Chiều 23/8, ngày thứ 8 làm việc, phiên xét xử vụ án “thâu tóm” hai lô đất vàng tại TP Thủ Dầu Một, tiếp tục phần tự bào chữa của bị cáo Nguyễn Thục Anh, con gái bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương ( Tổng Công ty 3/2).
Trình bày với HĐXX, bị cáo Nguyễn Thục Anh nói không muốn đào sâu sự việc, vì làm như vậy sẽ khiến cha đau lòng hoặc làm người khác tâm lý nặng thêm.
Bị cáo này cho rằng, cáo trạng quy kết bị cáo "tiếp nhận ý chí" của cha là không đúng. Việc bị cáo đứng tên hộ cha mình sở hữu 51% tại Công ty Phát Triển nhưng tại doanh nghiệp này, chính ông Minh cha của bị cáo cũng không có toàn quyền quyết định nên dù có "tiếp nhận ý chí" của cha, bị cáo cũng không thể thực hiện vai trò đồng phạm.
“Tôi nhận thức được bản thân bị truy tố tội danh tham ô với mức án cao, số tiền mình bị quy buộc chiếm hưởng lên tới 200 tỷ đồng. Tôi tha thiết mong tòa, Viện kiểm sát dựa trên chứng cứ xác đáng nhất, nó là chứng từ giao dịch ngân hàng không ai chối bỏ được để xác minh lại vai trò bị cáo", Thục Anh bày tỏ.
Bào chữa cho bị cáo Thục Anh, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, thân chủ ông là con út của ông Nguyễn Văn Minh, được học hành đầy đủ, là niềm tự hào của gia đình, “một người con cưng” như thế không có người cha nào đưa vào vòng lao lý.
Theo luật sư Thiệp, ông Minh khi thực hiện hành vi của mình không nhằm phạm tội, mà chỉ vì lợi ích tập thể, do đó, luật sư khẳng định không đủ căn cứ quy kết bà Thục Anh "tiếp nhận ý chí" của cha thực hiện hành vi tham ô tài sản.
Bị cáo Nguyễn Đại Dương.
Con rể quả quyết không thông đồng với bố vợ
Tự bào chữa trước đó, chồng của bà Thục Anh là bị cáo Nguyễn Đại Dương tái cũng khẳng định không thông đồng với bố vợ để “thâu tóm” hai lô đất; đồng thời, phản bác cáo buộc cho rằng, ông đã nhờ ông Dương Đình Tâm đứng tên 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc và nói chủ sở hữu số cổ phần này là một người tên Quân.
Về lời khai của ông Dương Đình Tâm, bị cáo Dương cho rằng, do ông Tâm đứng tên cổ đông hộ người tên Quân này nên phải viết giấy xác nhận việc "đứng tên", đưa cho bị cáo Nguyễn Quốc Hùng (Tổng giám đốc Công ty Âu Lạc) giữ, tránh việc tranh chấp giữa người chủ thật và người "đứng tên". Việc này, cơ quan điều tra đã thu giữ các giấy tờ trên nhưng lại không đưa vào hồ sơ vụ án.
Trước đó, có mặt tại tòa với tư cách người làm chứng, ông Dương Đình Tâm khai nhận, quen bị cáo Dương thông qua một người bạn tên Quân. Trong một lần bay vào TP HCM, ông Tâm được Dương đưa cho một tờ giấy ký nhờ đứng tên 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc. Sau này, do sợ ‘liên lụy’ bản thân nên ông Tâm trả lại cho Dương, việc trả này theo ông nói có giấy xác nhận giữa đôi bên.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương, luật sư Đinh Anh Tuấn nói, trong việc Tổng Công ty 3/2 ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty Tân Phú, bị cáo Dương chỉ là người đứng giữa để tìm đối tác có năng lực, sau đó giới thiệu với Tổng Công ty 3/2 theo đề nghị của bị cáo Nguyễn Văn Minh. Việc này hoàn toàn không vi phạm điều cấm của pháp luật.
Theo luật sư Tuấn, Tổng Công ty 3/2 ra nghị quyết đồng ý liên doanh với Công ty Âu Lạc, rồi Tỉnh uỷ Bình Dương cho chủ trương chấp thuận, cũng không liên quan gì đến vai trò của bị cáo Dương. Về việc bị cáo Minh chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú mà không xin ý kiến của Tỉnh uỷ và không định giá lại quyền sử dụng, về trình tự thủ tục bị cáo Minh có thể có lỗi, tuy nhiên bị cáo Minh thực hiện hành vi này hoàn toàn không có tác động nào từ thân chủ của ông.
Vì lẽ trên, luật sư cho rằng, chưa đủ căn cứ xác định bị cáo Dương có hành vi phạm tội như cáo buộc, nên đề nghị HĐXX tuyên không phạm tội, trả tự do cho bị cáo.
Viện kiểm sát cáo buộc, thông qua bố vợ, bị cáo Nguyễn Đại Dương đã thành lập liên doanh Công ty Âu Lạc để có pháp nhân thực hiện dự án trên khu đất 43ha. Quá trình lập công ty Dương nhờ ông Dương Đình Tâm hộ đứng tên cổ đông, sau đó chỉ đạo đồng phạm ký kết các hợp đồng chuyển nhượng khiến lô đất 43ha rơi vào tay tư nhân. Hành vi của Dương giữ vai trò xuyên suốt, thúc đẩy, hỗ trợ, chuyển nhượng khu đất, tạo điều kiện cho cha vợ và đồng phạm gây thất thoát số tiền hơn 900 tỷ đồng.
Còn bị cáo Nguyễn Thục Anh nắm giữ 51% vốn điều lệ của Công ty Phát Triển thay cho cha. Quá trình chuyển nhượng 15% vốn điều lệ tại Phát Triển cho phía Tổng Công ty 3/2, Thục Anh đã giúp sức cho cha chiếm đoạt gần 644 tỷ đồng. Sau đó, Thục Anh được hưởng hơn 200 tỷ đồng.