Từ chiếc điện thoại của giới thượng lưu
Không giống với các dòng điện thoại khác trên thị trường, Vertu - sản phẩm đặc biệt của Nokia, không chú trọng tới việc cố gắng giảm chi phí để tăng số lượng sản phẩm bán ra, mà yếu tố hàng đầu hãng này đặt ra là những chiếc điện thoại siêu hạng và thời thượng dành cho giới thượng lưu.
Theo nhóm sáng tạo sản phẩm, những chiếc điện thoại mang thương hiệu Vertu được tạo ra từ những vật liệu quý hiếm nhất như kim cương, ti-tan, bạch kim, và lắp ráp bằng phương pháp thủ công để đạt được độ bền tối đa.
Những chiếc Vertu "rẻ" nhất cũng được tạo nên từ những vật liệu vàng hay da của Italy, những chiếc đắt nhất thì được đính bởi hàng trăm viên kim cương và các loại đá quý khác.
Ngoài ra, các ưu thế vượt trội khác của Vertu chính là những dịch vụ mang đẳng cấp toàn cầu.
Đặc biệt, có thể kể đến như Vertu Concierge, Vertu Life, Select,…tất cả những dịch vụ này là công cụ hỗ trợ đắc lực để đảm bảo an ninh, giúp người sử dụng kết nối không giới hạn trong tất cả các lĩnh vực dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia của công ty PSG - công ty về an ninh và quản trị rủi ro hàng đầu thế giới.
Những chiếc điện thoại rẻ nhất được bán ra thị trường của Vertu như Vertu Aster Chevron cũng rơi vào khoảng 90 triệu đồng, còn những chiếc đắt nhất như Vertu Signature trị giá trên cả tỷ đồng.
Chính vì những đặc trưng riêng biệt và mức giá ‘khủng’ của dòng điện thoại này nên đối tượng khách hàng mà Vertu hướng tới là những khách hàng đặc biệt, có thể kể tới là những triệu phú và người nổi tiếng.
Tuy không có những con số thống kê cụ thể về doanh số bán ra của dòng điện thoại này, nhưng theo một công ty viễn thông tại Anh thì đã có khoảng 200.000 chiếc Vertu được bán ra thị trường. Ông Alberto Torres, người đứng đầu của Vertu cho biết, trong năm 2007, doanh số của Vertu đạt mức tăng trưởng tới 120%, có thời gian lên tới 140%.
Sau hơn 10 năm làm mưa làm gió trên thị trường điện thoại di động, cho tới ngày 14/6/2012, cộng đồng bất ngờ trước tin thương hiệu Vertu được bán lại cho một quỹ đầu tư của Bắc Âu, điều này đồng nghĩa với việc Nokia không còn là chủ sở hữu độc quyền của dòng điện thoại này nữa.
Nokia cho biết, hãng đang trong thời gian tập trung vào mục tiêu cốt lõi để cạnh tranh với Apple và các hãng smartphone khác trên thị trường, nên quyết định nhượng lại hệ thống sản xuất Vertu. Sau khi bàn giao, Nokia chỉ còn sở hữu khoảng 10% cổ phần.
Đến bờ vực phá sản
Giai đoạn 2008-2011, trước sự cạnh tranh với các dòng điện thoại thông minh của Apple, Samsung hay Sony, Nokia gặp phải hàng loạt những thất bại khiến cho thị phần của ‘người khổng lồ’ ngày càng lao dốc.
Tuy đã có rất nhiều giải pháp nhằm thay đổi cục diện như hợp tác với Microsoft để sử dụng Windows Phone 7 trong nhiều model điện thoại mới cuối năm 2011 nhưng dường như Nokia vẫn không thể tự cứu mình khỏi nguy cơ bị xóa sổ bởi những nỗ lực thay đổi không khả quan.
Tới năm 2014, Vertu báo lỗ 53 triệu euro trên doanh thu 110 triệu euro, doanh số bán hàng của thương hiệu sụt giảm mạnh so với giai đoạn 2006-2007. Năm 2015, Vertu một lần nữa được bán cho một chủ đầu tư của Trung Quốc, tuy nhiên, trong năm 2016, doanh số của Vertu tiếp tục lao dốc.
Thương hiệu đình đám này chỉ bán được 9.000 chiếc điện thoại, con số thấp hơn rất nhiều lần so với đỉnh điểm 57.000 sản phẩm của năm 2007. Điều này khiến cho tương lai của Vertu trở nên ‘mơ hồ’.
Tháng 3/2017, Vertu tiếp tục được nhượng lại cho một chủ sở hữu khác- Hakan Uzan- cũng chính là người đối đầu với Nokia trong nhiều năm trước. Khi này Vertu được ‘sang tay’ với giá 61 triệu USD.
Mặc dù đã qua nhiều đời chủ và cũng qua không ít lần cải tổ, song tương lai của Vertu dường như không mấy tươi sáng, thậm chí, dưới sự điều hành của Uzan, Vertu dường như rơi vào trạng thái ‘đóng băng’ vì không đạt hiệu quả kinh doanh.
Theo một nguồn tin nội bộ cuối tháng 6/2017, Telegraph đã thông tin rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của Vertu đang bị chậm lại. Và cũng trong tháng trước, nhà sản xuất điện thoại Vertu của Anh đã chính thức công bố rơi vào tình trạng phá sản.
Hàng loạt các nhà thầu đã ngừng thu gom rác thải công nghiệp từ Vertu, khoảng 200 công nhân đã nộp đơn khiếu nại đòi tiền lương vào giữa tháng 6 nhưng tới đầu tháng 7 số tiền mới đến tay họ.
Đến giữa tháng 7/2017, ông chủ của Vertu được cho là đã thất bại trong việc cứu hãng này khỏi phá sản khi đề nghị trả các chủ nợ 1,9 triệu bảng trên tổng số nợ 128 triệu bảng. Các nhà máy của Vertu tại Anh sẽ dừng hoạt động và khoảng 200 nhân viên thuộc Vertu sẽ mất việc làm.
Có nguồn tin cho biết, ông Uzan vẫn sẽ tiếp tục giữ lại thương hiệu Vertu, song với bối cảnh thị trường hiện tại, nếu không thay đổi cách nhìn nhận thị trường một cách đúng đắn thì việc ‘tái sinh’ đối với Vertu quả thực là một thách thức quá lớn, đặc biệt là dưới sự điều hành của ông Uzan.
Từ những chiếc điện thoại hạng sang trị giá bằng cả chiếc xe hơi thời thượng, hiện tại, điện thoại Vertu đang được thanh lý với giá ‘cực sốc’ nhằm vớt vát lại phần nào.