Đang học thì gặp "cảnh nóng"
Trong suốt một tháng qua, hầu hết các trường học từ Tiểu học đến khối THCS, THPT đã triển khai hình thức học online. Đây được xem là phương pháp học hữu ích nhất trong thời điểm hiện tại vì dịch Covid-19. Tuy nhiên không ít cha mẹ đã gặp phải sự cố méo mặt.
Một phụ huynh (xin được giấu tên) chia sẻ, vào một buổi sáng khi con gái chị, 13 tuổi, đang ở trong phòng học online thì bỗng nhiên hét lên thất thanh. Vị phụ huynh này thấy lạ vô cùng vì chỉ có mình con trong phòng và cả lớp đang học trực tuyến thì chuyện gì đã xảy ra.
Không ít cha mẹ đã gặp phải sự cố méo mặt khi con học trực tuyến (Ảnh minh họa).
Chị vội vàng bỏ dở việc riêng chạy vào phòng với con thì tá hỏa thấy màn hình máy tính là "cảnh nóng" của 2 người lớn. Con gái chị khi đó thì ôm mặt khóc như mưa vì quá sợ hãi.
Trong phút bàng hoàng đó, chị liền gập ngay máy tính lại và ôm con an ủi. Được biết vào thời điểm đó đã có 39 học sinh cùng tham gia buổi học trực tuyến. Sau đó, chị đã báo ngay trong nhóm trò chuyện của giáo viên và phụ huynh.
"Tôi nghĩ rằng con sẽ an toàn hơn khi ở nhà thay vì đến trường nhưng tôi không mong đợi gặp phải điều này. Tôi rất lo sợ sau vụ việc sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con", vị phụ huynh bày tỏ.
Đây không phải là trường hợp duy nhất. Thời gian qua, nhiều phụ huynh phản ánh tình trạng con đang học nhưng lại phải chứng kiến những cảnh không hay từ chửi bậy, la hét om sòm cho đến những hình ảnh "nóng" như ảnh khỏa thân, clip sex.
tình trạng quấy phá lớp học vẫn xảy ra thường xuyên (Ảnh chụp màn hình).
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, thời gian đầu thầy cô không sử dụng mật khẩu để cha mẹ không rành về công nghệ có thể dễ dàng đăng nhập. Tuy nhiên, sau đó các thầy cô gặp những sự cố không mong muốn nên đã liên tục phải thay đổi mật khẩu. "Dù cẩn thận là vậy nhưng thông tin vẫn để lộ ra bên ngoài và nhiều đối tượng vào quấy phá lớp học", cô N.A.T, một giáo viên có 10 năm kinh nghiệm giảng dạy chia sẻ.
Bố mẹ thay nhau "kè kè" ở bên
Chị T.T.N, phụ huynh có con học lớp 3 ở Hà Nội cũng phải kè kè ngồi cạnh con mỗi khi con học trực tuyến. Theo chị N., lâu nay chị kiểm soát các thiết bị công nghệ và không cho con xem quá 1 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, một tháng trở lại đây con phải học online nên chị phải đưa điện thoại cho con sử dụng.
Cha mẹ lo lắng khi con học trực tuyến (Ảnh minh họa).
"Do học trực tuyến nên mạng bị out liên tục, ngắt quãng việc học của con. Có những lúc vào mãi không được, chỉ sợ con ở trong phòng tò mò xem lung tung", chị N. bày tỏ. Vậy là vợ chồng chị mỗi tối lại cắt cử nhau ngồi cùng con học online.
Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng bố trí thời gian, bên cạnh đó những đứa trẻ lớn hơn sẽ nhất định không chịu cho bố mẹ bên cạnh. Một vị phụ huynh cũng rơi vào tình huống giận tím người.
Vị phụ huynh này chia sẻ, vì con học lớp 10 nên anh chị muốn con tự giác học tập. Mỗi khi đến giờ học là con đóng cửa phòng để tập trung cho việc học. Tuy nhiên vào một ngày anh bất ngờ hé cửa kiểm tra thì thấy con đang ngồi xem phim. Điều đáng nói không phải bộ phim dành cho trẻ nhỏ mà màn hình máy tính đang chiếu hẳn phim 18+.
Kìm nén cơn tức giận, anh nghe con giải thích là học online xong được các bạn gửi đường link vào xem phim nóng vì chê con "ngố tàu".
Những tên giang hồ mạng "trà trộn" vào lớp học online.
Hình ảnh một lớp học bị phá quấy.
Ngoài yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc học thì nhiều lúc chính các em lại không tập trung vào buổi học của mình. Thực tế, nhiều em trong giờ học online đã ngồi xem phim nóng, "cày" game hoặc chat chửi bới nhau thô tục cho đến "thả thính" tán tỉnh nhau. Nếu cha mẹ không biết thì vẫn nghĩ con học hành nghiêm chỉnh, còn nếu bị phát hiện thì các em nói rằng việc học online không hiệu quả, chán... nên tìm cái khác để giải trí.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua Internet.
Theo đó, thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo đã tích cực triển khai, được học sinh, sinh viên (HSSV), cha mẹ HSSV hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả tốt.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, HSSV trên mạng, không đảm bảo an toàn và đã gây tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua Internet.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm (cơ sở đào tạo) tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kĩ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy - học qua Internet; kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, HSSV và cha mẹ HSSV trong dạy học qua Internet.
Giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín; khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GDĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19.
Xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên; trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học.
Tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học qua Internet. Đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian học sinh tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, HSSV, cha mẹ HSSV và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.