Năm 2009, một nhóm các nhà khoa học ở Đại học Harvard đã tuyển chọn 66 đứa trẻ mới sinh trong vòng 4-100 tiếng để tham gia vào một thí nghiệm. Họ cho những đứa trẻ nhìn những chấm màu trên màn hình để xem chúng có biết đếm hay không, ít nhất là biết bức ảnh nào có nhiều hay ít chấm hơn.
Kết quả là 35 đứa trẻ chỉ quấy khóc, 10 đứa trẻ ngủ gật trong quá trình và 5 đứa trẻ khác không đáp ứng được tiêu chí khách quan của thí nghiệm. Tuy nhiên, 16 đứa trẻ đã thực hiện tốt bài kiểm tra giúp các nhà khoa học khẳng định: Ngay cả trẻ sơ sinh cũng đã có thể phân biệt được số lượng dựa trên thị giác.
Hơn 1 thập kỷ sau, một nghiên cứu vừa mới đăng trên tạp chí Nature communications đã tìm thấy một bằng chứng khác chứng minh con người cảm nhận các con số như một phản xạ bản năng.
Cụ thể, các nhà khoa học phát hiện đồng tử, hay con ngươi trong mắt chúng ta không chỉ nhạy cảm với ánh sáng. Nó còn nhạy cảm với các con số. Đồng tử sẽ mở to khi chúng ta nhìn thấy nhiều đối tượng hơn và ngược lại, nó sẽ khép nhỏ khi bạn nhận ra ít đối tượng.
Vậy nên, đó có phải là lý do mà nhiều tay chơi poker cần phải đeo kính?
Chúng ta có bản năng nhận biết các con số
Trên thực tế, khả năng cảm nhận số lượng đã được chứng minh là một bản năng của nhiều loài động vật. Trong nhiều thí nghiệm, các nhà khoa học cho biết khỉ, tinh tinh, cá heo và chó có thể dễ dàng phân biệt được các con số dưới 10 đơn vị. Và nếu bạn huấn luyện một con chim bồ câu, nó sẽ biết gõ mỏ vào một miếng gỗ đúng số lần nhất định để có thể lấy được thức ăn.
Các thí nghiệm khác với cá, ong và gà con mới nở cho thấy chúng có thể ngay lập tức phân biệt được các nhóm phần tử nhỏ hơn 4. Ví dụ chúng biết 3 viên thức ăn là nhiều hơn 2 viên – bằng một bản năng được gọi là "subitizing".
Subitizing là khả năng ngay lập tức nhóm gộp các đối tượng giống nhau vào với nhau và nhận thức số lượng của chúng, giống như khi bạn nhìn vào một quân domino và biết ngay trên đó có mấy dấu chấm chỉ trong vòng chưa đầy 0,1 giây.
Các nhà khoa học phát hiện khả năng subitizing liên quan trực tiếp đến hoạt động của đồng tử trong mắt con người. Theo đó, 16 người tham gia một thí nghiệm thị giác yêu cầu họ quan sát các bức ảnh hiển thị một số lượng chấm đen nhất định đã cho thấy:
Với các chấm đen ngẫu nhiên sắp xếp tách rời nhau, thị giác của chúng ta thường cảm nhận chúng như các chấm tách rời, với số lượng chính là số lượng chấm đen xuất hiện. Đồng tử của chúng ta sẽ mở to để cảm nhận tất cả chúng.
Nhưng với các chấm đen được sắp xếp theo cặp (khoảng cách giữa hai chấm trong từng cặp gần hơn khoảng cách giữa các cặp), thị giác của chúng ta sẽ nhận diện chúng với số lượng chỉ còn một nửa. Đồng tử co lại với một ảo giác rằng số lượng các chấm ở đây là ít hơn.
Hay nói một cách khác, chúng ta không bao giờ đếm số chiếc dép mà chỉ đếm chúng theo từng cặp. Một cách tự nhiên thì bạn không bao giờ nói ở đây có 18 chiếc dép mà chỉ nói rằng đó là 9 đôi dép.
Subitizing là khả năng ngay lập tức nhóm gộp các đối tượng giống nhau vào với nhau và nhận thức số lượng của chúng.
"Kết quả này cho thấy thông tin về số về bản chất có liên quan đến nhận thức của chúng ta", tác giả nghiên cứu, nhà tâm lý và thần kinh học Elisa Castaldi đến từ Đại học Florence ở Italia cho biết.
Nó có thể được dùng để giải thích tại sao một số đứa trẻ gặp phải chứng rối loạn tính toán và không có kết quả tốt trong môn học này ở trường tiểu học. Có thể, não bộ của chúng đang hoạt động theo một con đường nhận thức khác so với những đứa trẻ còn lại, có thể chúng gặp rối loạn vì hiệu ứng subitizing.
Castaldi cho biết với phát hiện mới về cơ chế phản ứng của đồng tử trước những con số, các nhà nghiên cứu bây giờ có thể sử dụng nó như một cơ chế để phát hiện sớm những đứa trẻ bị rối loạn tính toán và tìm cách chữa trị cho chúng.
Hiệu ứng này đến từ đâu?
Trước đây, cũng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy sự co giãn đồng tử trong mắt không chỉ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng. Điều đó có nghĩa là nó không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ cơ học như các lá khẩu trong ống kính máy ảnh.
Thay vào đó, đồng tử còn nhạy cảm với cả kích thước của vật thể, bối cảnh mà chúng ta đang nhìn chúng và bây giờ là số lượng của các đối tượng. Điều này cho thấy sự giãn nở của đồng tử trong mắt chúng ta đang được kiểm soát bởi các cơ chế tín hiệu cao hơn trong não người.
Về việc phản ứng này đến từ đâu, các nhà khoa học cho biết nó có thể liên quan đến nhu cầu sinh tồn của chúng ta. Đồng tử giãn cho phép nhiều ánh sáng đi vào võng mạc, giúp chúng ta có được tầm nhìn tốt hơn.
Tình huống tương tự xảy ra khi chúng ta cần nhìn rõ một số lượng kẻ thù nhiều hơn, một tình huống nguy hiểm hơn, đồng tử cũng sẽ giãn ra cho phép chúng ta cảnh giác hơn.
"Trong khi nhìn thế giới xung quanh, một cách bản năng chúng ta sẽ có được nhận thức về hình thức, kích thước, chuyển động và màu sắc của một cảnh vật. Một cách tự nhiên, chúng ta cũng nhận thức được số lượng vật thể trước mắt mình.
Khả năng này được chia sẻ với hầu hết các loài động vật khác là có cơ sở tiến hóa: Nó tiết lộ ngay lập tức những số lượng đối tượng quan trọng, chẳng hạn như có bao nhiêu quả táo trên cây, hoặc có bao nhiêu kẻ thù đang tấn công", nhà tâm lý học David Burr đến từ Đại học Sydney, Australia giải thích.
Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Nature Communications.
Tham khảo Sciencealert