Từ đầu mùa mưa đến nay, đời sống của các hộ gia đình sinh sống hai bên đường An Phú Đông 35 (tên cũ là An Phú Đông 25, thuộc phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) bị đảo lộn do nước ngập.
Đoạn đường ngập dài khoảng 400m, nước ứ đọng, không rút được.
Theo người dân sống ở đây cho biết, nguyên nhân gây ngập là do tuyến đường không có hệ thống thoát nước, mặt đường lún, thấp, trũng, trong khi có nhiều xe tải lưu thông.
Đoạn đường bị ngập cũng khiến nhiều cửa hàng rơi vào cảnh buôn bán ế ẩm.
Để ngăn nước tràn vào trong nhà, hàng loạt hộ dân hai bên đường đã tốn kém công sức, kinh phí để nâng nền nhà.
Có hộ phải nâng nền nhà hơn 1m để tránh nước ngập vào nhà.
Sinh sống ở đoạn đường này đã lâu, anh Đỗ Doãn Sự cho biết, con đường này ngày càng càng ngập nặng khiến người dân sống hai bên đường đây rất khổ sở.
"Nếu ai đi lần đầu tiên chắc chắn sẽ té ngã. Có những nhà ngập nặng, họ bơm nước từ bồn cầu trực tiếp ra đường khiến mùi hôi nồng nặc”, anh Sự nói.
Hàng ngày phải chạy qua con đường này đi làm, chị Hoàng Thu Trang (ngụ quận 12), cho biết, chị như đi "đánh trận".
"Tôi phải xắn cao quần và tập trung nhớ những chỗ lún sâu để tránh xảy ra tai nạn. Nhiều lúc không cẩn thận tôi bị té, dơ hết quần áo và trễ giờ làm”, chị Trang nói.
Ghi nhận của PV VTC News, chưa tới 1 giờ đồng hồ, có 5 người đi xe máy bị ngã.
Chị Kim Thoa (SN 1983) cho hay, các hộ dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường An Phú Đông và quận 12, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết vì nhập nhằng không phân định được tuyến đường trên thuộc đường dân sinh hay đường địa phương quản lý.
"Tuyến đường này rất nhiều xe tải, xe container đi qua chứ không phải mỗi các hộ sinh sống ở đây sử dụng. Nhưng để sửa chữa đường thì chỉ có 84 hộ ở đoạn ngập đóng góp thì nhiều người bức xúc. Vì dân đóng tiền nhưng các doanh nghiệp xe tải lại được hưởng lợi", chị Thoa chia sẻ.
Rêu bám dày đặc khiến người dân bị ngã.
Nhiều nhiều thuê trọ ở đây phải chuyển đi do nước ngập vào bên trong nhà.
Chị Kim Thoa cho biết thêm, đợt trước có vài doanh nghiệp dùng máy bơm hút nước nhưng cũng chỉ tạm thời, mưa to xuống con đường lại biến thành sông.
"Nắng liên tục thì mừng chứ mua xuống là ôi thôi khổ! Chỉ biết than trời. Sống ở thành phố mà cứ ngỡ đang ở vùng quê", chị Thoa ngao ngán nói.