Còn hơn 1 tháng chạy chỉ tiêu, một loạt doanh nghiệp giảm kế hoạch lợi nhuận từ 30% cho đến 90%

Nhuận Hoa |

Kinh doanh gặp khó, Tập đoàn Masan, Petrolimex, Chứng khoán KS, Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2... đồng loạt giảm mục tiêu lợi nhuận xuống thấp hơn kế hoạch dự kiến.

Mới đây, trong bối cảnh nguồn cung và giá dầu thế giới thời điểm cuối năm biến động bất thường, gây ảnh hưởng đến chi phí tạo nguồn và lợi nhuận, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) cho biết tập đoàn khó lòng thực hiện được kế hoạch đặt ra cho cả năm.

Theo đó, công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường 2022, Petrolimex giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế từ mức 3.060 tỷ đồng xuống còn 300 tỷ đồng , tương ứng giảm khoảng 90%. Trong khi, kế hoạch doanh thu điều chỉnh tăng từ 186.000 tỷ đồng lên 240.000 tỷ đồng .

Ông lớn xăng dầu này lý giải, năm 2022, dưới biến động bất thường dị biệt của giá dầu và nguồn cung năng lượng thế giới, cơ chế vận hành liên quan đến cấu thành giá cơ sở và sự cố từ NMLD Nghi Sơn đã làm cho hoạt động KDXD của toàn Tập đoàn bị ảnh hưởng trực tiếp và trọng yếu. Đây là trường hợp bất khả kháng nằm ngoài khả năng dự báo khi xây dựng kế hoạch của Tập đoàn.

 Còn hơn 1 tháng chạy chỉ tiêu, một loạt doanh nghiệp giảm kế hoạch lợi nhuận từ 30% cho đến 90%  - Ảnh 1.

Cuối tháng 10, Tập đoàn Masan (MSN) cũng thông báo hạ kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 xuống còn 4.800 - 5.500 tỷ đồng, thấp hơn 30% - 35% so với mục tiêu lãi từ 6.900 - 8.500 tỷ đồng đã đề ra vào đầu năm nay.

Cụ thể, trong quý 3 vừa qua MSN ghi nhận tổng doanh thu thuần hơn 19.520 tỷ đồng và lãi ròng sau thuế hơn 840 tỷ đồng, tương đương giảm gần 17% và 47% so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn này cho biết kết quả kinh doanh suy giảm do lợi nhuận sau thuế của MEATLife và Masan High-Tech Materials giảm. Đồng thời bị ảnh hưởng từ khoản lỗ chưa được hiện thực hóa do biến động tỷ giá hối đoái tăng khi đánh giá lại khoản nợ bằng USD, thu nhập từ Techcombank giảm...

Riêng chuỗi trà và cà phê Phúc Long, sau 9 tháng đầu năm, nhằm tiết kiệm chi phí và tập trung vào các cửa hàng flagship, Phúc Long đã đóng cửa các ki ốt kém hiệu quả.

Dựa vào kết quả hoạt động vừa qua, Masan giải thích việc hạ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2022 rằng: " Do điều kiện thị trường không thuận lợi và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên, con số này vẫn thể hiện mức tăng trưởng vững chắc khi chuẩn hóa mức nền cao của năm 2021 ".

 Còn hơn 1 tháng chạy chỉ tiêu, một loạt doanh nghiệp giảm kế hoạch lợi nhuận từ 30% cho đến 90%  - Ảnh 2.

Còn theo lãnh đạo Công ty Chứng khoán KS , từ tháng 4/2022, tình hình thị trường có nhiều biến động lớn và chiến lược kinh doanh của Công ty thay đổi theo hướng gắn với phát triển hoạt động kinh doanh chứng khoán truyền thống dựa trên công nghệ. " Điều này đã tác động mạnh đến kế hoạch kinh doanh của Chứng khoán KS ", kéo theo động thái hạ chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo đó, kế hoạch doanh thu năm 2022 của Chứng khoán KS sau điều chỉnh là 890 tỷ đồng, giảm hơn 56% so với kế hoạch ban đầu. Các khoản chi phí cũng giảm sâu. Do đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế sau điều chỉnh là 450 tỷ đồng, chỉ gần bằng 37% kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua trước đó.

 Còn hơn 1 tháng chạy chỉ tiêu, một loạt doanh nghiệp giảm kế hoạch lợi nhuận từ 30% cho đến 90%  - Ảnh 3.

CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã: D2D) cũng vừa thông qua kế hoạch điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2022.

Cụ thể, trong năm 2022, Công ty điều chỉnh doanh thu về 173,25 tỷ đồng, giảm 59,5% kế hoạch đầu năm và lợi nhuận sau thuế điều chỉnh về 8,26 tỷ đồng, giảm 93,2% so với kế hoạch đầu năm.

Hồi tháng 6,  CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2022 với mục tiêu doanh thu 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận này thấp hơn 81,7% so với con số 600 tỷ đồng mà HĐQT từng đề ra vào tháng 1.

Ở diễn biến liên quan, các báo cáo gần đây của nhóm CTCK cũng vừa hạ dự báo lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Cụ thể, SSI hạ dự báo lãi ròng năm nay của Hòa Phát xuống 10.200 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ ròng 270 tỷ quý IV. Dự báo mới của VNDirect cũng giảm một nửa lợi nhuận Hòa Phát.

Lý do là bởi sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và các sản phẩm thép khác của Hòa Phát đã xuống thấp nhất từ đầu năm 2021 trong tháng 10, cùng với động thái dừng lò, SSI cho rằng mối lo ngại chính trong thời gian tới với nhà sản xuất này là nhu cầu thép giảm nhanh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

 Còn hơn 1 tháng chạy chỉ tiêu, một loạt doanh nghiệp giảm kế hoạch lợi nhuận từ 30% cho đến 90%  - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại