Con người vô tình tạo ra thứ từng giúp khủng long ra đời?

Anh Thư |

Các nhà nghiên cứu Harvard đã tìm ra hiện tượng đã giết chết 86% sinh vật Trái Đất và tạo ra những khủng long, dực long, thương long... đáng sợ để thế chỗ. Đó cũng là thứ đang bủa vây loài người.

Nhóm nghiên cứu từ Khoa Sinh vật và sinh học tiến hóa và Bảo tàng Động vật học so sánh thuộc Đại học Harvard - Mỹ đã sử dụng các mô hình đối chiếu giữa lịch sử tiến hóa của các loài trên Trái Đất và diễn tiến khí hậu qua từng thời kỳ, từ đó đưa đến giả thuyết táo bạo nói trên.

Bài công bố trên tạp chí Science Advances khẳng định những cá thể đầu tiên của dòng họ khủng long đã ra đời từ một chuỗi hiện tượng mà nhân loại ngày nay nghe nhắc đến hàng ngày và cũng là thứ mà chúng ta đang tự tạo ra: Biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.

Con người vô tình tạo ra thứ từng giúp khủng long ra đời? - Ảnh 1.

Khủng long ra đời có thể nhờ có biến đổi khí hậu được tạo nên bởi sự nóng lên toàn cầu - Ảnh: SCITECH DAILY

Trích dẫn nghiên cứu, tờ SciTech Daily cho hay các nhà khoa học đã xoáy vào cuộc khủng hoảng khí hậu Permi-Trias, xảy ra từ giữa kỷ Permi (Nhị Điệp) cho đến giữa kỷ Trias (Tam Điệp), tức khoảng thời gian 265-230 triệu năm về trước.

Thời kỳ này đánh dấu 2 đại tuyệt chủng khốc liệt, lần đầu vào 261 triệu năm trước, lần thứ hai vào 252 triệu năm trước. Những sự kiện này đã loại bỏ 86% sinh vật từng tồn tại vào giữa kỷ Nhị Điệp.

Có một mối liên quan xuất hiện: Kỷ Tam Điệp được biết đến là kỷ đầu tiên "hoài thai" nên dòng họ khủng long, sau này phát triển thành nhiều loài khủng long trên mặt đất, phiên bản "khủng long bay" - tức dực long - trên bầu trời, những thương long, ngư long hùng cứ đại dương.

Nhóm nghiên cứu khẳng định chính sự kiện Permi-Trias tưởng chừng chết chóc đã kích hoạt các quái vật này ra đời, hay nói cụ thể hơn là cả một giai đoạn trước và sau thời kỳ này, tạo thành 60 triệu năm liên tiếp biến đổi khí hậu do nóng lên toàn cầu bủa vây hành tinh.

Sự tăng lên của nhiệt độ toàn cầu đã được hé lộ trong hồ sơ địa chất, kèm với những biến đổi thú vị trong hồ sơ hóa thạch, vì dường như phản ứng tiến hóa của bò sát cực kỳ nhạy cảm với khí hậu.

Tỉ lệ thay đổi giải phẫu thích nghi bắt đầu tăng ngày từ đầu kỷ Nhị Điệp (khoảng 294 triệu năm trước), cùng lúc với sự khởi đầu của chuỗi biến đổi khí hậu. Từ 261-235 triệu năm trước, sự nóng lệ toàn cầu gia tăng cực mạnh từ vụ phun trào núi lửa lớn, tạo thành thời kỳ nóng nhất trong lịch sử Trái Đất và cũng là thời kỳ tiến hóa mạnh mẽ nhất của loài bò sát.

"Một số nhóm thay đổi rất nhanh và một số ít nhanh hơn nữa, nhưng hầu như tất cả bò sát đều tiến hóa nhanh hơn trước đây" - tác giả chính Tiago R. Simoes cho biết.

Từ đó, thế giới bị động vật có vú áp đảo, ít bò sát của kỷ Nhị Điệp bắt đầu được thay thế bằng thế giới bò sát kỷ Tam Điệp, với nhiều loài đa dạng, trong đó có dòng họ khủng long đã tồn tại mạnh mẽ suốt các kỷ Jura, Phấn Trắng về sau, cho đến khi bị một tiểu hành tinh xóa sổ.

Khi những bò sát lớn ra đời, chúng tiếp tục phản ứng với biến đổi khí hậu bằng cách di cư đến các vùng ôn đới hay xâm nhập vào thế giới thủy sinh để dễ sống hơn. Cũng nhờ đó, dòng họ quái vật này ngày một hùng mạnh, phân bổ khắp thế giới với một hồ sơ hóa thạch cực kỳ đa dạng còn để lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại