếp tục đề xuất đầu tư xây dựng sân bay tại địa phương vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đang được nhiều người quan tâm.

Trong khi 4 quy hoạch đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt đã được phê duyệt, thì tới nay quy hoạch quan trọng về hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 vẫn chưa được Bộ GTVT hoàn chỉnh. Vì quy hoạch vẫn là dự thảo “mở” nên các địa phương đua nhau xin bổ sung quy hoạch sân bay như từng diễn ra đầu năm 2021.

Đặc biệt, chỉ trong tháng 9/2022, có 3 địa phương là Tuyên Quang, Sơn La, Kon Tum đã có văn bản đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không thêm các sân bay Na Hang, Mộc Châu và Măng Đen.

Đáng nói, dù chỉ mới đề xuất xây sân bay nhưng tại nhiều địa phương, đã xảy ra sốt đất. Các chuyên gia về hàng không và kinh tế cho rằng, cần tránh trường hợp lợi dụng, lấy danh nghĩa làm sân bay để quy hoạch đất đai, sân bay chỉ là cái cớ để lạm dụng, để tránh nhữn hệ lụy trong tương lai.

Nở rộ các địa phương xin xây dựng sân bay

Một loạt các địa phương như tỉnh Bình Phước, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Thuận… đã đề xuất được mở sân bay để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch phát triển.

Mới nhất, UBND tỉnh Kon Tum vừa có công văn gửi Thủ tướng đề xuất bổ sung quy hoạch CHK Măng Đen (huyện Kon Plong) vào quy hoạch tổng thể CHK toàn quốc. Theo Kon Tum, dự kiến công suất thiết kế của CHK Măng Đen từ 3 - 5 triệu hành khách/năm; diện tích đất thực hiện dự án khoảng 350 ha.

 “Cơn sốt” các địa phương ồ ạt xin xã hội hóa xây dựng sân bay  - Ảnh 1.

Tỉnh Sơn La vừa kiến nghị xây mới sân bay Mộc Châu và nâng cấp sân bay Nà Sản.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.000 tỷ đồng; thời gian thực hiện là từ năm 2023 - 2027, theo phương thức PPP (hợp tác đầu tư công tư). Lý do xin xây sân bay, theo Kon Tum, là do vị trí chiến lược hết sức quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh cũng như kinh tế của tỉnh, đồng thời nhằm phát triển du lịch tại Khu du lịch Măng Đen.

Trước đó, UBND tỉnh Sơn La và UBND tỉnh Tuyên Quang gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép bổ sung 2 sân bay Na Hang (Tuyên Quang) và sân bay Mộc Châu (Sơn La) vào dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đầu tư theo phương thức PPP.

Đáng chú ý, giữa tháng 8, Sơn La cũng đề xuất xây dựng mới sân bay Nà Sản (huyện Mai Sơn) theo hình thức PPP trên nền sân bay cũ, nâng công suất lên 1 triệu khách/năm. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng đạt công suất 2 triệu khách/năm, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng.

Sân bay Nà Sản nằm trong dự kiến quy hoạch CHK giai đoạn 2021 - 2030. Như vậy, với đề xuất thêm sân bay Mộc Châu, Sơn La mong muốn có tới 2 sân bay là Nà Sản và Mộc Châu.

Trước đó, UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng sân bay Lai Châu công suất 0,5 triệu hành khách theo hình thức PPP. Theo quy hoạch, sân bay này đạt tiêu chuẩn dân dụng cấp 3C và quân sự cấp III, diện tích đất 167 ha, tại thị trấn Tân Uyên.

Cuối năm 2021, sân bay Quảng Trị đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư hơn 5.820 tỷ đồng. Sân bay sẽ được xây dựng tại huyện Gio Linh, quy mô cấp 4C và quân sự cấp II, công suất đón một triệu hành khách và 3.100 tấn hàng hóa một năm.

 “Cơn sốt” các địa phương ồ ạt xin xã hội hóa xây dựng sân bay  - Ảnh 2.

Trong tương lai, sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM) vẫn sẽ là 2 trung tâm hàng không của Việt Nam.

Tháng 8/2022, tỉnh Lào Cai khởi công xây dựng sân bay Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C và sân bay quân sự cấp II. Dự án bao gồm xây một đường cất hạ cánh kích thước 2.400 x 45m đảm bảo cho hoạt động của máy bay Code C (A320, 321 và tương đương), nhà ga đáp ứng 1,5 triệu hành khách mỗi năm.

Do đầu tư theo hình thức PPP, dự án sẽ chia thành 2 thành phần, gồm giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công và xây dựng sân bay theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Cân đối lợi ích, tránh trục lợi “sốt” đất ăn theo sân bay

Đánh giá về việc các địa phương đề xuất đầu tư xây dựng sân bay tại địa phương, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống-chuyên gia hàng không đánh giá: Cần phải xây dựng quy hoạch mạng lưới sân bay trên cả nước một cách hợp lý, có cơ sở khoa học, có lý luận và quan trọng nhất phải đưa ra những định lượng rõ ràng về năng suất sân bay, nhu cầu thật hay ảo, chứ không thể cứ mơ hồ rồi đề xuất.

"Địa phương nào cũng mạnh mẽ đề xuất, kêu gọi vốn PPP không cần ngân sách Nhà nước. Nhưng nếu quyết định vội vàng thì đây là một sai lầm về chính sách. Tránh trường hợp lợi dụng, lấy danh nghĩa làm sân bay để quy hoạch đất đai, sân bay chỉ là cái cớ để lạm dụng. Do vậy, cần đề phòng nạn tham nhũng đất đai nhân danh xây sân bay", TS Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm.

Ông Tống cho rằng, một địa phương được đầu tư xây dựng sân bay thì phải đáp ứng những tiêu chí nhất định, chứ nơi nào cũng báo cáo có nhu cầu cấp thiết xây sân bay để phát triển kinh tế, nhưng toàn là cảm tính.

"Nếu không tính toán kỹ có thể khiến sân bay đó nằm trên quy hoạch, chậm triển khai, đội vốn kéo theo đó là nhiều diện tích đất bị thu hồi rồi bỏ hoang hoá gây lãng phí nguồn lực...", chuyên gia Nguyễn Thiện Tống phân tích.

Theo ông Tống, việc đầu tư sân bay mới phải dựa trên hai yếu tố: nhu cầu hành khách và bài toán tài chính. Ví dụ, sân bay Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đang phục vụ cho cả người dân Quảng Trị; nếu xây sân bay Quảng Trị trong khi cư dân địa phương không đông, khách du lịch không nhiều thì chắc chắn lỗ, lượng khách đến sân bay Đồng Hới, Phú Bài cũng giảm.

 “Cơn sốt” các địa phương ồ ạt xin xã hội hóa xây dựng sân bay  - Ảnh 3.

Các chuyên gia về hàng không và kinh tế cho rằng, cần tránh trường hợp lợi dụng, lấy danh nghĩa làm sân bay để quy hoạch đất đai, sân bay chỉ là cái cớ để lạm dụng, để tránh nhữn hệ lụy trong tương lai.

Ông Tống cho rằng, các địa phương nên nghiên cứu mạng lưới sân bay nhỏ với đường bay ngắn, dành cho dòng máy bay nhỏ tầm thấp như ATR72, hoặc dòng máy bay dưới 20 chỗ ngồi, phục vụ nhu cầu du lịch hoặc cứu thương, an ninh quốc phòng…

“Các địa phương cũng có thể tận dụng các sân bay quân sự do lịch sử để lại, chuyển thành sân bay lưỡng dụng quy mô nhỏ, phục vụ du lịch, giao thương, kết nối giữa các địa phương mà không cần qua các sân bay lớn”, TS Nguyễn Thiện Tống phân tích.

Ở góc độ kinh tế, một chuyên gia hàng không cho rằng, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng sân bay không đơn giản vì nguồn vốn lớn, từ 2.000 đến 4.000 tỷ đồng với sân bay công suất dưới 2 triệu hành khách mỗi năm, trong khi đó nguồn thu từ phí không lớn.

“Nếu sân bay phục vụ 2 triệu khách, nhà đầu tư mới thu được khoảng 200-250 tỷ đồng mỗi năm, tính cả chi phí khấu hao và vận hành thì phải qua hàng chục năm mới thu hồi được vốn”, vị chuyên gia phân tích.

Theo chuyên gia, các năm đầu, sân bay thường không đạt công suất, nhất là ở miền núi, nơi nhu cầu đi lại không cao. Hiện nay nhiều cảng hàng không vẫn chưa đạt công suất thiết kế như Vân Đồn, Cần Thơ, Tuy Hòa, Chu Lai...

"Địa phương cần giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng đồng bộ để thu hút nhà đầu tư tham gia góp vốn xây sân bay", chuyên gia nói.

Theo ông Đinh Việt Thắng -Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay rất lớn, do vậy cần thiết huy động nguồn vốn xã hội. Xu thế chủ đạo trong huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay trên thế giới là mô hình PPP/nhượng quyền. Theo đó, Nhà nước chỉ giữ quyền sở hữu, kiểm soát các cảng hàng không lớn, đầu mối, có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia.

Giai đoạn từ năm 2021 - 2030, Cục vẫn giữ quan điểm từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 CHK hiện hữu, chỉ đầu tư 6 CHK mới, nâng tổng số lên 28 CHK cả nước. Tổng công suất thiết kế hệ thống CHK đáp ứng khoảng 283 triệu hành khách, đồng thời đã được tính toán đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới CHK trong phạm vi 100 km. Tới năm 2050, hình thành 31 CHK gồm 14 CHK quốc tế, 17 CHK quốc nội, bổ sung thêm CHK quốc tế Hải Phòng (thay thế cho CHK Cát Bi giai đoạn sau 2030), CHK Cao Bằng và CHK thứ 2 Hà Nội.

Trong Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không được Bộ GTVT lập, các sân bay như Sa Pa, Nà Sản, Lai Châu, Quảng Trị được xếp vào nhóm 3. Đây là các cảng ở vùng xa, miền núi, hải đảo, cân đối thu chi khó khăn, có công suất quy hoạch đến năm 2030 nhỏ hơn 5 triệu hành khách mỗi năm.

Theo đề án này, Bộ GTVT chuyển giao sân bay nhóm 3 cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Trường hợp địa phương không tiếp nhận, Bộ tiếp tục quản lý, khai thác và đầu tư. Ngoài nguồn lực địa phương, các cảng hàng không mới nằm trong quy hoạch như Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu sẽ huy động nguồn vốn xã hội theo phương thức PPP./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại