Con gái viết một bài thơ dài tả "Đêm nay ba không ngủ", ai nấy cười sặc sụa vì ông bố bị "bóc mẽ" đến từng chân tơ kẽ tóc

Tào Nga |

Hình ảnh ông bố không ngủ hiện lên chân thật từng chi tiết, đặc biệt không ai có thể nhịn được cười với lý do cuối cùng.

Trẻ con vốn dĩ ngây thơ, trong sáng như tờ giấy trắng. Các em thấy gì, nghe gì và cảm nhận thế nào đều nghĩ rằng mọi chuyện chỉ đơn giản như thế. Thế nên từ trước tới nay, không ít ông bố, bà mẹ cười méo mặt khi hình ảnh của mình bị lột trần chân thật nhất trong từng bài văn tả của các em.

Mới đây, một ông bố ở TP.HCM cũng lọt vào tầm ngắm của cô con gái. Chỉ vì trằn trọc không ngủ được mà ông bố này trở thành đề tài cho tác phẩm thơ văn của con. Tuy nhiên, đoạn thơ với hình ảnh muỗi chích ngứa, bị ăn trộm sẽ nghèo kiết xác và ăn nhiều bị... tiêu chảy khiến ai nấy không nhịn được cười.

Con gái viết một bài thơ dài tả Đêm nay ba không ngủ, ai nấy cười sặc sụa vì ông bố bị bóc mẽ đến từng chân tơ kẽ tóc - Ảnh 1.
Con gái viết một bài thơ dài tả Đêm nay ba không ngủ, ai nấy cười sặc sụa vì ông bố bị bóc mẽ đến từng chân tơ kẽ tóc - Ảnh 2.

Bài thơ "Đêm nay ba không ngủ".

Bài thơ có nội dung như sau:

Đêm nay ba không ngủ

Vầng trăng khuyết sáng bừng

Soi sáng cả phòng ngủ

Trăng soi sáng cả nhà

Đêm nay ba không ngủ

Ba nằm thật trầm ngâm

Đêm nay thật tĩnh mịch

Không chút tiếng động nào

Đêm nay ba không ngủ

Không chút tiếng động nào

Chỉ nghe tiếng muỗi chích

Thật là ngứa quá đi

Đêm nay ba không ngủ

Nằm kế người mình yêu

Dù có lạnh biết bao

Nhưng vẫn thấy ấm lòng

Đêm nay ba không ngủ

Mẹ bỗng nhiên thức dậy

Thấy ba đang nằm thức

Mẹ bồn chồn, lo âu

Đêm nay ba không ngủ

Mẹ dịu dàng nói là

Ba ơi! Mời ba nghỉ

Ba lắc đầu xoay xoay

Đêm nay ba không ngủ

Để bảo vệ ngôi nhà

Nếu trộm vào nhà mình

Mình sẽ nghèo kiết xác

Đêm nay ba không ngủ

Không phải vì ngôi nhà

Mà vì ăn quá nhiều

Nên ba bị tiêu chảy.

Con gái viết một bài thơ dài tả Đêm nay ba không ngủ, ai nấy cười sặc sụa vì ông bố bị bóc mẽ đến từng chân tơ kẽ tóc - Ảnh 3.

Tác giả bài thơ tả ba đáng yêu.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Linh (sống tại TP.HCM) cho biết, tác giả bài thơ là con gái chị - bé Nguyễn Đan Khanh, tên ở nhà là Sumi. Sumi sinh năm 2008 và hiện đang học lớp 6.

"Mấy tối nay chồng mình bị muỗi chích nên sáng ra có kể lại cho con gái nghe là không ngủ được vì muỗi. Ai ngờ con gái ngẫm nghĩ gì đó rồi vào bàn học hí hoáy. Một lúc sau con mang tờ giấy chép bài thơ ra tặng ba", chị Linh kể lại.

Điều đặc biệt là từ trước đến nay con không đọc thơ hay làm thơ gì mà tự nhiên hôm đó bé Sumi đã ngẫu hứng làm nên bài thơ này.

Chia sẻ thêm về con gái, chị Linh cho biết, Sumi là cô bé lí lắc hay chọc mọi người cười. Ở nhà con lôi đủ trò ra nghịch vui vẻ, năng động. Đặc biệt, con rất yêu thương, quấn quýt với ba.

Con gái viết một bài thơ dài tả Đêm nay ba không ngủ, ai nấy cười sặc sụa vì ông bố bị bóc mẽ đến từng chân tơ kẽ tóc - Ảnh 4.

Sumi và ba thân thiết với nhau.

Giúp con tư duy khi học văn

TS Văn học Diêu Lan Phương hiện đang là Giảng viên giảng dạy bộ môn Lý luận văn học tại Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ 4 điều cha mẹ giúp con tư duy khi học văn.

1. Khả năng Đọc và Quan sát

Có thể nói, năng lực cảm thụ, phân tích… trước tiên đều phải bắt đầu bằng mô tả và quan sát cụ thể. Khi đọc – hay tiếp cận với 1 văn bản, việc đầu tiên là chúng ta nên CHẬM LẠI để có thể mô tả được nghĩa đen của văn bản; để có thể nhìn thấy được thế giới hình ảnh mà người tạo ra nó đã sử dụng. Mỗi hình ảnh, mỗi từ đều mang nghĩa và giúp chúng ta suy tư.

2. Đồng cảm trong cuộc sống và đồng cảm trong nghệ thuật

Đồng cảm là khả năng hóa thân vào người khác để thấu hiểu, để có chung cảm xúc, cảm nghĩ; là khả năng đứng từ góc nhìn người khác để cảm nhận, đánh giá một tình huống, một vấn đề…. Trong cuộc sống, một đứa trẻ biết đồng cảm nghĩa là biết cảm thông, chia sẻ với con người và sự vật xung quanh. Đối với việc học tập, khả năng đồng cảm trước hết sẽ giúp chúng ta có khả năng đọc hiểu tốt hơn, dễ dàng chia sẻ được những tình cảm, cảm xúc với các nhân vật văn học, đồng thời, cũng thuận lợi để hiểu được thông điệp mà tác phẩm gửi gắm.

Đồng cảm nghệ thuật thực sự rất quan trọng trong việc sáng tạo và tiếp nhận văn bản. Vì thế, nó cũng quan trọng trong việc học môn Văn, tiếng Việt. Có lòng đồng cảm thì ngôn ngữ thể hiện ra mới không vô hồn, mới chan chứa cảm xúc, mới “có lửa” và vì thế mà nó sẽ đầy sức thuyết phục.

3. Trí tưởng tượng

Nhà bác học Albert Einstein cũng từng có những câu nói nổi tiếng “Logic sẽ đưa bạn đi từ A đến B còn trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đi tới bất cứ đâu”; hay “Tôi đủ chất nghệ sĩ để tự do vẽ theo trí tưởng tượng của tôi. Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức là hạn chế, còn trí tưởng tượng bao quanh khắp thế giới”.

Con gái viết một bài thơ dài tả Đêm nay ba không ngủ, ai nấy cười sặc sụa vì ông bố bị bóc mẽ đến từng chân tơ kẽ tóc - Ảnh 5.

“Logic sẽ đưa bạn đi từ A đến B còn trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đi tới bất cứ đâu”.

Khi đọc một tác phẩm văn học, các bạn cần mở rộng trí tưởng tượng để nắm bắt được “thế giới” mà nhà văn nhà thơ thể hiện; đồng thời có thể kiến tạo – đồng sáng tạo lại thế giới ấy trong tâm thức của mình. 

Và giống như các ý kiến trên, nếu không quan sát hiện thực, mọi trải nghiệm của chúng ta đều trống rỗng thì trí tưởng tượng cũng rất khó để đơm hoa kết trái. Trí tưởng tượng, dù phong phú đến đâu, cũng không thể sinh ra trong khoảng không trống rỗng. Vì vậy, hãy quan sát, đọc, làm việc và suy tư, những điều ấy sẽ cho các bạn vốn sống, cho các bạn phương pháp để tiệm cận gần và nhanh nhất đến sự chân thực của tri thức.

4. Liên văn bản

Liên văn bản là một thuật ngữ quan trọng của ngành nghiên cứu văn hóa, văn học từ thế kỷ 20. Muốn hiểu được đầy đủ và sâu sắc một tác phẩm văn chương chúng ta không thể chỉ biết riêng một mình nó. Chúng ta hãy mở rộng và suy tư thêm nhiều điều xung quanh nó. Hãy đặt ra các câu hỏi như:

- Tác giả đã viết ra nó lúc nào? Tác giả có số phận, hoàn cảnh sống ra sao?

- Nó được viết ra vào thời kỳ nào?

- Trong bối cảnh văn hóa nào?

- Nó khiến ta nghĩ đến điều gì, đến ai, đến tình huống nào…?

- Nó khiến ta nghĩ đến câu nói nào, quan điểm nào?

- Nó khiến ta nghĩ đến tác phẩm nào? Bài hát nào? Câu thơ nào?....

Như vậy, phương pháp “liên văn bản” cũng có nghĩa là một cách để chúng ta tìm chiếc chìa khóa mở cửa vào tác phẩm, giải mã tác phẩm văn chương, tìm cách để nó có thể “biểu lộ” một cách sâu rộng nhất ý nghĩa của nó. Đó cũng là quá trình tái hiện văn bản.

Để làm tốt được điều này, đương nhiên chúng ta cần sử dụng khả năng đồng cảm, tưởng tượng và liên tưởng. Chúng ta cần loại bỏ tư duy “đóng khung”, hãy mở rộng các trường kết nối để có thể tiếp cận được nhiều tầng nghĩa của tác phẩm. Mỗi ký hiệu, mỗi thông tin được viết đều có thể mang nghĩa nếu chúng ta chịu khó tìm kiếm và kéo dài “sự hiểu” của chúng ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại