Con gái ông Nguyễn Văn Minh đứng tên công ty “sân sau” của bố khi mới 19 tuổi

Võ Nam |

Bị cáo Nguyễn Thục Anh, con gái cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương khai đã đứng tên hộ cho công ty "sân sau" của bố từ năm 19 tuổi.

Ngày 16/8, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án chuyển nhượng sai phạm hai khu “đất vàng” 145ha và 43ha tại Bình Dương đối với 28 bị cáo.

Là con gái ruột của ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương), bị cáo Nguyễn Thục Anh (40 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Phát Triển) bị truy tố về tội Tham ô tài sản trong vụ án này.

Con gái ông Nguyễn Văn Minh đứng tên công ty “sân sau” của bố khi mới 19 tuổi - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thục Anh khai tại tòa

VKS cáo buộc, thông qua việc chuyển nhượng 15% vốn điều lệ cho Tổng công ty Bình Dương, Thục Anh đã giúp sức cho ông Minh chiếm đoạt gần 644 tỷ đồng. Sau đó, Thục Anh được hưởng lợi hơn 200 tỷ đồng.

Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Thục Anh cho rằng, mình đứng tên 51% cổ phần của Công ty Phát Triển, nhưng thực chất chỉ là đứng tên thay cho bố (ông Nguyễn Văn Minh). Bị cáo khai không tham gia, không điều hành các việc chuyển nhượng và các hợp đồng của công ty.

"Bị cáo đứng tên thay cho bố khi mới 19 tuổi. Bị cáo không tham gia vào hoạt động nào của Phát Triển. Mọi việc từ đầu bố của bị cáo chỉ đạo. Khi công ty Phát Triển bán cổ phẩn cho Tổng Công ty Bình Dương, bị cáo cũng không được thông báo”. – Nguyễn Thục Anh khai tại tòa.

Cựu Chủ tịch công ty Phát Triển khai, trong giai đoạn điều tra đã nhận thức được việc đứng tên như vậy là sai trái, vô tình tiếp tay vào sai phạm: “Bị cáo xin nhận trách nhiệm, nhưng xin HĐXX xem xét cho vai trò của bị cáo và bố”.

Con gái ông Nguyễn Văn Minh đứng tên công ty “sân sau” của bố khi mới 19 tuổi - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Thục Anh và bố là ông Nguyễn Văn Minh trong giai đoạn điều tra.


Chồng của Thục Anh là bị cáo Nguyễn Đại Dương cũng là một mắt xích quan trọng trong vụ án liên quan đến vụ chuyển nhượng “đất vàng” từ Nhà nước sang tư nhân trái quy định.

Khai tại tòa, bị cáo Dương cho rằng, mình chỉ đóng vai trò giới thiệu để dẫn dắt các nhà đầu tư đến liên kết với Tổng Công ty Bình Dương thực hiện các dự án trên các lô đất. Bị cáo Dương khai không tham gia vào góp vốn hay thực hiện các hợp đồng chuyển nhượng “đất vàng”.

Tuy nhiên, khi tòa cho cách ly bị cáo Dương để hỏi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Dương Đình T. thì người này đã khai ngược lại.

Ông T. cho biết, thời điểm 2010, mình đang làm nghề bán thịt lợn. Qua một người bạn giới thiệu, ông T. quen biết Dương và được nhờ vả việc ký đứng tên hộ.

“Khi tôi vào TP HCM gặp Dương thì Dương đưa tôi một tập giấy tờ để ký. Ký xong anh Dương đưa cho tôi giấy xác nhận, do anh Dương viết tay. Nội dung giấy đấy là tôi chỉ đứng tên hộ anh Dương trên 45% cổ phần của công ty Âu Lạc, thực chất tôi không có quyền điều hành gì ở công ty này.” – Ông T. khai.

Tòa hỏi sau khi ký đứng tên hộ Dương ở công ty Âu Lạc thì ông T. có được Dương đưa cho tiền hay lợi ích vật chất gì không? Ông T. trả lời là không. Nhưng sau đó, Dương có cho gia đình ông T. vay 4,5 tỷ đồng để làm ăn. Nhưng do những năm gần đây dịch bệnh Covid-19 khiến kinh doanh khó khăn, nên gia đình ông T. chưa trả được tiền cho Dương./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại