Như MarketTimes đã thông tin, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tháng 3 ở một số ngân hàng đã có sự điều chỉnh theo hướng giảm, tuy nhiên đang dần chững lại.
Hiện lãi suất huy động cao nhất được các ngân hàng thương mại áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng trở xuống là 4 - 4,5%/năm; kỳ hạn 6 - 12 tháng là 4,5 - 5%/năm và 12 tháng trở lên dao động quanh mức 5 - 5,5%/năm. Chỉ một số ít ngân hàng áp dụng mức lãi suất 5,6 - 5,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu và còn ít dư địa để giảm thêm, nhưng trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên. Việc duy trì lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.
Trên thực tế, lãi suất huy động cũng đã giảm khá sâu so với cùng kỳ năm 2023, lãi suất cho vay hồi cuối năm 2023 cũng đã dần giảm cho tới đầu tháng 3/2024. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng hiện đã hết dư địa giảm tiếp lãi suất và “mặt bằng lãi suất năm 2024 duy trì như hiện nay đã là tích cực”.
Theo chuyên gia từ Chứng khoán VPBankS, tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc khá nhanh trong nửa cuối năm 2023, nhưng mang nhiều tính kỹ thuật. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất điều hành dù đang thấp hơn năm 2019 nhưng lãi suất cho vay thực tế chưa giảm tương ứng so với mặt bằng lãi suất huy động khi vẫn có độ “vênh" lớn. Cùng đó, khả năng tiếp cận được vốn tín dụng giá rẻ chưa được tích cực như chu kỳ tiền rẻ giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Như vậy, thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là giai đoạn tiền rẻ, kể cả khi mặt bằng lãi suất điều hành đang thấp hơn giai đoạn năm 2019.
Vị chuyên gia này cho rằng, việc điều hành lãi suất sẽ cần phải chờ đợi thêm những yếu tố khác như thời điểm hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mức hạ lãi suất cụ thể. Trước đây, thị trường từng kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất tháng 3, tháng 5 nhưng hiện đã đẩy lùi sang nửa cuối năm. Trong khi đó, tại Việt Nam, khi chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, việc hạ thêm lãi suất điều hành trong khi lãi suất USD chưa hạ sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Do vậy, sẽ rất khó hạ sâu lãi suất hơn nữa ở thời gian tới.
Dù vậy, lãi suất huy động đang tiếp tục ở mức thấp vẫn đang là yếu tố tích cực để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Chi phí vốn của ngân hàng giảm là một cơ sở quan trọng ủng hộ xu hướng giảm lãi suất cho vay của các nhà băng.
Tại một cuộc họp của NHNN hồi đầu năm 2024, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, với 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2023 đã giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt mạnh trong nửa cuối năm, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Hiện lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động.
Mới đây, tại Công điện về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.