"Cơn lốc cánh trái" Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em

TIẾN THÀNH - DESIGN: RIVERSIDE |

Câu chuyện này dành cho những ai đang còn tự ti, ngờ vực về chính bản thân mình. Hy vọng nó có thể giúp các bạn có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Tôi biết mọi người đã đọc nhiều thứ hay ho về tôi trong vài năm qua.

Như là ở tuổi 15, tôi trở thành cầu thủ trẻ thứ 2 trong lịch sử từng chơi tại giải bóng đá nhà nghề Mỹ.

Hay là ghê hơn thì vào năm 17 tuổi, tôi đã phá kỷ lục chuyển nhượng trong thương vụ tới Bayern Munich.

Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 1.

Đọc đến đây, hẳn không ít người sẽ nghĩ tôi thật cừ và dễ dàng đạt được những gì bản thân mong muốn. Nhưng thật ra không phải vậy đâu. Thành quả ấy đến chẳng hề dễ dàng, có những lúc tôi tưởng chừng đã gục ngã…

Ngày cập bến Vancouver Whitecaps vào năm 14 tuổi, tôi chỉ là một thằng nhóc hay sợ hãi. Để có thể chơi bóng với họ, tôi phải xa gia đình mình tại Edmonton, đó thực sự là một cực hình. Chẳng những thế, tôi còn nhận ra bản thân cũng rất làng nhàng trong dàn cầu thủ nhí khi ấy. Thực tế, tôi đã "tạch" ở hai buổi tuyển chọn vào một năm trước đó. Tới lần thứ 3, chẳng biết vì sao nhưng họ đã chọn tôi.

Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 2.

Gia đình Alphonso Davies.

Càng tập luyện, thử thách lại càng lớn hơn. Tôi chật vật tại đội U16 của Vancouver và phải mất một quãng thời gian dài để hòa nhập.

Vừa thấy ổn ổn, tôi lại bị đôn lên đội U18, mức độ khó khăn đạt đến "level max". Ghê thật. Nhưng đến khi được chọn lên đội dự bị, tức là ở mức chuyên nghiệp rồi, tôi thực sự thấy choáng toàn tập.

Đột nhiên, tôi phải chơi cùng với những người "bự" hơn mình rất nhiều. Vài tuần đầu tiên, tôi làm gì cũng tệ.

Tôi chẳng thể theo kịp. Tôi chẳng đủ khỏe. Tôi chẳng phân tích kịp tình huống. Rồi khoản chuyền bóng cũng rất dở. Khi ấy, tôi đã lo lắng tột độ. "Nơi đây có dành cho tôi không? Tôi có thể làm được gì tại đây không?".

Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 4.

Tôi thu mình lại để suy nghĩ, về tất cả mọi thứ liên quan tới trái bóng. Ước mơ của tôi chẳng gì khác ngoài việc trở thành một ngôi sao tại châu Âu. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra, hầu hết các sao số đều đến từ châu Âu hoặc một nơi nào đó ở Brazil và Argetina.

Liệu có gã nào thành danh đến từ Edmonton, nơi mà mọi người chủ yếu chỉ chơi khúc côn cầu? Chẳng có ai cả.

Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 5.

Thật lòng mà nói: Có rất nhiều lý do khiến Edmonton của tôi không sản sinh ra nhiều chân sút tài năng. Kinh khủng nhất phải nói về khoản thời tiết. Nơi tôi ở không chỉ lạnh, phải nói là sống trong băng giá thì đúng hơn. Vào tháng 9, tuyết rơi phủ kín mọi nơi và bạn tất nhiên không thể phi ra ngoài chơi bóng được.

Phải thừa nhận cái rét đã khiến tôi sốc nặng. Có thể bạn không biết, tôi sinh ra ở một trại tị nạn ở Ghana và có cha mẹ là người Liberia. Gia đình chuyển tới Canada năm tôi lên 5 tuổi. Một năm sau đó, họ đến Edmonton. Tôi còn nhớ như in một hôm tỉnh dậy và thấy thứ gì đó màu trắng phủ đầy bên ngoài. "Cái gì thế nhỉ?", tôi nghĩ trước khi tò mò bước ra với độc một chiếc áo phông và quần cộc. Tôi từ từ chạm vào lớp tuyết và nhanh chóng cảm nhận được cái lạnh kinh hồn.

Kể từ đó, tôi không thích mùa đông. Đến nay tôi vẫn vậy dù đã sống ở Canada được rất nhiều năm.

Đến Edmonton, tôi phải làm quen với vô số thứ mới mẻ. Chuyện ở nhà này, chuyện ở trường này rồi phải kết bạn nữa. Nhưng về khoản kết bạn thì tôi không giỏi cho lắm. Có thời điểm, tôi chẳng biết một ai ngoại trừ gia đình mình. Như đã nói, tôi từng khá nhút nhát và không mau miệng như bây giờ đâu. Tuy nhiên, nếu gặp đúng cạ, con người thật của tôi mới xuất hiện. Thế nào nhỉ, đó là một anh chàng khiêm tốn và khá vui vẻ.

Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 6.

May mắn là thể thao đã giúp tôi gắn kết với mọi người. Tôi từng theo điền kinh, chơi bóng rổ, bóng chuyền. Tôi cũng thử khúc côn cầu trên băng nữa. Tôi có một người bạn, gia đình của cậu ấy sở hữu một sân băng. Tôi đến nhưng chẳng biết trượt thế nào. Thậm chí, buộc dây giày trượt băng tôi còn chẳng biết và phải nhờ bạn của mình. Suốt buổi, tôi ngã lên ngã xuống. Nát thật.

Tôi cố gắng tập luyện khoảng một ngày rồi cũng ổn hơn. Chỉ ổn thôi chứ không đời nào giỏi được. Ít ra tôi cũng có thể đứng được trên mặt băng rồi. Nhưng thực tình, nếu muốn trở thành một cầu thủ khúc côn cầu giỏi, tôi phải làm được hơn thế rất nhiều. Dù sao, tôi cũng chẳng khoái làm một VĐV khúc côn cầu.

Cha tôi, ông Debeah, chơi cho một đội bóng nghiệp dư ở địa phương và mỗi cuối tuần, ông lại bật TV lên để xem Chelsea.

Và thế là, tôi lớn lên cùng với những Didier Drogba hay Michael Essien. Chelsea cũng trở thành đội bóng yêu thích của tôi. Rồi khi đi ngủ, tôi lại mơ mình là một ngôi sao, chạy trên thảm cỏ của trời Âu, ghi một bàn thắng khiến hàng vạn người phát điên.

(À thật ra tôi cũng muốn trở thành diễn viên nữa. Hiện tại, tôi vẫn giữ niềm đam mê này nhưng bóng đá thì là số 1).

Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 7.

Một ngày khi tôi khoảng 9 hay 10 tuổi gì đó, một người bạn thấy tôi chơi bóng tại trường. Cậu ta đang định tham dự buổi tuyển chọn tại đội bóng có tên Edmonton Internationals. Thế nào mà cậu ta lại rủ tôi đi cùng. Vài giờ sau, cả hai đã có mặt tại sân rồi. Tôi thì lo lắng đến phát hãi nhưng cậu ta động viên, "Mọi thứ sẽ ổn thôi. Ông rất giỏi mà".

Áp lực rất lớn bởi bạn chỉ có duy nhất một ngày để thể hiện và sẽ đỗ hoặc không. Pha chạm bóng đầu tiên của tôi khá toang. Nhưng rồi tôi thực hiện thành công vài cú lừa bóng, sự tự tin đã tăng cao. Tôi nhanh chóng thể hiện được những gì tốt nhất của bản thân.

Vài tiếng sau, chúng tôi ngồi đó để chờ công bố kết quả. Trong bầu không khí im lặng tới đáng sợ, HLV đi qua đi lại và nhìn vào tấm bảng của ông ấy. Tôi thì nín cả thở, cảm giác thời gian như ngừng trôi vậy. Cuối cùng, ông ấy nói, "Này các cậu, chúc mừng nhé. Tất cả các cậu đã được tuyển vào đội".

Sự lo lắng nhanh chóng được chuyển thành niềm vui tột độ. Cả đám hét lớn, "Yeeaaahh!!".

Và tôi bắt đầu với bóng đá từ đây. Thứ giúp tôi không ngừng cố gắng chính là niềm đam mê mãnh liệt với trái bóng. Nó vẫn luôn hừng hực trong huyết quản của tôi. Nhưng có một vấn đề khá lớn xuất hiện.

Tôi thường xuyên đến tập muộn bởi phải lo... trông các em!

Tôi bây giờ 19 tuổi. Em gái tôi, Angel, 8 tuổi, và em trai tôi, Brian, thì 12. Vào 7 năm trước, cả nhà phải để mắt tới 2 nhóc cả ngày, và bố mẹ tôi thì không phải lúc nào cũng có thời gian.

Cha tôi làm trong xưởng đóng gói thịt gà. Thi thoảng, ông phải rời nhà lúc nửa đêm để làm việc và trở về vào sau giờ trưa. Mẹ tôi, Victoria, là một nhân viên lau dọn. Bà thường rời nhà lúc 9h tối, xong việc vào lúc 8h sáng hôm sau. Nếu ngày nào cha mẹ của tôi cùng phải làm ca đêm, họ sẽ không thể trông em được. Vì thế, trong lúc đám bạn đang tập luyện hay chơi điện tử, thì tôi phải ngồi nhà, thay tã và hát ru.

Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 8.
Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 9.

Tình cảnh như thế tất nhiên không ổn chút nào cho sự nghiệp chơi bóng. Nhưng rồi, tôi bỗng lại gặp may. Ngày nọ, một người bạn của tôi rời đội để chuyển sang CLB khác, Edmonton Strikers, nơi bố cậu ta làm HLV. Cậu ta muốn kéo tôi sang cùng. Chẳng hiểu sao tôi lại đồng ý nữa bởi đội bóng này lúc ấy đá rất tệ, còn đang xếp chót giải đấu.

Nhưng tôi phải cảm ơn quyết định đó vì bố cậu bé chính là Nick Huoseh, người đại diện bây giờ của tôi.

Nick đã thổi một luồng sinh khí mới vào đội bóng. Ông ấy nâng tầm cho những anh chàng cầu thủ vốn chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng lại thừa sự chăm chỉ. Với tôi, ông ấy còn hơn cả một HLV nữa chứ. Nick giúp đỡ tôi quá nhiều, ông lo cho tôi việc tập luyện, ăn uống và còn đèo tôi về nhà. Nick cố gắng hết sức để giúp tôi phát triển đúng hướng. Ông chăm sóc tôi như thể người nhà vậy.

Năm 11 tuổi, bên cạnh việc chơi cho Strikers, tôi còn ghi danh vào Học viện bóng đá St. Nicholas và được tập mỗi ngày. Ở đó, ai cũng mê bóng đá như tôi vậy. Khi tôi muốn vào sân, chẳng có ai muốn bị thế chỗ cả. Ai cũng quyết tâm cao độ. Học viện còn sở hữu khu vực tập luyện trong nhà và chúng tôi chẳng phải lo "ngồi chơi" vào mùa đông nữa.

Rèn giũa tại một nơi như thế, bảo sao tôi lại không tiến bộ. Cứ như vậy, tôi duy trì việc chơi cho cả Strikers lẫn St. Nicholas, và luôn cố gắng tập luyện được nhiều nhất có thể.

Vào tháng 8/2005, khi bước sang tuổi 14, tôi đã đủ tốt để chơi cho Vancouver Whitecaps. Tôi thì không muốn xa gia đình vào tầm tuổi ấy nhưng may thay, tôi nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời của CLB. Đầu tiên là chỗ ở. Rồi những ngày tôi bận tập không thể đến trường, họ sẽ bỏ tiền thuê gia sư cho tôi. Tôi được chăm sóc kỹ lưỡng trong suốt thời gian gắn bó cùng Vancouver.

Trở lại với câu chuyện ở phần đầu, thời điểm đó vào khoảng tháng 4/2016. Tôi đã có nhiều trận thi đấu khá tệ. Điều này lặp lại liên tục khiến tôi cảm thấy bất lực, chẳng biết làm gì. Nhưng rồi, một người đàn anh trong đội đã động viên tôi rất nhiều. Tên anh ấy là Pa-Modou Kah, một người kinh nghiệm đầy mình và từng chơi bóng ở Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan, Qatar, Saudi Arabia và Portland Timbers.

Anh ấy xem tôi thi đấu và nhận ra tôi đang gặp vấn đề. Anh ấy nhẹ nhàng động viên tôi rằng, "Cố gắng lên em. Ai cũng có những lần thi đấu dở cả. Chỉ những ai vững vàng mới có thể vượt qua được quãng thời gian khó khăn đó".

Nghe anh nói thế, đầu tiên, tôi chỉ nhún vai nghĩ, "Anh ấy chỉ nói vậy thôi. Có lẽ anh ấy muốn cho mọi người thấy mình là người tốt bụng". Nhưng theo thời gian, tôi bỗng ngấm dần. Đặc biệt là câu cuối cùng. "Chỉ những ai vững vàng mới có thể vượt qua".

Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 10.

Tôi bắt đầu nghe theo lời khuyên của anh ấy. Tôi không còn chùn bước, sẵn sàng chiến đấu hết mình. Mọi thứ bắt đầu tốt lên. Vào tháng 5, tôi ghi bàn thắng đầu tiên tại giải USL Championship (hiện là giải hạng 2 của Mỹ). Và thế là HLV đội một, ông Carl Robinson, tiến tới nói với tôi khá ngắn gọn, "Này Anphonso, tôi muốn cậu lên tập với chúng tôi".

Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 11.

Đáng lẽ nghe như vậy, tôi phải nhảy cẫng lên sung sướng mới phải. Nhưng giây phút đó, tôi lại thấy lo lắng nhiều hơn.

Nói gì thì nói, tôi mới chỉ 15 tuổi thôi, có lẽ còn quá sớm. Trong buổi tập đầu tiên, tôi bước ra nói vài câu giới thiệu ngắn gọn trước khi làm bạn với trái bóng. Liếc qua thấy mọi người ai cũng khủng và nhanh hơn mình, tôi trở nên hoang mang tột độ, "Không biết mình có đủ tầm để chơi ở đây không nhỉ".

Và rồi tôi lại nhớ tới lời căn dặn của Pa-Modou Kah. Tôi không còn ở đội dự bị để nghe lời khuyên từ anh ấy nữa, tôi phải tự nhắc nhở bản thân thôi. Sự tự tin đã trở lại và tôi tiếp tục tập luyện hết sức có thể. Ngày qua ngày, tôi dần quen hơn với cách chơi của toàn đội.

Đến một buổi tập, tôi quyết định sẽ phô diễn kỹ năng đi bóng của mình trước đội trưởng. Anh ta phải cao hơn 2m mất, thân hình thì hộ pháp. Tôi chẳng biết diễn tả như thế nào nữa nhưng tôi đã vượt qua được anh ta. Tất cả mọi người xung quanh chỉ còn biết há hốc miệng ngạc nhiên.

Ngỡ ngàng cũng phải thôi bởi ai ngờ được một thằng nhóc gầy nhom đến từ Edmonton lại có thể khiến cho đội trưởng bẽ mặt. Khi quay lại, tôi thấy anh ta đang rất tức giận. Lúc ấy, tôi nghĩ trong đầu, "Hỏng rồi, anh ta sẽ giết mình mất". Cả buổi tập hôm đấy, tôi phải tránh anh ta xa nhất có thể.

Dù sao đi nữa, khoảnh khắc ấy cho thấy tôi đủ sức chơi ở đội một. Ngày 15/7/2016, tôi ký hợp đồng chuyên nghiệp với CLB. Ngày hôm sau, chúng tôi có một trận đấu. Khi mực trên hợp đồng còn chưa ráo, HLV Carl bỗng nói với tôi, "Cậu sẽ có tên trong danh sách tham dự cuộc đối đầu ngày mai nhé". Lần này, đến lượt tôi phải há hốc mồm ngạc nhiên.

Tôi vẫn nhớ trận đấu đó chúng tôi phải gặp Orlando City trên sân BC Place với 22 nghìn khán giả. Tôi ngồi trên băng ghế dự bị và thấy đội nhà bị thủng lưới trước. Chúng tôi lội ngược dòng nhưng họ lại gỡ hòa 2-2. Khi tôi còn đang nghiền ngẫm thì HLV trưởng quay sang nói, "Alphonso, khởi động đi".

Nghe vậy, tôi bước ra làm nóng cùng 3 người đàn anh khác. Rồi thì, "Alphonso, cậu sẽ vào sân nhé".

Tôi đứng hình toàn tập. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tôi là ai? Và đây là đâu?

Tôi thay áo và làm thủ tục vào sân. Trận đấu còn khoảng 14 phút nữa và tôi thì lo lắng tới phát điên. Khi đó, tôi không muốn chạm vào bóng nữa. Tôi không muốn ai chuyền cho mình. Tôi không muốn mắc sai lầm gì hết.

Nhưng rồi một đường bóng dài tìm tới tôi và một gã hậu vệ to lớn ngay lập tức có mặt. Tôi chỉ kịp nghĩ, "Thôi xong mình rồi".

Không biết bằng cách nào tôi đã khống chế bóng thành công, chạm thêm một nhịp nữa trước khi tung một cú sút. Nó chẳng trúng đích nhưng mang cho tôi sự tự tin cao độ. Phần lớn các cầu thủ làm quen với trận đấu bằng những pha chạm bóng hay đường chuyền đơn giản. Còn tôi thì là qua người và dứt điểm. Không dễ dàng chút nào nhưng việc này đã giúp tôi ném bay sự sợ hãi qua cửa sổ. Tình huống ấy đã truyền cho tôi cả tấn năng lượng để tiếp tục tiến lên.

Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 12.

Sau đó, mọi thứ ngày càng thuận lợi. Năm 2017, tôi ra sân thường xuyên tại đội một. Năm sau đó, tôi ghi được 8 bàn tại giải VĐQG Mỹ và được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất năm của đội. Rồi Bayern gửi cho tôi một lời đề nghị. Khi Bayern muốn có bạn, bạn không thể nói lời từ chối.

Vào thời điểm rời Whitecaps vào tháng 11/2018, tôi đã khác hoàn toàn so với hình ảnh một cậu nhóc nhút nhát khoảng 4 năm trước đó. Tôi biết mình sẽ đến đâu, tôi biết mình phải làm gì. Khi đến Bayern, tôi không còn lo lắng quá nhiều nữa. Tôi chỉ muốn mọi người thấy tôi đủ đẳng cấp để thi đấu tại đó. Tôi đã trải qua một chặng đường rất dài để tới được Bayern và không muốn phải nhận thất bại. Mỗi khi có khó khăn, tôi lại tự nhắc bản thân về điều này.

Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 13.
Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 14.

Kể từ đó tới nay, tôi cùng "Hùm xám" giành được 2 Bundesliga, 2 cúp Quốc gia rồi được bầu là tài năng đột phá của năm. Thật tuyệt vời, còn gì hạnh phúc hơn thế nữa.

Nhưng bất kể tôi thi đấu ở Đức trong bao lâu, Bắc Mỹ vẫn luôn là nhà của tôi. Khi trở lại đó vào năm ngoái để tham dự Audi Tour, tôi đã cảm thấy rất tuyệt vời. Năm nay, toàn đội lên kế hoạch tới Trung Quốc du đấu mùa hè nhưng dịch Covid-19 nổ ra. Không sao cả, chúng tôi đã tổ chức một giải đấu trực tuyến và tôi mong từ đó mọi người sẽ biết tới mình nhiều hơn, đặc biệt là các em nhỏ.

Sao giờ nhỉ, thật ra, tôi cũng đã nghĩ về tương lai của mình sau này rồi. Tôi muốn chơi bóng tại Đức lâu nhất có thể và nhiều năm nữa khi tôi phải giải nghệ, tôi sẽ theo nghiệp HLV. Ai biết tôi sẽ kết thúc chặng đường của mình tại nơi nào? Có thể là ở châu Âu hoặc trở về Canada. Tôi không biết nữa.

Nhưng từ giờ tới đó còn lâu lắm. Tôi mới chỉ 19 thôi và không muốn nghĩ quá nhiều đến việc kết thúc. Tôi có rất nhiều ước mơ khi còn là một đứa trẻ và Bayern đã giúp tôi đạt được những điều đó.

Tin tôi đi, còn rất nhiều điều ở phía trước nữa.

Và tôi mới chỉ bắt đầu thôi!

Cơn lốc cánh trái Alphonso Davies: Sự nghiệp của tôi suýt hỏng vì phải... trông em - Ảnh 15.

Nguồn: Player Tribune.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại