Dạy con đối xử như thế nào với vợ mới từng là "tiểu tam" của ba? Câu chuyện của một bà mẹ đơn thân, có hai con gái 14, 15 tuổi chia sẻ trên một diễn đàn mới đây thu hút sự chú ý.
Chị cho biết, mình ly hôn đã được 2 năm do chồng cũ ngoại tình trước đó với một người phụ nữ tuy không có nhan sắc nhưng rất giàu và giỏi. Khi phát hiện. chị đã quyết định ly hôn không níu kéo do biết mình không phải là đối thủ của cô ta. Chị thất nghiệp, ra ngoài thuê nhà nuôi hai đứa con. Người chồng để lại 2 căn chung cư nhỏ để 3 mẹ con cho thuê, có thu nhập và anh cũng trợ cấp đầy đủ theo quyết định của tòa án, vẫn thể hiện sự yêu thương con gái dù chỉ là nhắn tin, thỉnh thoảng mới gặp dẫn con đi ăn uống.
Vấn đề là đã hơn 4 năm kể từ khi mọi việc xảy ra, chị cố gắng để giảm bớt sự oán giận. Tuy nhiên mãi vẫn chưa buông bỏ được.
"Hôm nay con gái lớn của mình hỏi mẹ sau thời gian mẹ đã bớt thù hận chưa chứ bây giờ con cảm thấy cũng không ghét bà vợ mới của ba nữa. Tuy mình biết là không nên dạy con sự thù hận nhưng mình vẫn cảm thấy buồn và hụt hẫng sau khi nghe con gái nói thế. Mình cảm giác con hơi ích kỷ khi chỉ nghĩ đến bản thân của mình. Mình có sai không các mẹ? Và mình sẽ dạy con cư xử như thế nào mỗi khi về thăm nhà nội thăm ba khi cô ta sống chung với họ?", người mẹ thắc mắc.
Đừng gieo vào lòng con hận thù, nhưng...
Câu chuyện của bà mẹ nói trên thu hút nhiều tranh luận với những quan điểm trái chiều. Nhiều người khuyên chị buông bỏ, bởi mỗi chị là còn chờ chuyến tàu cũ, mọi người đã ở hành trình mới rồi, cả những đứa trẻ. Mình tha thứ không phải vì họ đáng được tha thứ, mà vì mình xứng đáng được bình an. Và chỉ khi mẹ bình an thì con cái mới được lan truyền năng lượng tích cực đó.
Nhìn ở một khía cạnh khác thì chị đang sống khá sung sướng (có con, có tiền, có độc lập tự do không phải trách nhiệm với ai, không nghe ai la mắng...). Con quý bố thì bố mới quý lại, quý mẹ kế thì mẹ kế cũng quý lại mà chăm lo cho con. Oán hận chỉ để con thiệt thòi mệt mỏi thêm.
Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng, vết thương lòng lớn đến vậy, đâu thể nói buông là buông. Phản ứng tủi thân của người mẹ khi con "tha thứ" cho người mới của bố cũng là điều dễ hiểu. Giả sử như chồng chị cũng khó khăn, cô vợ mới cũng khó khăn về mặt kinh tế, không vui vẻ chăm sóc được hai cô con gái, thì không biết bé có cảm thấy "không ghét" người vợ mới ấy không?
Con cũng 14, 15 tuổi, cũng phần nào hiểu được lời nói có thể tổn thương mẹ, nhưng vẫn nói ra điều đó, là mẹ, ai cũng buồn lắm, đau lắm. Giá mà con động viên mẹ hãy sống vui vẻ cuộc đời của mình, đừng nhắc gì đến chuyện còn ghét hay không ghét người đàn bà kia thì tốt hơn. Con có phần không quan tâm đến cảm xúc của mẹ.
Một người gợi ý: "Nếu mình là bạn, mình sẽ nói rõ nguyên nhân vì sao gia đình chúng ta không sống trọn vẹn hạnh phúc bên nhau. Bố con và cô kia đã sai với mẹ nên để mẹ quên hẳn thì chắc là rất khó. Nhưng con thì lại khác vì con có quyền của con. Bố con dù thế nào thì vẫn là bố con. Con ghét hay yêu thích cô vợ mới của bố con không liên quan gì tới mẹ.
Không ai sống trong hận thù được mãi. Nhưng mẹ chỉ mong con lớn không học bố con và cô ấy khi bước vào tình yêu và lập gia đình. Hãy luôn nhớ mình có quyền được sống hạnh phúc nhưng hạnh phúc ấy không xây dựng bằng cách làm tổn hại đến cuộc sống và hạnh phúc của người khác.
Phải để con thấy được việc sai trái, việc không nên làm, không nên đối xử với nhau giữa người và người. Đồng thời mình sẽ cố gắng buông bỏ sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, để cho con thấy được trong cuộc đời này, con phải trân quý bản thân mình, không được cho phép người nào làm tổn thương mình… Hãy luôn sống vui vẻ hạnh phúc như mẹ...
Vì cùng là con gái, nên con sẽ ảnh hưởng bởi cách sống và lối suy nghĩ của người mẹ rất nhiều. Mình nghĩ không nên tránh né, mà hãy thẳng thắn trao đổi tâm tư của bạn với con gái, như người mẹ chia sẻ kinh nghiệm, như người bạn chia sẻ tâm sự".
Theo nhiều phụ huynh, để con sống với sự khó chịu và bức bối trong lòng như chính mình bao nhiêu năm qua hẳn người mẹ cũng không thấy vui. Con cái cũng có cuộc đời và suy nghĩ riêng. Nếu thấy khó buông bỏ hay nói những lời tốt đẹp thì hạn chế nhắc về người ấy. Coi như 1 người qua đường. Đừng đay nghiến hay chửi rủa với các con.
Với chồng, nếu không thể thân thiện, hãy tỏ ra chuyên nghiệp, nói cách khác là trưởng thành. "Hãy đối xử với nhau như đối tác kinh doanh. Doanh nghiệp của bạn đang nuôi dưỡng con trở thành một người vui vẻ, mạnh khỏe", như Bec Jones, chuyên gia ly hôn và nuôi dạy con (Anh) từng nói. Phải giữ sự ổn định càng nhiều càng tốt và nói xấu nhau với con chỉ khiến con bạn khó chịu. Tình yêu của trẻ với cha mẹ không thay đổi, vì vậy, không nói xấu đối phương là cách bạn giữ tình yêu đó.