Con khăng khăng nhận hạnh kiểm trung bình, cô giáo than “đến chết với con nhà chị”

N. Huyền |

Chị Hoàng Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) than phiền về cậu con 'ngang hơn cua”. Năm nay học lớp 12 rồi mà có đến 10 năm đi học con toàn “tự nhận” hạnh kiểm trung bình.

Chị Hoàng Lan nói về lý do con nhận hạnh kiểm trung bình: “Vì đủ thứ tội. Khi thì vì trốn khai giảng (nó bảo năm nào cũng bài diễn văn ấy, những gương mặt ấy, đến khách mời cũng cũ,... nên cùng lũ bạn trèo tường trốn mất tăm). Khi thì vì cãi giáo viên, khi thì không làm bài tập hay bị nhiều điểm kém”,

Theo bà mẹ hai con này, có lần cô giáo chủ nhiệm còn gọi phàn nàn: “Chị ơi, em cũng đến chết với con nhà chị, em hỏi nó có muốn lên hạnh kiểm khá không thì nó khăng khăng không chịu. Nó bảo con chỉ xứng đáng loại trung bình thôi ạ, cô cứ để con trung bình. Thật em không biết phải làm thế nào!”.

“Tối đấy tôi hỏi con sao lại thế thì con bảo tuần nào cũng ra vào phòng giám thị đến mấy lần thì chỉ xứng đáng hạnh kiểm trung bình thôi, nhận loại khá để mà lũ bạn cười cho thối mũi, trung bình là bình thường thôi”, chị Hoàng Lan kể lại.

Con khăng khăng nhận hạnh kiểm trung bình, cô giáo than “đến chết với con nhà chị” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngẫm nghĩ lại, chị Lan thấy con trai mình đúng là “anh hùng hảo hán” từ bé. Ngay từ hồi học cấp hai, con đã nhận tội thay bạn vì “đằng nào tao cũng có tội phải kiểm điểm rồi nên nhận thêm tội cũng không sao, tao nhận tội giúp cho mày thoát”.

“Thực sự là tôi ức muốn chết luôn vì không làm gì được. Nói con kiểu gì cũng không nghe. Thậm chí có lần nó còn bảo "Con học mẹ, trước mẹ chẳng kể hay trốn học, cãi thầy và bảo vệ bạn là gì?"”, chị Hoàng Lan bối rối nói.

Chia sẻ với băn khoăn của bà mẹ này, chuyên gia giáo dục TS Vũ Thu Hương cho hay, có một thực tế là nhiều bố mẹ coi con ngoan nghĩa là làm theo lời bố mẹ, thầy cô.

Trong khi giáo dục đạo đức là chỉ rõ ranh giới được phép/không được phép. Hơn nữa, đánh giá đạo đức khá hay trung bình không có nhiều giá trị vì đó là đánh giá chủ quan.

“Điều đó không làm trẻ ngoan hay hư thêm. Rõ ràng thằng bé đã nói đúng. Nó hay phá phách thì phải ở mức hạnh kiểm ấy, bạn hiền lành thì ở mức tốt là đúng”, TS Vũ Thu Hương bày tỏ.

Tuy nhiên, điều quan trọng với các trẻ này là chỉ dẫn chính xác ranh giới và hướng dẫn trẻ thực hiện điều tốt đẹp cho người khác, cứu giúp người khác.

Với các trẻ này, nếu khéo khơi gợi, trẻ sẽ trở thành những người mạnh mẽ, sẵn sàng cứu giúp, che chở người khác.

Do đó, trong tình huống này, bố mẹ cần giải thích kĩ điều gì được làm, điều gì không được làm. “Bố mẹ, nói rõ là nội quy không thực sự quan trọng nhưng nếu là pháp luật thì mọi chuyện lại khác. Theo đó, nếu con vi phạm pháp luật nghiêm trọng, con sẽ bị đi tù hoặc hơn nữa, vì thế con cần biết điểm dừng”, TS Vũ Thu Hương bày tỏ.

Chung quan điểm này, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo – Wegood phân tích, ở tuổi này các con gàn dở trong sự hoang mang. Dù cái tôi của con lớn nhưng suy nghĩ còn non nớt vì mới chỉ dừng lại ở sự bắt đầu thực hành để trải nghiệm thực tế.

Nếu con muốn thể hiện thì thay bằng phủ nhận, chê bai, thậm chí quát mắng, cấm đoán,... cha mẹ hãy bình tĩnh lắng nghe con để con được giải tỏa sự bí bách muốn thể hiện cho bằng hết cái lối suy nghĩ có thể sai, có thể không giống ai của con.

Vì vậy, thay bằng bắt con phải nghe, áp con phải làm theo ý mình, cấm con được cãi lệnh, cha mẹ hãy nghe và hãy thấu hiểu con thật nhiều bằng sự bình tĩnh trấn an, bình tĩnh công nhận, bình tĩnh phân tích nhẹ nhàng trong định hướng để con vẫn có cái quyền tự quyết định nhưng trên cơ sở đúng đắn từ chính kinh nghiệm của cha mẹ.

Cha mẹ trong những hoàn cảnh ấy hãy cố gắng kiềm chế, nói những câu nói tích cực, tạo động lực và tin vào con kể cả con có đang sai.

Bởi vì, dù bằng cách nào mà bố mẹ dạy bảo hay tương tác tiêu cực với con thì cũng là sự va đập rất mạnh vào trí não, tiềm thức của trẻ, khiến chúng tự tạo cho bản thân sự gai góc, bất cần và phòng thủ. Từ ánh mắt, cử chỉ, thái độ, lời nói.... của các con luôn hiện hữu như vậy.

Bà Hiền lưu ý thêm, cha mẹ đừng quên việc phải cảm nhận con yếu gì, thiếu gì, cần gì để phát triển tốt nhất mà đón đầu giúp con, chứ nếu "hỏng mới sửa" thì dù có sửa được cũng không thể như trước.

“Tuổi này hãy để con là một người đang trưởng thành và học để trưởng thành tốt nhất. Bố mẹ đừng bắt con là đứa trẻ cứ mãi phải bé bỏng trong vòng tay của cha mẹ.

Ở tuổi “dở ương” này, các bố mẹ nên dạy con bằng tư duy chứ không thể bằng hành vi. Theo đó, bố mẹ không chửi mắng, chì chiết, tuyệt đối không so sánh, chê bai con với bạn bè; không áp đặt, ra lệnh; không đáp ứng tự do; không hứa rồi để đó không làm; không làm hộ, ra quyết định hộ, nhưng cũng không nên nịnh nọt vuốt ve…

Và đặc biệt, bố mẹ phải chú ý đến con, đừng chủ quan trước các bất ổn tâm lý nếu con có rối loạn lo âu, căng thẳng trong bất lực; cam chịu trong chấp nhận cực đoan; nuôi dưỡng trầm cảm khi cái tôi vượt ngưỡng cực đoan. Những việc đó có thể dẫn tới tai họa khôn lường", bà Hiền chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại