Các công ty công nghệ thông tin hàng đầu đang gấp rút tạo ra hệ thống sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng.
Mục đích là thương mại hóa phần mềm AI để phát hiện các cuộc tấn công được thiết kế khéo léo, xác định nhanh chóng thủ phạm, tuy nhiên việc này cũng khơi mào một cuộc chiến.
Các nghiên cứu cho thấy Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đang khai thác AI phục vụ mục đích an ninh mạng, tuy nhiên nếu khai thác không đúng cách, xu hướng này cho thấy sẽ dẫn đến các “cuộc chiến” trong không gian mạng phức tạp giữa máy móc mà con người phải ngồi ngoài.
Fujitsu Laboratories, đơn vị đảm nhiệm việc nghiên cứu tại Fujitsu, đã bắt đầu phát triển một hệ thống AI để bảo vệ hệ thống thông tin doanh nghiệp trước các cuộc tấn công mạng.
Hệ thống sẽ nghiên cứu các hoạt động thông thường diễn ra trên mạng, rồi từ đó khoanh vùng những biểu hiện bất thường nó phát hiện ra.
Công ty đặt mục tiêu sẽ tung ra một sản phẩm thương mại trong 2 đến 3 năm tới, có thể phát hiện và ứng phó với các cuộc tấn công, thậm chí từ các hacker xóa bỏ các dấu vết tấn công.
Công ty phần mềm bảo mật toàn cầu Trend Micro (Nhật Bản) hiện cũng áp dụng trí thông minh nhân tạo dạng này, để đưa ra thị trường các sản phẩm có thể phát hiện virus máy tính chưa biết dựa trên thông tin về virus hiện có .
Các công ty khác cũng sử dụng AI để bảo vệ chống lại những cuộc tấn công bao gồm các công ty Cybereason của Hoa Kỳ, công ty IT khổng lồ SoftBank của Nhật Bản.
Tại Mỹ, công ty Cybereason – có cổ phần của Softbank – cũng dùng AI trong việc phòng thủ tấn công mạng.
Thật không may, tin tặc cũng đang dùng AI để tấn công vào hệ thống của các công ty, và có thể sẽ “chạm trán” với AI từ các công ty an ninh mạng.
Các cơ quan chính phủ cũng cổ súy cho việc áp dụng AI trong hệ thống mạng. Tháng 8 năm nay, Cơ quan đặc trách các dự án nghiên cứu cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (Defense Advanced Research Projects Agency - DARPA) đã tổ chức một cuộc thi, trong đó yêu cầu các đội hoàn toàn dùng máy tính để tranh tài.
Hệ thống AI của các đội thi sẽ làm nhiệm vụ tìm kiếm các lỗ hổng bảo mật của hệ thống máy tính, sau đó tìm cách vá lỗi. DARPAD sau đó đã yêu cầu đội chiến thắng, là một công ty Mỹ, cung cấp công nghệ AI của công ty cho cơ quan này.
Một chuyên gia bảo mật tại Nhật cho biết quân đội Mỹ có một đơn vị phụ trách an ninh mạng, và việc họ có công nghệ AI có thể sẽ làm gia tăng cuộc chạy đua về công nghệ này.
Hiện nay, hệ thống AI được sử dụng trong các cuộc tấn công không quá phức tạp, các tin tặc lành nghề chỉ cần xác định điểm yếu của hệ thống và kết nối một cuộc tấn công chính xác.
Nhưng nếu AI bắt đầu được sử dụng dựa trên các chiến lược bài bản, những cuộc tấn công có khả năng sẽ vượt quá khả năng chống lại của con người, không chỉ trong lĩnh vực an ninh mạng mà còn trong cả chiến tranh.
Tất nhiên, mặt tốt là AI có thể hóa giải các cuộc tấn công mạng từ hacker. Chuyên gia tin rằng trong vòng một thập kỷ tới, AI có thể vượt qua ngay cả những hacker tốt nhất thế giới, như cách nó đã chiến thắng trong các cuộc đấu cờ với con người gần đây.