Chiều 28/11, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (Ngân hàng Đông Á).
Theo đó, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", 43 tuổi) và Nguyễn Thị Ái Lan (45 tuổi, nguyên Trưởng phòng nguồn vốn Hội sở Ngân hàng Đông Á) bị cách ly tại trại giam.
Ông Trần Phương Bình thừa nhận sai phạm
Sau phần công bố cáo trạng của đại diện VKSND TP.HCM, ông Trần Phương Bình (cựu Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch hội đồng Tín dụng DAB) được thẩm vấn đầu tiên.
Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á thừa nhận mọi hành vi phạm tội bị truy tố trong cáo trạng hoàn toàn đúng sự thật. Ngoài 21 hành vi lạm dụng chiếm đoạt tài sản và 6 hành vi cố ý mà bị cáo bị truy tố trong cáo trạng thì 6 hành vi đã bị Cơ quan điều tra tách ra là đúng.
Các lãnh đạo Ngân hàng Đông Á tại phiên xử.
Quá trình xét xử, bị cáo Bình cho biết bản thân là giáo viên của trường Trung cấp tài chính TP HCM từ năm 1983 – 1992.
Ngày 1/7/1992, ông Bình chính thức về giữ chức Phó tổng giám đốc cho Ngân hàng Đông Á khi nhận văn bản bổ nhiệm của Ủy ban quận Phú Nhuận. Thời điểm này, ngân hàng này mới thành lập, nhưng trước đó bị cáo cũng có tham gia viết đề án thành lập ngân hàng này.
"Bị cáo học đại học kinh tế từ 1978 – 1982 với chuyên ngành kinh tế thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Năm 1983, bị cáo về trường Trung cấp tài chính TP HCM chuyên giảng dạy về các môn chuyên ngành bị cáo học", ông Bình khai.
Khi HĐXX hỏi về vốn điều lệ và vốn pháp định thời điểm Trần Phương Bình về làm việc, ông này trình bày: "Năm 1992, thời điểm đó vốn điều lệ bằng vốn pháp định của DAB là 20 tỷ đồng. Còn về số lần thay đổi vốn điều lệ của Ngân hàng Đông Á đến nay, bị cáo không nhớ rõ".
Vợ chồng cùng làm lãnh đạo một ngân hàng
Tại thời điểm thành lập, người đại diện pháp luật của Ngân hàng Đông Á là Tổng giám đốc Ngô Đình Ngôn (nguyên là Phó giám đốc Vietinbank TP HCM), Chủ tịch HĐQT là bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Bình). Ông Bình cho biết với loại hình ngân hàng cổ phần, Ngân hàng Đông Á có số lượng cổ đông sáng lập rất hạn chế thời điểm thành lập.
Theo đó, cổ đông chế chủ yếu là Công ty vàng bạc Phú Nhuận góp 8 tỷ đồng (40% cổ phần), Công ty xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận cũng chiếm 40 % cổ phần và một số cổ đông nhỏ lẻ khác chiếm phần còn lại số vốn pháp định của ngân hàng.
Ông Trần Phương Bình.
Ông Bình cho biết Ngân hàng Đông Á trải qua rất nhiều lần nâng vốn điều lệ, bị cáo này không nhớ rõ bao nhiêu lần tăng vốn.
Ông Bình cho rằng việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng dựa vào quyết định của Đại hội đồng cổ đông, sau đó giao cho HĐQT tổ chức thực hiện.
HĐXX đặt ra nghi vấn, theo quy định của pháp luật với loại hình ngân hàng cổ phần thì "việc vợ bị cáo là Chủ tịch HĐQT, bị cáo là Phó Tổng giám đốc thì có bị vi phạm pháp luật không?"
Trả lời chất vấn, bị cáo Bình cho biết thời điểm đó, chuyện này không hề vướng mắc về mặt pháp luật. Còn nếu xét vào thời điểm hiện nay, thì loại hình ngân hàng cổ phần và cơ cấu tổ chức người thân như trên là vi phạm pháp luật, "bị cáo cùng vợ không thể tham gia vào ban điều hành ngân hàng được".
Ông Bình còn cho rằng vợ ông là bà Cao Thị Ngọc Dung đã chính thức từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á từ năm 2017.
Mánh khóe che giấu hành vi phạm tội
Trong vụ án này, Trần Phương Bình bị cáo buộc với vai trò là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á, đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" với số tiền hơn 2.057 tỷ đồng; "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế" gây thiệt hại hơn 1.551 tỷ đồng.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng ngân hàng này lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng vào cuối năm 2015.
Quá trình điều tra, ông Bình khắc phục 4 tỷ đồng, Vũ "nhôm" khắc phục 173 tỷ...
Nhà chức trách cũng kê biên hơn 125 triệu cổ phần của DAB đứng tên Công ty Bắc Nam 79, 5 bất động sản của các bị cáo và phong toả số lượng lớn chứng khoán...
Trả lời chất vấn, ông Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước mới bắt đầu thanh tra toàn diện Ngân hàng Đông Á và phát hiện sai phạm vào năm 2014.
Từ đó, cơ quan chức năng có một số lần tiến hành thanh tra nhưng khôn toàn diện. Trả lời cụ thể về hoạt động thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, ông Bình cho biết khi thanh tra thì được báo trước vài ngày để chuẩn bị nội dung làm việc.
Mỗi lần như vậy, nếu thấy có nội dung liên quan hoạt động ngân quỹ thì cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á sẽ chỉ đạo các nhân viên liên quan bằng mọi cách che giấu, điều chuyển các khoản khống tới các chi nhánh khác chưa bị thanh tra.
Mua giúp Vũ "nhôm" 13,4 triệu USD vì "cảm thấy có lỗi"
Ông Trần Phương Bình bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng cho Ngân hàng Đông Á thông qua việc mua bán gần 13% cổ phần của ngân hàng này cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm").
Ngoài ra, từ tháng 10/2012 đến tháng 3/2015, ông ta còn chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi trái quy định hơn 294 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD. Trong đó có 13,4 triệu USD là mua giúp Vũ Nhôm. Hiện tại, Vũ "nhôm" cho rằng đã tiêu dùng cá nhân và chưa trả lại cho Ngân hàng Đông Á.
"Bị cáo muốn để Vũ trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Đông Á, nhưng ngân hàng lúc đó rơi vào tình trạng âm quỹ, nợ xấu tăng cao. Bản thân bị cáo cảm thấy có lỗi với Vũ", ông Bình giải thích nguyên nhân nhận lời mua giúp số ngoại tệ khi được Vũ đề nghị.
"Tại thời điểm đó Ngân hàng Đông Á đã âm quỹ rất lớn thì làm gì còn tiền mua hộ, tại sao không có bất cứ hợp đồng nào?", chủ tọa hỏi. Ông Bình cho biết bản thân tin tưởng Vũ có khả năng và nghĩ rằng ông này sẽ thanh toán.