Rất nhiều người cho rằng, con nhà nghèo thường có ý chí học hành tốt hơn và dễ thành công hơn khi bước vào đời. Họ luôn đưa ra các ví dụ về việc nhiều người không có nền tảng giáo dục và điều kiện gia đình tốt trong những năm đầu đời và chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân để vươn lên tầng lớp cao hơn trong xã hội.
Nhưng thực tế, số lượng những người như vậy không nhiều nếu đem so sánh với những người thành công xuất sắc trong các gia đình giàu có.
Điều này được thể hiện khá rõ ràng trong một nghiên cứu được công bố hồi tháng 7/2018 trên tạp chí Nature Genetics của một nhóm nghiên cứu độc lập gồm hàng chục tác giả. Đây là kết quả nghiên cứu sau một thời gian dài nỗ lực để mang những phân tích bộ gen vào lĩnh vực khoa học xã hội.
Sử dụng một phương pháp mới dựa vào việc phân tích các bộ gen, các nhà kinh tế học phát hiện ra rằng tài năng thiên bẩm mang tính di truyền giữa trẻ em sinh ra trong cả gia đình có thu nhập thấp và thu nhập cao có tỉ lệ ngang bằng nhau. Tuy nhiên, mức độ thành công thì không như vậy.
Trong quá trình khảo sát để thực hiện thí nghiệm cho thấy, chỉ có khoảng 24% số người sinh ra ở gia đình nghèo khó nhưng có khả năng học tập xuất sắc tốt nghiệp đại học.
Trong khi đó, 63% những người có khả năng tương tự nhưng sinh ra trong gia đình có nền tảng kinh tế tốt làm được việc này.
Bên canh đó, có khoảng 27% những người giàu có học hành bết bát nhưng vẫn tốt nghiệp đại học. Điều này có nghĩa là tỷ lệ tốt nghiệp đại học ở nhóm năng lực kém nhất nhưng giàu có thậm chí còn cao hơn tỷ lệ tốt nghiệp đại học ở nhóm năng lực cao nhất nhưng nghèo khó.
"Nếu không có nguồn lực gia đình, thì thậm chí những đứa trẻ thông minh nhất cũng phải đối mặt với những khó khăn" – Kevin Thom, nhà kinh tế của ĐH New York nhận định.
Một bài viết trên trang The Conversation của giáo sư kinh tế Elizabeth Caucutt tới từ ĐH Western (Mỹ) cho biết, những khoảng cách thành tích do thu nhập gia đình một phần là do sự khác biệt đáng kể trong việc đầu tư cho con cái giữa nhà giàu và nhà nghèo.
Cha mẹ có trình độ giáo dục cao có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều phương pháp mới trong việc giáo dục trẻ.
Phụ huynh nằm trong top 25% thu nhập cao nhất thường có khả năng có ít nhất 10 cuốn sách trong nhà nhiều gấp đôi so với nhóm 25% phụ huynh có thu nhập thấp nhất. Những bà mẹ giàu có cũng có xu hướng đọc sách cho con nhiều hơn 50% so với những bà mẹ nghèo, cụ thể là từ 3 lần trở lên trong vòng 1 tuần.
Ngay cả các thống kê về lượng sách bán ra cũng nói lên nhiều điều. Một trang thương mại điện tử cho biết, lượng sách bán ở Bắc Kinh và Thượng Hải chiếm 60% lượng bán ra cả nước. Ngoài ra, trẻ từ 6-7 tuổi ở gia đình giàu có gấp đôi cơ hội đăng ký vào các khóa học hoặc các hoạt động ngoại khóa đặc biệt so với trẻ trong gia đình có thu nhập thấp.
Hãy lấy những tỷ phú nổi tiếng của thế giới để làm ví dụ. Mẹ của Bill Gates từng là doanh nhân và có mối liên quan mật thiết với ban giám đốc công ty máy tính IBM.
Năm 1968, khi nhiều trường cao đẳng và đại học Mỹ còn chưa có máy tính, trường tư Bill Gates học đã có máy tính PDP-10 cho ông và các bạn học lập trình cơ bản. Cha của Warren Buffett (tỷ phú giàu thứ 3 thế giới) là giám đốc của một ngân hàng đầu tư đa quốc gia thu hút sinh viên các trường hàng đầu thế giới.
Khi mới 8 tuổi, Buffett đã được tới sở giao dịch chứng khoán New York và được tiếp xúc với giới tài chính. Ngay cả các tên tuổi lớn của ngành công nghệ Trung Quốc hầu hết cũng đều xuất thân từ các gia đình có điều kiện tốt nhất.
Gia đình Bill Gates
Chúng ta nghĩ rằng khi khó khăn, người ta sẽ có động lực để cố gắng vươn lên, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Khó khăn đôi khi là cánh cửa đóng lại các cơ hội. Tầm nhìn, hiểu biết, giá trị và quan niệm về cuộc sống của cha mẹ và các thành viên gia đình có ảnh hưởng sâu sắc tới thế hệ trẻ.
Nhiều người thường chỉ nhìn vào việc các gia đình giàu để lại cho con cái tiền bạc mà không hề biết rằng họ còn truyền cho thế hệ sau nhiều thứ khác như sự hiểu biết, trải nghiệm, niềm tin, văn hóa...