Con kênh “huyết mạch nhất nhì thế giới” thiếu nước, loạt hàng hóa quan trọng đối diện nguy cơ ùn ú, giá tăng vọt

Linh Anh |

Lượng mưa thấp do biến đổi khí hậu đang khiến mực nước trên tuyến hàng hải huyết mạch này giảm mạnh tới mức người ta phải đặt hạn ngạch về số lượng tàu thuyền được phép đi qua.

Nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối châu Á với châu Mỹ, kênh đào Panama là nơi các tàu chở dầu, khí đốt, hàng tiêu dùng và thực phẩm qua lại mỗi ngày. Nếu con kênh không thể hoạt động trơn tru, rất nhiều tàu vận tải phải chọn đi tuyến đường khác, xa hơn hàng nghìn dặm, để có thể giao hàng.

Ở thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý kênh đào Panama đã áp đặt những hạn chế về số tàu được phép đi qua kênh. Dự kiến, biện pháp này kéo dài tới tháng 2 năm sau. Cho đến lúc đó, chỉ có 18 chuyến được qua kênh mỗi ngày, giảm một nửa so với một năm trước. Các tàu không được phép qua kênh có thể sẽ phải thay đổi lộ trình. Việc đi xa hơn đồng nghĩa với tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn, dẫn tới chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao.

Peter Sand, nhà phân tích trưởng của Xeneta có trụ sở tại Oslo – chuyên phân tích thị trường vận tải đường biển và đường không, cho rằng: “Đây thực sự là một thảm họa đang diễn ra một cách từ từ. Chúng tôi cho rằng tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất 1 năm nữa”.

Con kênh “quan trọng nhất nhì thế giới” thiếu nước, loạt hàng hóa quan trọng đối diện nguy cơ ùn ứ, giá tăng vọt - Ảnh 1.

Tàu xếp hàng qua kênh đào Panama.

Cuộc khủng hoảng với kênh đào Panama phản ánh một vấn đề đang xảy ra trên khắp thế giới: Biến đổi khí hậu. Không chỉ tại châu Mỹ, các dòng sông ở châu Âu cũng từng mất lượng nước khổng lồ trong đợt nắng nóng kỷ lục năm 2022. Ví dụ, sông Rhine và sông Danube cạn nước khiến thương mại trị giá khoảng 80 tỷ USD hàng năm bị gián đoạn. Nó ảnh hưởng đến lọc dầu, sản xuất điện và trồng ngô.

Trở về với hiện tại, tháng 10 vừa qua là tháng khô hạn nhất ở Panama kể từ khi dữ liệu này được ghi nhận năm 1950. Mực nước hộ Gatun, vùng nước ngọt mà tàu chuyền di chuyển trên đường qua kênh, đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy.

Những vấn đề với thương mại toàn cầu cũng từ đó nảy sinh. Theo cơ quan quản lý kênh đào, thương mại qua vùng đất này đã tạo ra doanh thu 4,3 tỷ USD vào năm ngoái. Tàu thuyền qua đây chủ yếu là các tàu chở dầu mang sản phẩm dầu mỏ, đặc biệt là propan hóa lỏng, từ các nhà máy lọc dầu của Mỹ đến châu Á, tàu container vận chuyển hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc tới bờ biển phía đông nước Mỹ và các tàu chở hàng triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Hạn chế đi lại qua kênh đào Panama trở thành thách thức đặc biệt đối với những người buôn bán khí propan, một loại chất đốt. Tồn kho propan và propylene (một loại chất đốt nhưng cũng có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất nhựa) của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục theo mùa. Nghịch lý là nhu cầu về các loại nhiên liệu này ở châu Á vẫn tiếp tục tăng.

Theo dự báo của chính phủ, Mỹ dự kiến xuất khẩu lượng propan nhiều hơn 12% trong mùa đông năm nay so với năm ngoái. Phần lớn hàng xuất khẩu đó cần đi qua kênh và sự chậm trễ có thể gây tốn kém cho các chủ hàng và làm tăng giá của người tiêu dùng.

Oystein Kalleklev, giám đốc điều hành của các công ty vận tải Flex LNG và Advance Gas, cho biết một số chủ hàng sẵn sàng trả tới 2,85 triệu USD chỉ để không phải xếp hàng chờ tới lượt qua kênh đào Panama.

Trong khi đó, giá tại châu Á cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1 với 750 USD/tấn do lo ngại sự chậm trễ ngày càng gia tăng. Thậm chí, ngay cả khi các dấu hiệu cho thấy như cầu yếu hơn ở châu Á, giá vẫn tiếp tục tăng.

Đối với các hãng vận tải container, hạn hán là biến cố mới nhất trong loạt sự kiện mà ngành này phải đối mặt trong những năm qua, từ Covid-19 tới nghẽn kênh đào Suez.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại