Ví dụ như ngành ngành khách sạn hay trung tâm thương mại... trước đây từ tổng quản lý trở lên hầu hết là người nước ngoài, nhưng giờ đây Vingroup đều bổ nhiệm người Việt. Ông Vượng cũng cho rằng nếu không đào tạo thì không có được nhân tài, nhân lực để duy trì hoạt động chứ chưa nói đến sự phát triển hệ thống.
Câu trả lời của ông cũng phần nào khiến người ta dễ hình dung về "cơn khát" nhân sự cấp cao trong lĩnh vực quản lý khách sạn hiện tại.
Theo thống kê của Forbes, du lịch Việt Nam sau 6 năm thay đổi đáng kể cả về số lượng khách, cơ sở lưu trú cho tới chính sách visa. Theo đó nếu năm 2010 Việt Nam chỉ có khoảng 5 triệu khách quốc tế, 28 triệu lượt khách nội địa thì đến năm 2016 con số tương đương đạt tương ứng 10 triệu và 62 triệu lượt.
Những chính sách như tăng miễn phí VISA, e- VISA, tăng số đường bay trực tiếp quốc tế, tăng số sân bay quốc tế góp phần tạo nên những bước đi ấn tượng của ngành du lịch.
Về cơ sở lưu trú cũng tăng lên nhanh chóng lên tổng 91,2 nghìn phòng hạng 3-5 sao so với mức 62 nghìn năm 2013. Phân khúc khách sạn 5 sao tăng nhanh nhất với mức gần gấp đôi so với năm 2013.
Nguồn: vietnamtourism.gov.vn
Tuy vậy, hiện phần lớn phần lớn thị phần quản lý khách sạn cao cấp thuộc về các tập đoàn nước ngoài và nhà quản lý vẫn chiếm nhiều ưu thế trong hợp đồng quản lý.
Dễ dàng kể tên như Intercontinental Hotels Group hiện đang quản lý 12 khách sạn, hay resort 4 sao trở lên như Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort do Sun Group làm chủ đầu tư, Intercontinental Phu Quoc do BIM Group làm chủ đầu tư hay Hilton Hotels & Resorts quản lý chuỗi khách sạn Hilton do BRG Group làm chủ đầu tư.
Các doanh nghiệp trong nước không phải không nhận ra thị trường hấp dẫn này. Tuy nhiên giám đốc một khách sạn từng chia sẻ phạm vi cạnh tranh giữa các khách sạn không chỉ gói gọn ở thị trường trong nước mà đã mở rộng ra khu vực.
Chẳng hạn với những đoàn khách kết hợp du lịch với hội nghị (MICE), họ nhìn vào thương hiệu để mua sự yên tâm về chất lượng dịch vụ. Chính vì vậy những công ty quản lý có thương hiệu quốc tế luôn được chọn mặt gửi vàng.
Một vấn đề lớn khác trong lĩnh vực này không chỉ ở kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm phát triển thương hiệu và hệ thống bán phòng hiệu quả mà còn là nguồn nhân lực. Một số công ty muốn kinh doanh mảng này nhưng không thể tìm đủ nhân sự.
"Doanh nghiệp không thể vận hành có hiệu quả nếu thiếu nhân sự tốt, đặc biệt là những nhân sự chủ chốt để có thể đi quản lý thuê", một giám đốc làm trong ngành cho hay.
Chính vì thiếu nên không chỉ công ty trong nước mà cả các tập đoàn nước ngoài cũng đều phải "săn lùng" những người có kinh nghiệm, trong đó, những nhà quản lý điều hành khách sạn hiệu quả nhưng đang chuẩn bị nghỉ hưu là một trong những đối tượng được các tập đoàn chào mời.
Với các công ty quản lý khách sạn trong nước, phân khúc họ nhắm tới là các khách sạn 3 sao và tương đương. Một số khách sạn trước đây do chủ đầu tư tự điều hành, quản lý; một số khác quy mô nhỏ hơn nhưng đang tăng về số lượng và đang chịu áp lực cạnh tranh trong xu hướng thuê đơn vị quản lý chuyên nghiệp.
Về thu nhập, ông Lê Đình Tuấn , một người làm trong cách từng chia sẻ cách đây vài năm đã có hiện tượng nhân sự nước ngoài hưởng lương cao chót vót thì nhân sự trong nước chỉ thu về mức lương rất thấp.
Cụ thể, lương tổng giám đốc người nước ngoài của một khách sạn cao cấp từ 10.000 - 15.000 USD/tháng (210 - 320 triệu đồng/tháng) tùy quy mô, không tính thuế thu nhập (chủ đầu tư trả). Ngoài ra, họ còn được chi trả nhiều chính sách khác như biệt thự hạng sang, ô tô riêng, tài xế riêng, đi vé máy bay hạng thương gia...
Các trưởng bộ phận cũng hưởng mức lương không dưới 5.000 USD/tháng (hơn 100 triệu đồng/tháng) và bao chi phí căn hộ.
Ngược lại, thu nhập của nhân sự VN vẫn hết sức khiêm tốn, một phục vụ phòng hay phục vụ bàn vào khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Các vị trí có chuyên môn cao hơn cũng chỉ tương đương 1.000 USD/tháng (khoảng 21 triệu đồng).
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực Việt trong lĩnh vực này, Vingroup đã sáng lập ra Quỹ học bổng 10 triệu USD nhằm "Phát triển năng lực cán bộ quản lý doanh nghiệp Việt Nam".
Theo đó Quỹ này hỗ trợ các dự án đào tạo Giám đốc điều hành trong lĩnh vực khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế bởi các tổ chức đào tạo uy tín hàng đầu thế giới như Viện Quản lý Khách sạn Hoa Kỳ AHLEI, được thực tập các vai trò trọng yếu trong mạng lưới resort, khách sạn 5 sao và cao cấp ở Việt Nam.
Ngoài ra Quỹ này còn hỗ trợ đào tạo 50 Giám đốc điều hành và quản lý cao cấp cho các Trung tâm thương mại tại Việt Nam.