Trong thời đại thông tin, hầu hết mọi lớp học đều có nhóm chat riêng dành cho phụ huynh liên lạc với giáo viên. Mới đây, tại Trung Quốc có một vụ việc đã gây tranh cãi trong cư dân mạng liên quan đến vấn đề này.
Được biết, một học sinh trong lớp tiểu học tên Tiếu Tiếu đã không hoàn thành bài tập về nhà nên giáo viên chủ nhiệm đã công khai nêu tên, chỉ trích phê bình trẻ trong nhóm phụ huynh cả lớp. Đây là chuyện khá quen thuộc dù khiến một số phụ huynh cảm thấy rất khó chịu.
Tiếu Tiếu mới nhập học một tháng và điểm số của cô bé luôn ở mức trung bình. Cha mẹ của bé vốn rất tâm lý, không muốn con bị ám ảnh quá mức về điểm số, chỉ cần con vui vẻ học tập, hòa đồng với các bạn trong lớp, chăm chú nghe lời thầy cô là được.
Tuy nhiên, hành vi gần đây của Tiếu Tiếu có chút bất thường. Mẹ cô bé cho biết đêm nào con cũng phải làm bài đến khuya, mẹ giục đi nghỉ vẫn nhất quyết ngồi học tiếp. Hóa ra là vì cô bé biết việc mình bị nhắc nhở trong nhóm phụ huynh của cả lớp, cảm thấy xấu hổ và có lỗi. Bé cũng không muốn vì mình mà bố mẹ bị mất mặt với người khác nên mới cố gắng như vậy.
Nhìn thấy tình trạng này, mẹ của Tiếu Tiếu đã quyết định đăng ảnh con làm bài tập về nhà vào đêm khuya vào nhóm chat chung. Trong ảnh là đứa trẻ ngủ quên trên cuốn sách bài tập về nhà.
Đứa trẻ ngủ quên trên đống sách bài tập về nhà
Nhìn thấy ảnh này, những phụ huynh khác đều im lặng. Mẹ của Tiếu Tiếu kể rằng bản thân cô cũng rất bận rộn trong công việc, con gái rất tự lập, luôn tự giác hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn mỗi ngày. Tuy nhiên bài tập ngày hôm đó rất khó và vì viết chậm nên em đã ngủ gục trên bàn. Bố mẹ thấy vậy cũng không đánh thức con dậy. Sáng sớm hôm sau, Tiểu Tiểu thức dậy liền than thở bài tập chưa làm xong, còn phàn nàn mẹ không đánh thức mình dậy làm tiếp. Hóa ra việc cô bé không hoàn thành bài tập về nhà không phải là cố ý. Thế nhưng bé vẫn bị cô giáo công khai điểm danh, gây tổn thương không nhỏ tới tâm lý trẻ thơ.
Cư dân mạng đã chia phe tranh cãi trước vụ việc. Có phụ huynh lên tiếng bài tập về nhà của trẻ nhỏ hiện nay quá nhiều đến không cần thiết: "Con trai tôi đang học lớp một mà bài tập đã rất nhiều, ngày nào cũng phải làm rất lâu. Tôi không dám nói nhưng có một số phụ huynh không chịu nổi đã phàn nàn bài tập nhiều. Cô giáo trả lời gay gắt: Bài tập về nhà đâu phải là cho cô, nếu anh chị cho rằng trẻ có thể nắm vững kiến thức rồi thì bảo con đừng làm".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến bênh vực cô giáo, cho rằng phụ huynh này đang "làm quá" và việc dằn mặt giáo viên như vậy là gay gắt.
Phụ huynh và giáo viên nên giao tiếp như thế nào?
Bản chất của giáo dục là tình yêu thương. Giáo viên, cha mẹ và con cái đều là những người tham gia vào quá trình học tập, mối quan hệ giữa ba bên rất chặt chẽ và bổ sung cho nhau. Nhờ giao tiếp, chúng ta có thể hiểu nhau hơn, giải quyết vấn đề và đạt được sự đồng thuận. Phụ huynh và giáo viên có thể giao tiếp hiệu quả thì người hưởng lợi sẽ là học sinh.
Khi giao tiếp với giáo viên, cha mẹ có thể chủ động nắm bắt được tình hình học tập và mức độ nắm vững kiến thức của con mình. Điều này thể hiện việc cha mẹ rất coi trọng việc học của con mình, giúp giáo viên sẽ cảm thấy mình không làm việc một mình mà cùng nhau làm việc để cải thiện giáo dục.
Phụ huynh và giáo viên đều cần tôn trọng lẫn nhau
Phụ huynh luôn được khuyến khích xây dựng thái độ tích cực khi trao đổi với thầy cô giáo của con vì như vậy mới thể hiện thái độ tin tưởng rằng giáo viên đang làm việc vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Đôi bên cũng cần tôn trọng lẫn nhau. Phụ huynh thì cần tôn trọng kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn của giáo viên và lắng nghe những góp ý, ý kiến của họ. Ngược lại, giáo viên cũng cần học cách giáo tiếp khéo léo, ứng xử thông minh để trẻ không bị tổn thương nếu bị phê bình hay khiển trách.