Con người đã làm gì khi Trái đất kêu cứu?

Mai Nguyễn |

Biến đổi khí hậu toàn cầu – con đường ngắn nhất dẫn đến những thảm họa tự nhiên

Biến đổi khí hậu vốn đã không còn là một khái niệm mới mẻ đối với con người. Thời điểm hiện tại, biến đổi khí hậu được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại thế kỷ 21 do sức ảnh hưởng kinh hoàng trực tiếp tác động đến Trái đất.

Con người đã làm gì khi Trái đất kêu cứu? - Ảnh 1.

Biến đổi khí hậu chính là kẻ thù lớn nhất mà con người phải đối diện để bảo vệ Trái đất. Ảnh: Rakchai58.

Theo nghiên cứu từ các nhà khoa học, những tác động của con người vào môi trường tự nhiên là nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu. Từ việc gia tăng khí CO2 do hoạt động sản xuất công nghiệp, phá rừng, sử dụng nguồn nước cũng như các loại khí độc hại, đến tạo ra "hiệu ứng nhà kính" và làm Trái đất nóng lên. Tuy nhiên, biến đổi khí hâu không hoàn toàn do con người, các thay đổi trong nội tại của tự nhiên bao gồm sự thay đổi hoạt động của Mặt trời, quỹ đạo Trái đất hay sự dịch chuyển của các châu lục cũng tác động đến khí hậu toàn cầu, tuy nhiên đó chỉ là một phần rất nhỏ.

Băng tan dẫn theo mực nước biển dâng cao chính là tác động tiêu cực nhất mà biến đổi khí hậu gây ra cho Trái đất. Bắc Cực đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp ba lần so với phần còn lại của Trái đất và đang ở tình thế sống còn. Diện tích băng ở Bắc Cực đang dần thu hẹp lại và một số sông băng đã hoàn toàn biến mất. Hiệu ứng nhà kính dường như đang "chạy trốn" đến những điểm cực lạnh giá nhất của Trái đất. Ngay cả khu vực được biết đến với tên gọi "Vùng băng cuối cùng" cùng đang chứng kiến sự đe dọa tan chảy từ hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Con người đã làm gì khi Trái đất kêu cứu? - Ảnh 2.

Trong tương lai, băng tan rất có thể sẽ nhấn chìm Trái đất trong biển nước. Ảnh: Daily Sabah.

Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu băng tiếp tục tan thì nước biển sẽ dâng thêm ít nhất 6 m nữa vào năm 2100. Với mức này, phần lớn các đảo của Indonesia, và nhiều thành phố ven biển khác sẽ hoàn toàn biến mất.

Trái ngược với lượng nước vô tận ở hai cực Trái đất, hạn hán đang ngày càng xâm chiếm cuộc sống của người dân trên khắp hành tinh. Điển hình là tại các nước khu vực châu Phi, phía Tây của Mỹ và châu Úc. Hạn hán cũng chính là nguyên nhân gây nên vô số những trận cháy rừng lịch sử tại khắp các châu lục, phá hủy hàng triệu "lá phổi xanh" của nhân loại. Từ năm 1979 đến năm 2013, diện tích các khu vực "có thể cháy" toàn cầu bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng và khô hạn kéo dài đã tăng gấp đôi và độ dài trung bình của mùa ‘cháy’ đã tăng lên 19%.

Con người đã làm gì khi Trái đất kêu cứu? - Ảnh 3.

Đợt hạn hán lịch sử kéo dài ở Kenya, đẩy người dân vào hố sâu tuyệt vọng. Ảnh: AP.


Con người đã làm gì khi Trái đất kêu cứu? - Ảnh 4.

Trận cháy rừng Dixie kinh hoàng ở bang California, Mỹ, được xem là vụ cháy rừng tồi tệ thứ hai trong lịch sử bang này. Ảnh: NBC News.

Cùng với hạn hán, các thảm họa tự nhiên cũng đã xuất hiện nhiều hơn. Mưa bão liên tục kéo dài, lốc xoáy, núi lửa phun trào, hiện tượng El Nino,... tất cả đã khiến cuộc sống của hàng triệu người dân trên khắp Trái đất lâm vào cảnh "khốn cùng". Từ "cơn bão quái vật" Ida tàn phá nước Mỹ, đến những trận lũ lụt lịch sử tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua tại châu Âu, cùng những trận mưa "nghìn năm có một" tại nhiều quốc gia châu Á, thậm chí là mức nhiệt độ cao chưa từng có trong lịch sử được ghi nhận tại nhiều khu vực trên Trái đất.

Thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), một cơ quan thuộc Liên hợp quốc (LHQ) đã cho thấy, số lượng các thảm họa thiên nhiên đã tăng gấp 5 lần trong nửa thế kỷ qua và gây thiệt hại gấp 7 lần so với những năm 1970.

Rõ ràng, những tác động của biến đổi khí hậu đang hiện hữu ngay trước mắt chúng ta, ở khắp các quốc gia trên thế giới với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Các nhà khoa học cảnh báo rằng, việc phớt lờ những tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến con người phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc đến mức "không dám tưởng tượng".

COP26 – Ánh sáng phía cuối con đường hay một tương lai không chắc chắn?

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) được biết đến là một hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), nơi họp chính thức của các bên tham gia UNFCCC nhằm đánh giá quá trình các quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Con người đã làm gì khi Trái đất kêu cứu? - Ảnh 5.

Hội nghị COP26 được giới thiệu như một hội nghị mang lại cho Trái đất cơ hội cuối cùng trước vấn đề biến đổi khí hậu. Ảnh: AP.

Theo Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow (Scotland), con người cần giải quyết 5 vấn đề hàng đầu về biến đổi khí hậu:

Cung cấp 100 tỷ USD hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu hàng năm

Các quốc gia giàu có đã đồng ý với mục tiêu này để giúp các nước đang phát triển giảm lượng phát thải khí nhà kính và thích ứng với các tác động của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ứớc tính năm 2019 cho thấy, khoản tài trợ chỉ ở mức 80 tỷ USD. Sonam P. Wangdi ở Bhutan, người chủ trì nhóm Các nước kém phát triển nhất tại cuộc hội đàm, cho biết: "Người dân của chúng tôi đang phải chịu đựng nhiều loại hình thời tiết cực đoan khác nhau do hậu quả của một cuộc khủng hoảng mà chúng tôi ít gây ra."

Con người đã làm gì khi Trái đất kêu cứu? - Ảnh 6.

Các quốc gia kém phát triển nhất lại là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Ảnh: weADAPT.

Giảm lượng khí thải từ Metan

Metan là thành phần chính trong khí tự nhiên và là sản phẩm phụ của một số ngành nông nghiệp, đã phần nào bị bỏ qua trong các cuộc đàm phán trước đây. Là một loại khí nhà kính, Metan có sức làm nóng gấp 80 lần so với khí CO2 nhưng chỉ tồn tại trong không khí khoảng một thập kỷ. Giảm lượng khí thải bằng cách khắc phục sự cố rò rỉ trong đường ống dẫn khí và hạn chế bùng phát tại các vị trí khoan sẽ mang lại một cải tiến nhỏ nhưng hiệu quả.

Giảm 45% lượng phát thải khí CO2

Chấm dứt nạn phá rừng vào cuối thập kỷ này, vì rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ khí CO2 khỏi khí quyển. Đồng thời gia tăng sản xuất các loại phương tiện không phát thải, ví dụ như các loại phương tiện chạy bằng điện. Một cam kết được đề xuất là giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2010. Cho đến nay, lượng khí thải chỉ tăng lên chứ không hề giảm.

Giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C

Đây là mục tiêu mà một số quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch đã chống lại. Giảm một nửa lượng khí thải trong thập kỷ tới được coi là bước đệm quan trọng trên con đường giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu vào năm 2050. Đây là con đường mà các nhà khoa học cho rằng là duy nhất để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, là giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) vào cuối thế kỷ.

Đảm bảo thực hiện cam kết chung

Tính minh bạch là yếu tố quan trọng nhất của các cuộc đàm phán, bởi vì bản chất tự nguyện của Hiệp định Paris có nghĩa là các quốc gia sẽ phải theo dõi chặt chẽ mức cải tiến của những quốc gia khác trước khi tăng cường các mục tiêu của họ lên một tầm cao mới.

Con người đã làm gì khi Trái đất kêu cứu? - Ảnh 7.

Trái đất thực sự đã cần những hành động giúp đỡ thực tế của con người từ rất lâu. Ảnh: Vox.

Với những mục tiêu đưa ra cho các quốc gia tại COP26, đó được xem như một ánh sáng phía cuối con đường, một tia hy vọng sẽ cứu sống hành tinh của chúng ta trong tương lai. Nhưng tại sao mọi thứ dường như vẫn giậm chân tại chỗ?

Từ COP21 đến nay, vấn đề chính là các quốc gia chỉ hứa hẹn hành động thay vì bắt tay vào những hành động thực tế. Kết quả là, đường đồ thị mô phỏng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính chỉ chúc đầu đi xuống nhờ đại dịch Covid-19, chứ không phải từ phía con người.

COP26 được giới thiệu như một hội nghị mang lại cho Trái đất cơ hội cuối cùng, như COP15 cũng đã từng được coi như thế. Nhưng thật sự liệu COP26 có phải là cơ hội cuối cùng hay không? Tổng cộng 11 COP đã trôi qua trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, nhưng nhân loại vẫn luôn luôn có cảm giác ở chân tường. Nếu cứ mỗi 5 năm, thế giới lại tổ chức một COP như "cơ hội cuối cùng", thì đến một thời điểm nào đó sẽ không còn ai tin tưởng nữa. Năm tháng trôi qua, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tập trung trong bầu khí quyển ngày càng cao, nhiệt độ Trái đất cũng vậy, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng ngày càng dồn dập xảy ra tại khắp các khu vực trên hành tinh. Các "COP được coi là cơ hội cuối cùng" đều không thể đảo ngược được xu thế này.

Trong tương lai, sẽ không có bất kỳ ai mong chờ một COP67 hay COP87 giống với "cơ hội cuối cùng" COP26 nữa. Chính vì thế, đừng chỉ dừng lại ở những cam kết, hãy hành động. Theo báo cáo công bố ngày 26/10 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, nếu các quốc gia không tăng cường các cam kết về khí hậu của mình và bắt tay ngay vào hành động, cơ hội xây dựng một Trái Đất tốt hơn sẽ bị phung phí và nhiệt độ hành tinh của chúng ta sẽ có thể tăng ít nhất là 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900).

Sẽ ra sao nếu con người không thể cứu Trái đất?

Trong một viễn cảnh tồi tệ, nếu như con người không thể ngăn được những tác động của biến đổi khí hậu, Trái đất sẽ không còn là một hành tinh "có thể sống được". Con người đã hành động, đúng thế, nhưng chưa đủ!

Khi lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng cao hơn vào năm 2050, Trái đất có thể sẽ đạt ngưỡng tăng 3 độ C sớm nhất là vào những năm 2060 hoặc 2070 và các đại dương sẽ tiếp tục "bành trướng". Các quốc đảo nhỏ sẽ có nguy cơ gần như mất toàn bộ đất, cùng với đó 8 trong số 10 khu vực đầu tiên chịu ảnh hưởng từ nước biển dâng đều nằm ở châu Á, với khoảng 600 triệu người dân sẽ phải sống trong cảnh ngập lụt.

Con người đã làm gì khi Trái đất kêu cứu? - Ảnh 8.

Trái đất sẽ chỉ là "một hành tinh chết" nếu như nhiệt độ vẫn không ngừng tăng trong tương lai. Ảnh: NY Times.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một kịch bản đầy "nghiệt ngã" bắt đầu từ việc nhiều quốc gia "phớt lờ" lời khuyên từ các nhà khoa học về việc khử cacbon cho các nền kinh tế bằng cách tìm các nguồn năng lượng thay thế, dẫn đến việc nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên 3 độ C vào năm 2050. Tại thời điểm đó, các tảng băng trên toàn thế giới sẽ tan biến, hạn hán trên diện rộng sẽ giết chết nhiều loại cây trong rừng nhiệt đới Amazon - nơi vốn được coi là một điểm khử cacbon lớn nhất thế giới. Giả thuyết của các nhà khoa học đưa ra là 35% diện tích đất trên toàn cầu và 55% dân số toàn cầu sẽ phải đối mặt với điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt, vượt ngưỡng chịu đựng của con người trong hơn 20 ngày/năm.

Nếu con người không thể kiểm soát được nhiệt độ trái đất thì tất cả các dạng thứ sống trên hành tinh sẽ gặp áp lực phải thích nghi trong hàng ngàn năm tới. Sự hủy diệt sinh thái do biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, sóng nhiệt, sự biến mất của các núi tuyết, sông băng và gần một nửa Bắc cực rộng lớn sẽ gây ra những mất mát vô cùng to lớn đối với cuộc sống của con người và các loại động, thực vật.

Bên cạnh đó, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng thường xuyên sẽ tàn phá đất đai, gần 1/3 diện tích đất liền trên thế giới sẽ biến thành sa mạc. Toàn bộ hệ sinh thái có thể bị hủy hoại bắt đầu từ các rạn san hô đến rừng nhiệt đới và các dải băng ở Bắc cực. Các vùng nhiệt đời trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các thái cực khí hậu mới, điều này ảnh hưởng đến nền nông nghiệp của khu vực, hơn 1 tỷ người dân sẽ thiếu đói, trở thành dân tị nạn. Vấn đề tị nạn sẽ làm căng thẳng kết cấu của các quốc gia lớn trên thế giới bao gồm cả Mỹ và xung đột vũ trang về tài nguyên có thể lên đến đỉnh điểm.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Các nhà khoa học còn cho rằng, ngay cả khi chúng ta đạt đến xã hội không phát thải trong hàng ngàn năm nữa thì nhiệt độ vẫn tăng cao, khả năng hạ nhiệt chỉ bằng 1/10 độ của mức nhiệt cực đại. Sau giai đoạn nhiệt độ trái đất tăng cao thì biến đổi khí hậu sẽ bắt đầu chậm lại và hành tinh sẽ đi vào quỹ đạo làm mát. Nhưng rất lâu trước khi điều này xảy ra, loài người sẽ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến cam go chống lại mực nước biển dâng cao trong hàng trăm năm tới. Hiện tượng mực nước biển dâng do sự giãn nở nhiệt và băng tan ở Greenland và Nam cực là minh họa thực tế nhất cho tác động của biến đổi khí hậu. Nước biển dâng sẽ tàn phá các thành phố, thị trấn, khu vực nông nghiệp và tài nguyên nước ngọt trong tương lai gần ở các khu vực ven biển.

Con người đã làm gì khi Trái đất kêu cứu? - Ảnh 9.

Mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao khi Trái đất tiếp tục nóng lên. Ảnh: National Geographic Society

Tình trạng hỗn loạn địa chất này dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngàn năm tới. Các quyết định mà chúng ta đang đưa ra trong hiện tại sẽ có ảnh hưởng đến tương lai. Bởi vậy, chúng ta cần mở rộng quy mô về thời gian để đánh giá toàn bộ ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu đến tương lai gần và xa hơn. Một khi những tác động của con người khiến nhiệt độ trái đất tăng thêm 2 độ C thì sẽ rất khó để thay đổi được những ảnh hưởng xấu sẽ xảy ra.

Theo một điều tra của Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 9/2021, biến đổi khí hậu sẽ khiến khoảng 216 triệu người phải tị nạn vì khí hậu trong vòng 30 năm tới do thiếu nước ngọt, lương thực và mực nước biển dâng cao... Viện Institute for Economics and Peace (IEP) dở Sydney, Úc đã đưa ra con số cao gấp 5 lần (khoảng 1,2 tỉ người). 

Một nghiên cứu của GIEC công bố trên tạp chí Proceeding of National Academy of Science hồi đầu năm 2021 thậm chí còn đưa ra con số tồi tệ hơn: khoảng 3,5 tỉ người dân toàn cầu sẽ phải di cư do biến đổi khí hậu trước năm 2070.

Khi biến đổi khí hậu đã gõ cửa khắp hành tinh, khi tác động từ nó là điều không thể phủ nhận thì việc nỗ lực để đảm bảo một tương lai thích ứng tốt hơn là điều con người cần phải hành động ngay. Trừ khi các hành động táo bạo và nhanh chóng được thực hiện, biến đổi khí hậu sẽ lấp đầy tương lai của Trái đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại